Nga sẵn sàng thay Mỹ cung cấp vũ khí cho Saudi Arabia
Một quan chức Nga cho biết Moskva sẵn sàng thay thế Mỹ tăng cường cung cấp vũ khí cho Vịnh Ba Tư, đồng thời dự đoán các nước trong khu vực sẽ không khuất phục trước áp lực của Washington.
Báo Izvestia dẫn lời ông Vladimir Dzhabarov, Phó trưởng ban thứ nhất của Ủy ban Đối ngoại thuộc Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện), cho hay: "Nếu Mỹ tiếp tục đe dọa các nước vùng Vịnh Ba Tư bằng cách gián đoạn nguồn cung cấp vũ khí, Nga có thể dễ dàng thay thế Mỹ tại thị trường đó”.
Saudi Arabia là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới và cũng là khách hàng mua vũ khí nhiều nhất của Washington.
Trong giai đoạn năm 2015-2019, vương quốc này chiếm 1/4 kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Mỹ. Ông Dzhabarov cũng lưu ý rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ cung cấp đã hoạt động kém hiệu quả trong các cuộc tấn công của lực lượng Houthi vào lãnh thổ Saudi Arabia từ Yemen.
Trong khi đó, ông Andrey Baklanov - cựu Đại sứ Nga tại Saudi Arabia và là Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà ngoại giao Nga – nhận định mối quan hệ giữa Washington và Riyadh đang bị nguội lạnh. Tuy nhiên, theo ông, giữa hai bên có nhiều có nhiều điểm ràng buộc.
Saudi Arabia phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp vũ khí và công nghệ tiên tiến của Mỹ. Hơn 80% vũ khí trang bị cho Quân đội Saudi Arabia là do Mỹ sản xuất. "Đây có thể là đòn bẩy gây áp lực lên Riyadh. Tuy nhiên, Washington sẽ khó lòng từ bỏ một thị trường đầy hứa hẹn như vậy. Bởi lẽ Saudi Arabia đã mua 53% số vũ khí mà Mỹ cung cấp cho khu vực này, và quốc gia này là trung tâm mua sắm hàng đầu ở toàn Trung Đông", ông Baklanov giải thích thêm.
Bên cạnh đó, chuyên gia Vyacheslav Matuzov nghiên cứu về các vấn đề tại châu Á cho biết Mỹ có khả năng trừng phạt Saudi Arabia liên quan đến thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC +) gần đây. Theo đó, Chính phủ Mỹ có thể một lần nữa “hồi sinh” vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, hoặc xem xét lại các tuyên bố sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, và buộc Riyadh phải chịu trách nhiệm trong cả hai trường hợp.
Ông Matuzov cho rằng chính các yếu tố kể trên đã buộc Riyadh và các quốc gia Vùng Vịnh khác phải tìm kiếm các giải pháp thay thế Mỹ, và đặc biệt là tăng cường hợp tác với Nga. Trên thực tế, hiện không có quốc gia Arab nào áp đặt lệnh trừng phạt chống lại Nga.
Tạp chí Phố Wall (WSJ) ngày 11/10 đưa tin quan chức Mỹ đã cảnh cáo Saudi Arabia rằng quyết định cắt giảm sản lượng sẽ bị coi là lựa chọn đứng về phía Nga trong cuộc xung đột với Ukraine, cũng như động thái này sẽ làm Mỹ giảm ủng hộ Saudi Arabia.
Theo WSJ, giới chức Mỹ đã yêu cầu các đối tác tại Saudi Arabia và các nhà sản xuất lớn khác ở vùng Vịnh trì hoãn quyết định thêm một tháng nữa.
Tuy nhiên, phía Saudi Arabia cho rằng nguyên nhân khiến Washington muốn trì hoãn quyết định cắt giảm sản lượng dầu của OPEC + là do chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn có thời gian trước khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ được tổ chức vào ngày 8/11 tới. Tại Mỹ, giá dầu tăng đột biến có thể tác động đáng kể đến vị thế của đảng Dân chủ đang nắm quyền. Quyền kiểm soát tại Quốc hội có thể chuyển từ đảng Dân chủ sang đảng Cộng hòa nếu giá dầu, vốn đã đẩy lạm phát của Mỹ lên mức cao nhất trong 40 năm, tiếp tục khiến người Mỹ tức giận.
Chính vì những lý do trên, Saudi Arabia đã kiên quyết nói không trước yêu cầu của Mỹ. Trên thực tế, Saudi Arabia cần sự đồng ý từ các đồng minh OPEC, trong đó có Nga, để tiến hành cắt giảm sản lượng.