Ngã rẽ sau kỳ thi tốt nghiệp THPT: Chọn đại học hay học nghề?

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 đã khép lại nhưng cánh cửa tương lai của các sĩ tử vừa mới mở ra. Đề thi năm nay được đánh giá có độ phân hóa rõ rệt khiến nhiều em lo ngại điểm số không như kỳ vọng. Trước tình hình đó, nhiều học sinh bắt đầu trăn trở trước ngã rẽ: chọn đại học hay học nghề?

Với những học sinh có bài làm tương đối tốt, việc tiếp tục theo đuổi nguyện vọng đại học vẫn là mục tiêu ưu tiên. Bạn Phạm Công Duy (học sinh lớp 12C2B, Trường THPT chuyên Hùng Vương, phường Pleiku) cho biết: “Trước kỳ thi, bản thân khá lo lắng vì không biết mình sẽ làm bài tốt đến đâu và vì đăng ký vào nhóm ngành có tính cạnh tranh cao là Kỹ thuật hậu cần Công an nhân dân tại Trường Đại học Kỹ thuật-Hậu cần Công an nhân dân”.

 Em Phạm Công Duy (học sinh lớp 12C2B, Trường THPT chuyên Hùng Vương, phường Pleiku). Ảnh: NVCC

Em Phạm Công Duy (học sinh lớp 12C2B, Trường THPT chuyên Hùng Vương, phường Pleiku). Ảnh: NVCC

“Lúc ôn thi em rất áp lực vì không biết có đủ khả năng để đạt được nguyện vọng hay không. Nhưng sau khi hoàn thành các bài thi, em cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Dù còn phải chờ kết quả chính thức, nhưng em tin mình có cơ hội”-Duy nói.

Với Duy, lựa chọn đại học vẫn là ưu tiên: “Em không nghĩ đại học là con đường duy nhất nhưng đó là con đường ngắn nhất bởi sẽ mở ra môi trường học tập, rèn luyện và cơ hội để phát triển bản thân một cách toàn diện”.

Trái ngược với Duy, nhiều học sinh khác lại rơi vào trạng thái mông lung khi kết quả thi không đạt như kỳ vọng. Bạn Bùi Phạm Trúc Quỳnh (học sinh lớp 12A1, Trường THPT Lê Hoàn, xã Đức Cơ) từng đặt mục tiêu vào ngành Sư phạm Tiểu học. Nhưng sau khi đối chiếu đáp án bài thi, Quỳnh nhận thấy khoảng điểm của mình khó có thể đạt được nguyện vọng ban đầu.

“Em đã cố gắng rất nhiều để theo đuổi ước mơ làm cô giáo. Nhưng khi đối chiếu với đáp án và dự đoán điểm số của mình, em hơi hụt hẫng. Em vẫn yêu nghề Sư phạm nhưng cũng đang nghĩ đến những lựa chọn khác phù hợp hơn trong hoàn cảnh hiện tại”-Quỳnh bộc bạch.

 Bạn Bùi Phạm Trúc Quỳnh (học sinh lớp 12A1, Trường THPT Lê Hoàn, xã Đức Cơ). Ảnh: NVCC

Bạn Bùi Phạm Trúc Quỳnh (học sinh lớp 12A1, Trường THPT Lê Hoàn, xã Đức Cơ). Ảnh: NVCC

Với tinh thần không bỏ cuộc, Quỳnh đang tìm hiểu các hướng đi mới như du học nghề tại Đức, học nghề trong nước hoặc xét học bạ vào các trường sư phạm có mức điểm phù hợp hơn. “Em tin rằng, dù đi con đường nào, chỉ cần giữ vững đam mê và nỗ lực hết mình, em vẫn có thể sống đúng với giá trị và mong muốn của bản thân”-Quỳnh chia sẻ thêm.

