Nga nhẹ nhàng vượt qua các lệnh trừng phạt dầu mỏ của phương Tây trước khi bước sang năm 2024
Vị thế của Nga trên thị trường dầu mỏ toàn cầu phần lớn vẫn không bị suy giảm cho đến năm 2024 bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây và mức giá trần là 60 USD/thùng, với một chút trợ giúp từ Trung Quốc và Ấn Độ, theo Forbes.
Sau cuộc xung đột tại Ukraine của Nga vào tháng 2 năm 2022, các quốc gia phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã áp đặt các lệnh trừng phạt cũng như giới hạn giá 60 USD/thùng đối với việc bán dầu thô của Moscow. Tuy nhiên, dữ liệu và tư liệu mới nhất được các quan chức cung cấp cho thấy động thái này chỉ là một bước thụt lùi tạm thời đối với Nga.
Chiến thuật phản công của Điện Kremlin nhằm chuyển các chuyến hàng chở dầu từ châu Âu sang những nước mà họ mô tả là các quốc gia thân thiện ở châu Á đã cực kỳ thành công. Nó đã giúp duy trì vị thế thị trường của Nga với tư cách là nhà khai thác dầu lớn thứ ba thế giới (sau Mỹ và Ả Rập Xê-út) và là nước xuất khẩu lớn thứ hai.
Chiến thuật tốt
Trong cuộc phỏng vấn với Rossiya-24 được Reuters trích dẫn, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết hôm thứ Tư (27/12) rằng chiến thuật này đã phát huy tác dụng rất tốt.
“Các đối tác chính trong tình hình hiện nay là Trung Quốc, với thị phần (trong xuất khẩu của chúng tôi) đã tăng lên khoảng 45-50%, và tất nhiên là cả Ấn Độ. Trước đó, về cơ bản không có nguồn cung nào cho Ấn Độ. Trong hai năm, tổng thị phần cung cấp cho Ấn Độ đã lên tới 40%", ông lưu ý.
Phó Thủ tướng nói thêm rằng thị phần xuất khẩu dầu thô của Nga sang châu Âu đã giảm từ khoảng 40-45% xuống chỉ còn khoảng 4-5%. Các nhà tổng hợp dữ liệu cũng chỉ ra rằng hoạt động khai thác của Nga sẽ không bị đình trệ, ngoại trừ những bước thụt lùi tạm thời ngay sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt trong Quý 1 và Quý 2 năm 2022.
Nước này hiện đang bơm khoảng 10,6 triệu thùng mỗi ngày - con số đã bao gồm việc hạn chế khoảng 500.000 thùng/ngày như một phần của việc cắt giảm sản lượng OPEC+. Con số này cao hơn một chút so với mức khai thác của họ vào tháng 1 năm 2022, trước xung đột với Ukraine.
Trung bình, khoảng một nửa lượng dầu do Nga khai thác đã được xuất khẩu trong phần lớn thời gian của năm 2023 - một tốc độ đã được duy trì nhờ Bắc Kinh và New Delhi. Theo S&P Global Commodity Insights, tháng 8 được chứng minh là ngoại lệ đáng chú ý duy nhất trong năm. Điều đó diễn ra trong thời gian ngừng hoạt động của cơ sở hạ tầng.
Mức giá trần ít tác dụng
Mức giá trần 60 USD/thùng của phương Tây cũng có vẻ lố bịch khi cả người mua Ấn Độ và Trung Quốc đều trả cao hơn đáng kể so với con số này. Trung bình, giá trả cho dầu thô Urals của Nga gần đây dao động trong khoảng thấp hơp từ 4-6 USD/thùng so với giá Brent, hiện ở mức 80 USD (ngày 28/12).
Trên thực tế, các nguồn tin trong giới giao dịch Ấn Độ cho thấy rằng tại những thời điểm căng thẳng về nguồn cung trong suốt năm 2023, mức chiết khấu thậm chí còn giảm xuống mức thấp nhất là 3 USD/thùng từ mức cao nhất là 19 USD vào đầu năm.
