Nga ngừng tham gia New START: Moscow đánh trúng tâm lý phương Tây, sử dụng 'lá bài' giá trị để xoay chuyển tình thế?
Việc Nga ngừng tham gia New START làm dấy lên lo ngại về những bước tiến mới của Nga trong triển khai vũ khí hạt nhân. Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, đây có thể chỉ là cách để Nga kéo phương Tây lại gần hơn bàn đàm phán để tìm ra lối thoát cho những mâu thuẫn hiện có.
"Đổ thêm dầu vào lửa"
Hạ viện Nga ngày 22/2 thông qua quyết định của Tổng thống Vladimir Putin “ngừng tham gia” Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới (New START), liên quan đến tương quan sức mạnh vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ.
Quyết định này ngay lập tức làm dấy lên lo ngại rằng thế giới sẽ lao vào một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân. Một số nhà bình luận cho rằng Điện Kremlin đang làm suy yếu cơ chế kiểm soát vũ khí nguyên tử.
Trong Thông điệp Liên bang đọc trước Quốc hội Lưỡng viện và giới tướng lĩnh Nga ngày 21/2, Tổng thống Putin thông báo “ngừng tham gia hiệp ước New START”.
Đây là văn bản cuối cùng ký kết năm 2010 và được gia hạn năm 2021. Nga và Mỹ khi đó cùng cam kết giới hạn kho vũ khí chiến lược của họ ở mức 1.550 đầu đạn hạt nhân, hai bên không được vượt ngưỡng 800 giàn phóng tên lửa và máy bay ném bom chiến lược.
Quan trọng hơn là mỗi năm, các bên được tiến hành 18 đợt thanh tra các hoạt động của đối phương. Vài ngày trước khi hết hiệu lực, New START đã được gia hạn thêm 5 năm, tức là cho đến 2026. Đây là một trong những quyết định đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden sau khi ông nhậm chức vào tháng 1/2021.
Nhưng từ đó tới nay, quan hệ giữa Washington và Moscow liên tục xấu đi, nhất là kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Tháng 8/2022, Nga đã đơn phương đình chỉ các chương trình thanh tra của quan sát viên Mỹ. Cuối năm 2022, vào giờ chót, cũng Moscow đã hủy đàm phán tại Cairo (Ai Cập) nhằm nối lại các hoạt động thanh tra của cả hai phía.
Tháng Một vừa qua, Mỹ tố cáo Nga vi phạm thỏa thuận cắt giảm vũ khí chiến lược mới. Với một loạt diễn biến đó, giới quan sát đồng loạt cho rằng New START chưa bị "khai tử" nhưng đã trong tình trạng “hôn mê”.
Trong bối cảnh đối đầu kịch liệt, tuyên bố vừa qua của Tổng thống Putin càng “đổ thêm dầu vào lửa”. Chủ nhân Điện Kremlin ra lệnh cho quân đội “sẵn sàng tiến hành các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân” nếu Mỹ mạo hiểm đi trước một bước.
Cách để kéo phương Tây đối thoại
Nhưng thực sự phải hiểu như thế nào về quyết định “ngừng tham gia” hiệp ước New START của Nga?
Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn cho rằng người đồng cấp Nga Putin không tính đến khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân, mặc dù nhà lãnh đạo Nga đã đình chỉ New START.
Trả lời phỏng vấn hãng tin ABC News được phát sóng ngày 22/2, ông Biden nhận xét: “Đó là một sai lầm lớn. Tuy nhiên, tôi cho rằng ông ấy không tính đến khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân hay bất cứ thứ gì tương tự”.
Isabelle Facon, chuyên gia về an ninh và quốc phòng Nga thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược của Pháp, nhấn mạnh: “Ngừng tham gia hiệp ước giới hạn vũ khí hạt nhân không có nghĩa là Nga rút lui khỏi hiệp ước này. Moscow dường như vẫn để ngỏ khả năng đối thoại... Cũng có thể là ông Putin muốn gia tăng áp lực với Mỹ và phương Tây, đặc biệt là Anh và Pháp, hai quốc gia châu Âu có vũ khí nguyên tử. Trong Thông điệp Liên bang ngày 21/2, Tổng thống Nga nói rõ nước này ngừng tham gia New START để chờ xem các nước trong khối NATO như Anh và Pháp muốn gì”.
Ngay sau đó, thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga lưu ý Moscow “tiếp tục tuân thủ giới hạn quy định trong thỏa thuận về tên lửa có gắn đầu đạn hạt nhân”.
Chuyên gia Facon gắn hiệp ước New START với cuộc xung đột ở Ukraine hiện nay. Bà không loại trừ khả năng qua lời lẽ cứng rắn này, ông Putin đánh trúng tâm lý của phương Tây muốn tránh “leo thang”, và để cứu vãn thỏa thuận giải trừ hạt nhân, châu Âu và Mỹ sẽ chấp nhận đàm phán “chấm dứt xung đột”.
Chuyên gia Marc Finaud, hiện là Phó Chủ tịch hiệp hội IDN đấu tranh cho việc giải trừ vũ khí nguyên tử, cũng cho rằng Moscow muốn dùng New START như một công cụ để gia tăng sức ép với NATO và Mỹ.
Đây cũng là dịp để Điện Kremlin khai thác "lá bài" hạt nhân. Từ đầu cuộc xung đột Nga-Ukraine tới nay, Nga đã nhiều lần ám chỉ đến việc dùng vũ khí chiến lược nếu cần. Theo nhà nghiên cứu Emmanuelle Maitre thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược của Pháp, điều này “không nhất thiết là kho đạn hạt nhân của Nga sẽ tăng thêm”.
Dù vậy, theo chuyên gia Mỹ Colin Clarke, Giám đốc Viện nghiên cứu về an ninh Soufan Group tuyên bố của Tổng thống Putin ngày 21/2 cho thấy quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân Nga-Mỹ đang xuống cấp nghiêm trọng, đồng thời làm dấy lên câu hỏi giải trừ vũ khí hạt nhân có còn là ưu tiên của thế giới nữa hay không?
Bên cạnh đó,theo chuyên gia Clarke, việc hiệp ước giới hạn vũ khí chiến lược bị suy yếu có thể khuyến khích một số quốc gia khác, ví dụ như Trung Quốc tăng cường cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân. Bắc Kinh không bị ràng buộc về những hiệp ước chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ngay cả Hàn Quốc gần đây cũng để ngỏ tham vọng trang bị vũ khí nguyên tử để đối phó với đe dọa ngày càng lớn từ Triều Tiên trong khi Iran đang tiến gần hơn đến mục tiêu này.