Tờ báo Mỹ The New York Times (NYT) cho biết, các nhà máy thuộc tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga đang sản xuất vũ khí với khối lượng gấp khoảng 7 lần phương Tây.
Khi cuộc chiến Ukraine vừa bùng nổ, việc sản xuất vũ khí tại Nga đã giảm do hiệu lực từ các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt, nhưng đến cuối năm 2022, tốc độ đã tăng lên rõ rệt.
Ấn phẩm NYT nói thêm, với sự trợ giúp của những "công ty bình phong", Nga đã nhận được nhiều linh kiện cần thiết để duy trì hoạt động sản xuất vũ khí thông qua những nước thứ ba.
Không chỉ có vậy, Nga còn nỗ lực nhập khẩu các loại chip thông thường được sử dụng trong các sản phẩm dân sự và sử dụng chúng trong việc chế tạo những loại vũ khí không có đòi hỏi quá cao.
Ấn phẩm New York Times dẫn lời một quan chức quân sự Mỹ giấu tên cho biết, trước chiến dịch quân sự đặc biệt, Nga chỉ sản xuất khoảng 100 xe tăng mỗi năm, bây giờ con số này đã tăng lên 200.
Sản lượng đạn pháo hàng năm của Nga hiện ở mức khoảng 2 triệu quả, gấp đôi con số mà các cơ quan tình báo phương Tây ước tính, tuy nhiên vẫn còn xa mới đáp ứng yêu cầu thực tế ở mức 10 - 11 triệu quả/năm.
Tổng giám đốc Tập đoàn Vũ khí Tên lửa Chiến thuật Nga - ông Boris Obnosov khẳng định rằng quân đội nước này sẽ không bao giờ hết tên lửa, khi các doanh nghiệp nỗ lực hoàn thành đầy đủ đơn đặt hàng cấp nhà nước.
Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin cũng tự tin thông báo rằng Liên bang Nga đang sản xuất tên lửa với khối lượng tương đương tất cả các quốc gia phương Tây khác cộng lại.
Ở chiều ngược lại, phương Tây cũng đang đẩy mạnh sản xuất vũ khí, trong đó trọng tâm là đạn pháo nhằm đáp ứng yêu cầu viện trợ cho lực lượng vũ trang Ukraine.
Tại hai bên bờ Đại Tây Dương, các nhà máy công nghiệp quốc phòng đang đẩy mạnh sản xuất cả tên lửa và đạn pháp, nhằm đáp ứng do đơn đặt hàng từ chính phủ Mỹ và những quốc gia đồng minh của Ukraine.
Đáng chú ý là số đạn pháo đang được sản xuất không nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại, mà được xác định là "để phục vụ những cuộc tấn công chuẩn bị diễn ra trong tương lai gần".
Nhưng phương Tây cũng đang gặp nhiều khó khăn để có thể đáp ứng nhu cầu của lực lượng vũ trang Ukraine, các nhà máy sản xuất đạn pháo mới đang được xây dựng, nhưng cần có thời gian để đạt tới công suất thiết kế.
Tình trạng trên xảy ra là bởi học thuyết quân sự của NATO chú trọng vào không quân, trong một thời gian rất dài pháo binh bị xem nhẹ và nay việc sản xuất đạn chỉ được khôi phục lại một phần.
Việc Mỹ phải chấp nhận gửi đạn chùm trong kho dự trữ cho Ukraine được giải thích bởi một phần là do nước này đã gần cạn kiệt cơ số đạn phục vụ sẵn sàng chiến đấu nên chẳng còn giải pháp nào khác.
Ngoài sản xuất mới, phương Tây còn đang tính tới giải pháp "vay mượn" đạn pháo từ các quốc gia đồng minh ngoài khu vực, ví dụ như có thông tin Hàn Quốc đã đồng ý "sang nhượng" tạm thời cho Mỹ 500 nghìn viên đạn pháo cỡ 155 mm.