Theo giới hạn giá, các nhà khai thác tàu chở dầu và công ty bảo hiểm phương Tây đã bị cấm cung cấp dịch vụ cho các tàu chở dầu của Nga có giá giao dịch ở mức phí bảo hiểm lên tới 60 USD. Tuy nhiên, Nga đã chứng tỏ mình rất khéo léo trong việc tiếp cận một đội tàu chở dầu bóng đêm lớn không được bảo hiểm bởi G7 hoặc Liên minh châu Âu.
Nhu cầu duy trì
Khó có thể xảy ra tình trạng mất đi nhu cầu đối với dầu thô Nga từ Trung Quốc và Ấn Độ trong thời gian gần và trung hạn. Một cái nhìn thoáng qua về điều này gần đây đã được các quan chức của Bộ Dầu mỏ Ấn Độ đưa ra.
Trong lời khai trước quốc hội nước này, họ lưu ý rằng có lúc Nga chiếm tới 40% nhu cầu của đất nước. Đó là 1,95 triệu thùng/ngày trong tổng lượng nhập khẩu khoảng 5 triệu thùng/ngày của Ấn Độ, theo báo cáo trên Indian Express.
Nước này tuyên bố quyết định mua dầu thô của Nga vừa đảm bảo sự ổn định của thị trường dựa trên việc "hấp thụ" loại dầu mà châu Âu đang tránh xa vừa mang lại một món hời cho người tiêu dùng Ấn Độ. Một quan chức Ấn Độ cho biết: “Về mặt ngoại giao, chúng tôi là một quốc gia có chủ quyền và có thể nói rằng chúng tôi đã làm những gì có lợi cho đất nước cũng như thế giới”.
Trong khi đó, các tổ chức được Reuters trích dẫn dự báo nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc sẽ tăng nhẹ trong năm sau.
Cụ thể, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự đoán nhu cầu của Trung Quốc đạt trung bình 16,41 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2024, tăng 3,2% so với mức của năm 2023. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu trung bình là 17,1 triệu thùng/ngày trong cả năm, cho thấy mức tăng trưởng 3,9%.
Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc phục hồi có phần chậm chạp trong năm nay, nhưng mức tiêu thụ dầu vẫn đang trên đà lập mức cao kỷ lục, sau khi bị suy giảm trong giai đoạn 2020-2022 bởi các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt về COVID. OPEC và IEA dự kiến nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ tăng trưởng lần lượt là 7,6% và 12,1% vào năm 2023.
Do đó, ngoại trừ việc thị trường dầu mỏ toàn cầu đang thay đổi về mặt vật chất, năm 2024 khó có thể khác biệt với năm 2023 đối với kho bạc của Moscow.
Sản lượng ổn định
Trang Interfax trích lời Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov rằng quốc gia này dự kiến tổng sản lượng dầu mỏ năm nay ở mức 523 triệu tấn hoặc ít hơn một chút.
Vào tháng 10, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố dự báo sản lượng dầu trong năm nay sẽ là 525-527 triệu tấn. Trong khi đó, Nga khai thác 535 triệu tấn trong năm 2022. Do đó, con số dự báo năm 2023 thể hiện mức giảm 2,2%.
Ông Ronald Smith, nhà phân tích của công ty môi giới BCS World of Investments có trụ sở tại Moscow, cho biết: "Chúng tôi dự đoán sẽ không có thay đổi lớn nào về sản lượng của Nga so với mức hiện tại. Sự gia tăng nhu cầu toàn cầu có thể sẽ được bù đắp bởi sự gia tăng sản lượng từ Mỹ, Venezuela, Iran và các nước khác, giữ cho hạn ngạch của OPEC+ phần lớn ổn định."
OPEC cho biết trong báo cáo đánh giá hàng tháng mới nhất: “Trong năm 2024, sản lượng chất lỏng dầu khí của Nga được dự báo sẽ duy trì ổn định so với năm trước, đạt trung bình 10,6 triệu thùng/ngày”.