Nga-Mỹ tranh cãi tại Liên Hợp Quốc về kế hoạch hạt nhân của Moscow ở Belarus
Nga và Mỹ đã xung đột tại Liên Hợp Quốc về kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Moscow ở Belarus. Trung Quốc, Ukraine và Belarus cũng lên tiếng về vấn đề này.
Ngày 31-3, Nga và Mỹ đã xung đột tại Liên Hợp Quốc (LHQ) về kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Moscow ở Belarus, theo hãng tin AP.
Tại cuộc họp của ngày 31-3 của LHQ, Đại sứ Nga tại LHQ - ông Vassily Nebenzia nói rằng Moscow không chuyển giao vũ khí hạt nhân mà chuyển giao “các tổ hợp tên lửa chiến thuật tác chiến” nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Ông khẳng định điều này không vi phạm Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT).
Ông Nebenzia cáo buộc Mỹ phá hủy các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân quan trọng khi triển khai vũ khí hạt nhân ở các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Đồng quan điểm với Nga, Đại sứ Belarus tại LHQ Valentin Rybakov chỉ trích việc Mỹ chia sẻ hạt nhân với các đồng minh phương Tây.
Theo ông, kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật là phản ứng trước “những thách thức và rủi ro về an ninh quốc gia” mà Belarus đang phải đối mặt do các lệnh trừng phạt của phương Tây và sự tăng cường năng lực quân sự từ các nước láng giềng NATO.
Đáp lại, phó Đại sứ Mỹ tại LHQ - ông Robert Wood nói rằng vấn đề chia sẻ hạt nhân giữa các nước NATO đã được thảo luận trong các cuộc đàm phán về hiệp ước NPT. Ông lưu ý rằng trong gần 4 thập niên từ sau khi ký kết NPT, Washington không thấy Moscow phản ứng gì với vấn đề này cho đến khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014.
Ông Wood nhấn mạnh rằng bất kỳ cáo buộc nào cho rằng Mỹ không tuân thủ đầy đủ NPT “đều là sai sự thật”.
Ông cáo buộc Nga “đang cố gắng thao túng bóng ma xung đột hạt nhân” để giúp giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraine.
Trung Quốc (TQ) phản đối kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân nhưng không đề cập tên quốc gia nào.
Đại sứ TQ tại LHQ Cảnh Sảng nói: “Chúng tôi kêu gọi bãi bỏ các thỏa thuận chia sẻ hạt nhân. TQ ủng hộ việc các nước có vũ khí hạt nhân không triển khai và thu hồi vũ khí đã triển khai ở nước ngoài”.
Ông Cảnh gọi vũ khí hạt nhân là “thanh gươm treo lơ lửng trên đầu chúng ta”, nhắc lại rằng Bắc Kinh phản đối các cuộc tấn công nhằm vào các nhà máy điện hạt nhân cũng như việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong xung đột ở Ukraine.
Đại sứ Ukraine tại LHQ Sergiy Kyslytsya ủng hộ lập trường của Bắc Kinh. Ông nói: “Bằng uy tín của mình, TQ đã nhắc nhở Moscow rằng chiến tranh hạt nhân không thể chiến thắng và phải ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân”.
Ông Kyslytsya nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ mất 4 ngày để vi phạm những cam kết với Chủ tịch TQ Tập Cận Bình về hạn chế triển khai vũ khí hạt ở nước ngoài - cam kết mà 2 nhà lãnh đạo đưa ra khi ông Tập thăm Moscow.