Nga nâng cấp hàng trăm chiếc T-90 vì ai?
Hàng trăm chiếc tăng T-90 và T-90A sẽ được nâng cấp lên chuẩn mới làm tăng chủ lực trong lực lượng tăng thiết giáp quân đội Nga.
Theo chuyên gia quân sự Mỹ Mark Episkopos, những cỗ tăng T-90 sẽ được nâng cấp lên phiên bản T-90M Proryv. Ngoài mục đích chính trang bị trong nước, Nga cũng sẽ dành T-90M cho việc xuất khẩu.
Phiên bản mới T-90M Proryv sẽ được trang bị nhiều hệ thống mới nhằm cải thiện khả năng phòng vệ lẫn tấn công cho xe, trong đó có hệ thống quang điện tử. Hiện một số nguyên mẫu T-90M đã được trang bị hệ thống này và sẵn sàng tham các cuộc thử nghiệm trong tập trận.
Bộ Quốc phòng Nga sẽ đánh giá và đưa ra quyết định mua sắm và nâng cấp cuối cùng sau khi những cỗ tăng này hoàn thành thử nghiệm cấp nhà nước. T-90M là phiên bản mới nhất của T-90 của Nga, một loại tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ 3 được đưa vào trang bị vào năm 1993.
Phiên bản M của T-90 được trang bị rất tối tân tạo nên khác biệt với phiên bản trước đó và những cỗ tăng cùng thế hệ từ phương Tây. T-90M được nâng cấp nhiều về hỏa lực. Xe sử dụng pháo chính 2A46M-5 125mm, phiên bản nâng cấp mới nhất của loại pháo tăng huyền thoại 2A46.
Trọng pháo 2A46M-5 có độ chính xác tăng thêm 20% so với phiên bản 2A46M-4, độ phân tán của đạn khi bắn trong lục di chuyển giảm 1,7%. Pháo mới hiệu suất cao cùng hệ thống ổn định nâng cấp cho phép công kích mục tiêu chính xác hơn khi hành tiến.
Thượng tầng của tháp pháo được lắp trạm vũ khí điều khiển từ xa sử dụng đại liên 12,7mm. Trạm vũ khí mới tích hợp cảm biến và hệ thống điều khiển hỏa lực, cho phép trưởng xe tiêu diệt mục tiêu từ bên trong xe, mà không phải thò đầu ra ngoài để bắn như các phiên bản cũ.
Giới quân sự phương Tây cho rằng, điểm làm nên khác biệt lớn nhất của T-90M với T-90A và những cỗ tăng phương Tây chính là việc chúng được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực tích hợp Kalina.
Đây là hệ thống điều khiển hỏa lực tối tân được lắp trên siêu tăng T-14 Armata. Hệ thống Kalina với các cảm biến hiện đại cho phép theo dõi mục tiêu tự động và khóa pháo chính vào mục tiêu cho đến khi pháo thủ khai hỏa.
Hệ thống cảm biến trên T-90M có thể xác định mục tiêu cỡ xe tăng ở cự ly 5.500m trong điều kiện ban ngày, 2.000m trong điều kiện đêm tối. Đây rõ ràng là lợi thế rất lớn của T-90M khi tác chiến.
Bởi trong tác chiến của lực lượng xe tăng, bên nào phát hiện đối thủ trước sẽ có cơ lớn hơn nhiều để giành chiến thắng.
Chuyên gia Mỹ còn chỉ ra rằng, cùng với sức mạnh hỏa lực, khả năng phòng vệ của T-90M cũng rất ấn tượng. T-90M được trang bị giáp phản ứng nổ (ERA) Relikt thế hệ mới, thay cho Kontakt-5 ERA.
Relikt được thiết kế dạng module bọc phía trước tháp pháo, hai bên hông và các khu vực quan trọng của xe tăng. Thiết kế dạng module cho phép dễ dàng thay thế trong điều kiện chiến trường.
Giáp Relikt cung cấp khả năng bảo vệ tăng 50% chống lại các loại đạn xuyên giáp, tên lửa chống tăng. Phía sau tháp pháo, đuôi xe được gắn hệ thống lồng thép, giúp tăng khả năng bảo vệ chống lại các loại đạn bắn từ súng phóng lựu chống tăng.
Khoảng hở giữa tháp pháo và thân xe được bọc lưới bảo vệ để tăng khả năng cản phá các loại đạn chống tăng. Ngoài ra, T-90M còn được lắp hệ thống phòng vệ chủ động tương tự Afganit, loại dùng trên siêu tăng T-14 Armata.
Hệ thống Afganit gồm các cảm biến lắp quanh tháp pháo để phát hiện mối đe dọa, sau đó phóng cái khối đánh chặn để phá hủy đầu đạn trước khi nó tác động đến thân xe.
Nhờ cập nhật các công nghệ của siêu tăng T-14, T-90M đã thực sự lột xác tạo nên một nắm đấm hỏa lực uy lực trên chiến trường dựa trên bộ khung cũ của T-90.
Đây chính là một đảm bảo cho khả năng chiến đấu của lực lượng xe tăng Nga khi T-14 chưa thực sự sẵn sàng. Theo kế hoạch trang bị được Nga công bố, đến năm 2022, T-14 Armata sẽ chính thức được đưa vào trang bị.
Nhưng theo giới chuyên gia, không lấy gì làm đảm bảo rằng đến thời điểm đó Armata chính thức hoạt động. Bởi không ít lần thời điểm trang bị dòng tăng này được Nga ấn định nhưng đều không thực hiện được.