Mỹ lo ngại Nga bí mật biến R-37M thành tên lửa hạt nhân đáng gờm
Cơ quan tình báo quốc phòng của Lầu Năm Góc (DIA) ngày 21/5 cho biết, Nga đang phát triển loại tên lửa không đối không mang đầu đạn hạt nhân mới, như một phần của quá trình mở rộng lực lượng hạt nhân.
Thông tin này được công bố trong báo cáo Đánh giá Mối đe dọa Toàn cầu năm 2025 của DIA, được trình lên Tiểu ban Tình báo và Hoạt động Đặc biệt thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ. Theo báo cáo, “Nga đang mở rộng lực lượng hạt nhân của nước này bằng cách bổ sung các khả năng mới, trong đó có tên lửa không đối không mang đầu đạn hạt nhân và các hệ thống hạt nhân mới. Nga có thể duy trì kho vũ khí hạt nhân gồm khoảng 1.550 đầu đạn chiến lược và khoảng 2.000 đầu đạn không chiến lược”.

Tên lửa R-37M của Nga. Ảnh: Wikipedia
Báo cáo cho rằng, mặc dù Nga đưa ra những lời cảnh báo liên quan đến vũ khí hạt nhân và tiến hành các cuộc tập trận, nhưng Moscow “nhiều khả năng sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột tại Ukraine trừ khi giới lãnh đạo Nga đánh giá rằng họ phải đối mặt với mối đe dọa hiện hữu”. Theo DIA vũ khí mới của Nga có thể là phiên bản mới của tên lửa tầm xa không đối không R-37M (NATO gọi là AA-13 Axehead).
R-37M do Cục thiết kế tên lửa Vympel của Nga chế tạo, được phát triển cho máy bay đánh chặn hạng nặng MiG-31 Foxhound, sau đó dùng cho máy bay chiến đấu đa năng Su-30SM và Su-35S Flanker và cuối cùng là máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 Felon. Trong cuộc xung đột, R-37M được cho là mối đe dọa lớn đối với các hoạt động không quân của Ukraine.
Phi công MiG-29 người Ukraine Andrii “Juice” Pilshchykov cho biết: “Tên lửa R-37M, thường được bắn từ không phận Nga, đã hạn chế khả năng thực hiện nhiệm vụ của chúng tôi. Mối đe dọa này ngăn cản chúng tôi thực hiện một cuộc không kích hoặc các hoạt động khác và đối mặt với rất nhiều rủi ro. Chúng tôi dễ gặp nguy hiểm nếu không phát hiện tên lửa đang bay tới”.
Nga bắt đầu chương trình phát triển tên lửa R-37M vào đầu những năm 1990. Đến năm 1993, nước này lần đầu thử nghiệm phóng tên lửa từ máy bay MiG-31M tiêu diệt một mục tiêu trên không ở phạm vi 228km. Các cuộc thử nghiệm tên lửa đã hoàn thành thành công vào đầu năm 1994. Tuy nhiên, sự tan rã của Liên Xô khiến việc chế tạo tên lửa bị tạm dừng.
Đầu những năm 2000, Nga xem xét nối lại việc phát triển tên lửa này và nâng cấp máy bay chiến đấu Foxhound đang hoạt động lên tiêu chuẩn MiG-31BM. Việc phát triển hiện tập trung vào cải tiến và nâng cấp R-37M. Phiên bản sửa đổi của tên lửa này lần đầu tiên được phóng từ một chiếc MiG-31 vào năm 2011 và hoàn thành các cuộc thử nghiệm vào đầu năm 2014 trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt.
R-37M nặng 510 kg, dài 4,06 mét, được trang bị đầu đạn nổ phân mảnh nặng 60 kg. Tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, đạt tốc độ tối đa Mach 6, tương đương khoảng 7.400km/h, được thiết kế để tấn công các mục tiêu tầm xa. Nhiều chuyên gia cho rằng, tên lửa đã được tối ưu hóa để đánh bại máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát trên không (AEW&C) và các tài sản có giá trị cao khác. Tuy nhiên, vì R-37M được phát triển để trở thành vũ khí chính của máy bay đánh chặn MiG-31, nên nó có khả năng tấn công nhiều loại mục tiêu, trong đó có máy bay, tên lửa hành trình và trực thăng từ ngoài tầm với của bất kỳ máy bay chiến đấu hoặc đơn vị phòng không nào.
Theo dữ liệu từ nhà sản xuất, R-37M bắn hạ một số mục tiêu trên không ở tầm xa lên tới gần 200km, ưu việt hơn so với tên lửa AMRAAM do Mỹ sản xuất với tầm bắn lên tới 160km.
R-37M dùng động cơ nhiên liệu rắn tăng cường, giúp nó lao nhanh về phía mục tiêu, trong khi cập nhật thông tin giữa chặng bay nhờ máy bay phóng. Tên lưảđược trang bị radar chỉ thị mục tiêu Agat 9M1103M-350 có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly tới 70km và khóa mục tiêu ở cự ly 40km. Trong giai đoạn cuối của hành trình bay, R-37M sẽ bật radar dẫn đường và tăng tốc nhanh chóng lên vận tốc siêu vượt âm, khiến đối phương không kịp trở tay.
Sức mạnh đáng gờm của R-37M khi trang bị đầu đạn hạt nhân
Theo giới phân tích, R-37M có khả năng được trang bị đầu đạn hạt nhân do một số phiên bản cũ của tên lửa đều có đầu đạn này. Việc trang bị khả năng hạt nhân cho phép nó tiêu diệt các phi đội máy bay hoặc tên lửa lớn hơn.
Tên lửa không đối không mang đầu đạn hạt nhân ban đầu được chế tạo để tiêu diệt đội hình máy bay ném bom vào thời kỳ cao trào của Chiến tranh Lạnh. Ngày nay, đội hình máy bay ném bom như vậy không còn là mối de dọa lớn, nhưng việc phát triển tên lửa mang đầu đạn phân mảnh để bắn hạ mục tiêu được cho là sẽ mang lại lợi ích trong các cuộc xung đột hiện đại, đặc biệt khi đối phó với máy bay tàng hình, máy bay không người lái hoặc tên lửa hành trình của đối phương.
Các nhà quan sát cho rằng, tên lửa R-37M của Nga, nếu được tích hợp đầu đạn hạt nhân sẽ trở thành một vũ khí đáng gờm, mang lại lợi thế và khả năng mà không một tên lửa không đối không hiện đại nào có thể sánh kịp.
Phiên bản mang đầu đạn hạt nhân của R-37M có thể đặc biệt hiệu quả khi chống lại máy bay tàng hình như F-35, đã được phương Tây triển khai với số lượng lớn và ngày càng tăng trên khắp biên giới châu Âu, Bắc Cực. Mặc dù radar của Nga có thể gặp khó khăn trong việc khóa mục tiêu F-35 nhưng R-37M trang bị đầu đạn hạt nhân, với bán kính nổ rộng và xung điện từ rộng hơn có bắn hạ chiến đấu cơ như vây. R-37M đã được triển khai trong chiến đấu ở Ukraine và được Nga cũng như các chuyên gia phương Tây đánh giá rất tích cực.