Cũng từng đặt nguyện vọng vào một trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh nhưng sau khi làm bài thi xong và dự đoán điểm số không mấy khả quan, bạn Nguyễn Thị Trúc Mai (học sinh lớp 12A9, Trường THPT Phan Bội Châu, phường Bồng Sơn) đã quyết định tạm gác lại giấc mơ đại học để rẽ hướng khác thực tế hơn: học tiếng Nhật và tham gia chương trình xuất khẩu lao động.

 Bạn Nguyễn Thị Trúc Mai (học sinh lớp 12A9, Trường THPT Phan Bội Châu, phường Bồng Sơn) đã quyết định học tiếng Nhật và đi xuất khẩu lao động. Ảnh: Đồng Lai

Bạn Nguyễn Thị Trúc Mai (học sinh lớp 12A9, Trường THPT Phan Bội Châu, phường Bồng Sơn) đã quyết định học tiếng Nhật và đi xuất khẩu lao động. Ảnh: Đồng Lai

“Ban đầu em hơi hoang mang vì nghĩ mình không đủ giỏi để thi đậu như mong muốn. Sau khi suy nghĩ kỹ, em nhận ra có nhiều con đường để lập thân, lập nghiệp chứ không chỉ là đại học. Em chọn học tiếng Nhật để xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, vừa có cơ hội kiếm thu nhập, vừa rèn thêm kỹ năng sống”-Mai chia sẻ.

Không chỉ học sinh, các bậc phụ huynh cũng đang chuyển hướng suy nghĩ của mình trong cách đồng hành cùng con. Nếu như trước kia, đại học gần như là “tấm vé vàng” được kỳ vọng quá mức, thì nay nhiều cha mẹ đã học cách lắng nghe và tôn trọng sự lựa chọn của con mình.

Bà Nguyễn Thị Xanh (tổ dân phố 4, xã Đức Cơ) bày tỏ: “Sau kỳ thi, con có tâm sự về những băn khoăn, lo lắng cho chặng đường sắp tới. Dù con học đại học hay học nghề, miễn là con xác định rõ hướng đi và có trách nhiệm với nó thì gia đình vẫn ủng hộ. Cha mẹ không thể đi thay con, chỉ có thể làm điểm tựa để con vững bước”.

 Nhiều học sinh lo lắng sau khi kết thúc kỳ thi. Ảnh: Đồng Lai

Nhiều học sinh lo lắng sau khi kết thúc kỳ thi. Ảnh: Đồng Lai

Trao đổi với P.V, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thảo-Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Hỗ trợ học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Gia Lai-cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với nhiều biến động đã khiến không ít học sinh lớp 12 có sự thay đổi trong lựa chọn ban đầu. Nhiều em ban đầu có nguyện vọng học đại học, nhưng sau kỳ thi lại cân nhắc chuyển sang học nghề do kết quả thi không như mong đợi hoặc được gia đình định hướng, thầy cô tư vấn rõ ràng, thực tế hơn.

Theo bà Thảo, những biến động của thị trường lao động như: việc tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước ở nhiều cấp, sự bùng nổ của công nghệ 4.0 đã khiến nhiều ngành nghề từng “hot” không còn hấp dẫn như trước. Thay vào đó, các ngành kỹ thuật, dịch vụ, chăm sóc sức khỏe, công nghệ thực hành… lại được chú ý hơn bởi tính ổn định và khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội.

“Học đại học hay học nghề không phải là thước đo thành công. Quan trọng là chúng ta có mục tiêu, nỗ lực học tập, rèn kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm để thích ứng với những thay đổi liên tục của xã hội. Dù học ở đâu, chỉ cần chúng ta có kiến thức và thái độ nghiêm túc, cầu tiến thì có thể tạo dựng một tương lai vững chắc”-Thạc sĩ Nguyễn Thị Thảo khẳng định.

CHU HẰNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nga-re-sau-ky-thi-tot-nghiep-thpt-chon-dai-hoc-hay-hoc-nghe-post560417.html