Nga siết chặt trừng phạt người từ chối chiến đấu, cảnh báo phương Tây
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 24-9 ký ban hành luật hình sự được sửa đổi, theo đó sẽ tăng hình phạt với lính đào ngũ, đầu hàng hay từ chối tham gia chiến đấu.
Theo hãng tin TASS, việc không thực hiện mệnh lệnh của sĩ quan cấp trên trong thời gian thiết quân luật, trong thời chiến, trong một cuộc xung đột vũ trang hoặc các chiến dịch chiến đấu, cũng như việc từ chối tham gia vào các chiến dịch quân sự hoặc chiến đấu sẽ bị phạt tù từ 2 - 3 năm.
Trong trường hợp từ chối tham gia chiến đấu, nếu điều này dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, những người này có thể phải đối mặt với án tù từ 3 - 10 năm.
Theo luật mới, binh lính đào ngũ trong thời gian có lệnh động viên hoặc thời chiến sẽ bị phạt tới 15 năm tù. Còn những người tự nguyện đầu hàng kẻ thù sẽ phải đối mặt với án tù lên đến 10 năm.
Những người bị kết tội cướp bóc trong một cuộc xung đột quân sự hoặc trong thời chiến có thể bị phạt tù từ 5 đến 15 năm tù.
Với những người tự nguyện đầu hàng sẽ phải đối mặt với án tù lên đến 10 năm.
Việc không hoàn thành đơn đặt hàng mua sắm quốc phòng ở Nga sẽ phải đối mặt với 10 năm sau song sắt.
Ngoài ra, chủ nhân Điện Kremlin cũng ký thành luật cho phép nới lỏng việc nhập tịch đối với những người nước ngoài đồng ý nhập ngũ và phục vụ trong quân đội Nga.
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo hôm 24-9 sau khi tham gia phiên họp thứ 77 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cho biết toàn bộ lãnh thổ Nga được xác nhận "và có thể được khẳng định thêm" trong Hiến pháp của nước này đang được Moscow bảo vệ.
Theo TASS, ông Lavrov khẳng định Nga sẽ tôn trọng rõ ràng kết quả của các cuộc trưng cầu dân ý đang được tổ chức tại Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng ở miền Đông Ukraine, cũng như ở khu vực Kherson và Zaporozhye. "Như Tổng thống Putin đã nói, chúng tôi chắc chắn sẽ tôn trọng kết quả của các quá trình dân chủ này" - ông Lavrov nhấn mạnh.
Ông Lavrov cho biết thêm rằng Nga sẽ không từ bỏ các liên hệ với Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong trường hợp họ muốn gặp "một cách lặng lẽ".
Ông Lavrov nói: "Chúng tôi không từ chối tổ chức các cuộc trao đổi. Khi một số đề xuất được đệ trình, chúng tôi sẽ đồng ý. Nếu các đối tác của chúng tôi muốn âm thầm gặp gỡ để không ai phát hiện ra điều này, vậy thì xin chào mừng". Tuy nhiên, Moscow sẽ không tìm kiếm những cuộc tiếp xúc như vậy. Ông Lavrov nói: "Trong tình hình hiện tại, Nga sẽ không thực hiện bất kỳ bước đầu tiên nào".
Ông Lavrov cho biết nhiều bên đã đề nghị làm trung gian hòa giải xung đột Nga - Ukraine, nhưng Moscow muốn biết được đàm phán sẽ mang lại kết quả gì. Ông cũng cảnh báo viện trợ vũ khí cho Kiev đồng nghĩa với việc phương Tây là một bên trong xung đột.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nga lưu ý tất cả các tình huống khi Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân đều được quy định rõ ràng trong học thuyết quân sự của nước này.
Về thỏa thuận ngũ cốc, Moscow mong đợi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres và Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo việc dỡ bỏ các hạn chế của Mỹ và châu Âu đối với xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga như một phần của thỏa thuận.