Nga nói đàm phán Ukraine đi vào 'ngõ cụt', Ba Lan cảnh báo nguy cơ chiến tranh
Ngoại trưởng Ba Lan cho biết hôm thứ Năm rằng châu Âu có nguy cơ lao vào chiến tranh vì Nga dù chưa từ bỏ ngoại giao, nhưng đã chuẩn bị cho các phương án quân sự trong trường hợp căng thẳng về Ukraine không được xoa dịu.
Các đàm phán đi vào ngõ cụt
Tại Washington, Nhà Trắng cho biết mối đe dọa về một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine vẫn ở mức cao với khoảng 100.000 quân Nga được triển khai. Mỹ sẽ công bố thông tin tình báo trong vòng 24 giờ cho thấy Nga có thể tìm một lý do nào đó để phát động tấn công.
Xe tăng Nga tham gia cuộc tập trận ở Rostov, gần biên giới với Ukraine, hôm thứ Tư. Ảnh: AP
Michael Carpenter, Đại sứ Mỹ tại Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), cho biết: “Tiếng trống chiến tranh đang vang lên và những lời hùng biện trở nên chói tai hơn”.
Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói với các phóng viên: “Nguy cơ bị xung đột quân sự là rất cao. Không có ngày nào được ấn định cho bất kỳ cuộc đàm phán nào nữa. Trước tiên, chúng tôi phải tham khảo ý kiến của các đồng minh và đối tác".
Nga cho biết đối thoại vẫn có thể tiếp tục nhưng đang đi vào ngõ cụt, khi nước này cố gắng thuyết phục phương Tây cấm Ukraine gia nhập NATO và dừng lại việc mở rộng liên minh ở châu Âu - yêu cầu mà Mỹ gọi là "không thể xem xét".
"Ở giai đoạn này, điều đó thực sự đáng thất vọng", Đại sứ Nga Alexander Lukashevich nói với các phóng viên sau cuộc họp với OSCE, chặng thứ ba trong một loạt các cuộc hội đàm Đông-Tây trong tuần này.
Ông cảnh báo về những "hậu quả thảm khốc" có thể xảy ra nếu hai bên không thống nhất được điều mà Nga coi là ranh giới đỏ an ninh, nhưng cũng cho biết Moscow không từ bỏ ngoại giao và thậm chí sẽ đẩy nhanh tiến độ.
Trước đó, Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau phát biểu trước diễn đàn an ninh 57 quốc gia rằng: “Có vẻ như nguy cơ chiến tranh trong khu vực OSCE hiện đang lớn hơn bao giờ hết trong 30 năm qua”.
Trong khi nhắc lại các cuộc chiến tranh trong thời kỳ ở Nam Tư cũ và các vùng thuộc Liên Xô cũ, bình luận của ông đã nhấn mạnh mức độ lo lắng của châu Âu về việc Nga tăng cường khoảng 100.000 quân trong phạm vi biên giới với Ukraine.
Nga phủ nhận kế hoạch tấn công Ukraine nhưng việc xây dựng quân đội của nước này đã buộc Mỹ và các đồng minh phải ngồi vào bàn đàm phán.
Zbigniew Rau báo cáo không có bước đột phá nào tại cuộc họp ở Vienna hôm thứ Năm, diễn ra sau 2 cuộc đàm phán giữa Nga-Mỹ tại Geneva vào thứ Hai và một hội nghị Nga-NATO ở Brussels vào thứ Tư.
'Sự khác biệt về cách tiếp cận'
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết các cuộc họp trước đó đã "đi vào ngõ cụt hoặc có sự khác biệt về cách tiếp cận", vì vậy ông không có lý do gì để ngồi lại trong những ngày tới để bắt đầu lại các cuộc thảo luận tương tự.
Cả 3 cuộc đàm phán giữa Nga-Mỹ. Nga-NATO và Nga-OSCE đều không đi đến thỏa thuận nào. Ảnh: AP
Ông nói với kênh truyền hình RTVI, các chuyên gia quân sự của Nga đang cung cấp các phương án cho Tổng thống Vladimir Putin trong trường hợp tình hình Ukraine trở nên tồi tệ, nhưng vẫn phải có cơ hội ngoại giao.
Đồng rúp của Nga giảm hơn 2% so với đồng USD sau bình luận của Ryabkov.
Ông Sullivan cho biết các cơ quan tình báo Mỹ tin rằng Nga có thể đang tìm kiếm "một cái cớ cho một cuộc tấn công, có thể bằng cách cáo buộc Ukraine chuẩn bị một cuộc tấn công chống lại lực lượng Nga ở phía đông Ukraine."
Washington sẽ chia sẻ chi tiết "về những gì chúng tôi coi là lý do tiềm tàng này" với giới truyền thông trong vòng 24 giờ, Sullivan nói thêm.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng đã nói chuyện với người đồng cấp Ukraine, Oleksii Reznikov, về ý định của Nga. Lầu Năm Góc ước tính 2/3 lực lượng Nga ở gần Ukraine là "ngoài đồn trú", có nghĩa là họ đã được triển khai từ các khu vực khác của Nga.
Nga sẽ cắt đứt quan hệ với phương Tây?
Nga cho biết họ đang bị đe dọa bởi sự mở rộng của NATO về phía biên giới của họ bằng cách thu nhận 14 thành viên mới từ các nước cộng sản Đông Âu trước đây sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nga muốn vẽ "lằn ranh đỏ" để ngăn liên minh này kết nạp Ukraine và đặt tên lửa ở đó.
Washington đã bác bỏ những yêu cầu đó, nhưng cho biết họ sẵn sàng thảo luận về việc kiểm soát vũ khí, triển khai tên lửa và các biện pháp xây dựng lòng tin để vượt qua thời điểm căng thẳng nhất trong quan hệ Đông-Tây kể từ Chiến tranh Lạnh.
Đại sứ Lukashevich nói với OSCE rằng trừ khi Nga nhận được phản ứng mang tính xây dựng, "chúng tôi sẽ buộc phải đưa ra kết luận phù hợp và thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để loại bỏ các mối đe dọa không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia của chúng tôi".
Ông nói tiếp: "Nga là một quốc gia yêu chuộng hòa bình. Nhưng chúng tôi không cần hòa bình bằng bất cứ giá nào. Việc cần thiết phải có được những đảm bảo an ninh đối với chúng tôi là vô điều kiện".
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov còn chỉ trích dự luật trừng phạt do các đảng viên Dân chủ Thượng viện Mỹ công bố nhắm vào các quan chức quân sự và chính phủ của Nga, bao gồm cả Putin, cũng như các tổ chức ngân hàng, nếu Nga tấn công Ukraine.
Peskov tuyên bố việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Putin sẽ tương đương với việc cắt đứt quan hệ hoàn toàn giữa Nga và với phương Tây.
Huy Hoàng (theo RT)