Nga Sơn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Huyện Nga Sơn đã tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất để thay thế những diện tích kém hiệu quả. Qua đó, đã khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, góp phần gia tăng giá trị canh tác, từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập cho nông dân, tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững.

Nhiều hộ dân xã Nga Liên thực hiện chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang xây dựng mô hình trồng dưa trong nhà màng, nhà lưới cho hiệu quả kinh tế cao.

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Nga Sơn đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư hợp tác với nông dân, hình thành các liên kết theo chuỗi giá trị nhằm tổ chức lại sản xuất để khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai và lao động của địa phương. Nhiều mô hình sau chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phương thức tổ chức sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới hoạt động có hiệu quả, được triển khai nhân rộng trên địa bàn. Từ đầu năm 2022 đến hết tháng 2-2023, toàn huyện đã tích tụ, tập trung đất đai được 135 ha, nâng tổng diện tích lên gần 470 ha; xây dựng 6 ha vùng rau an toàn tập trung chuyên canh tại 2 xã Nga Thành và Nga Yên, nâng tổng số diện tích vùng rau an toàn chuyên canh toàn huyện lên 29 ha.

Huyện Nga Sơn còn triển khai các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, nhất là ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản. Từ đầu năm 2018, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và nguồn vốn hỗ trợ 120 triệu đồng từ cơ chế phát triển nông nghiệp công nghệ cao của huyện và tỉnh Thanh Hóa, gia đình chị Mai Thị Thúy, ở xã Nga Trường đã mạnh dạn đầu tư cải tạo vùng đất lầy thụt, chua mặn, trồng lúa năng suất thấp để xây dựng mô hình nhà màng, nhà lưới trồng dưa Kim Hoàng Hậu và trồng hoa với diện tích 1.000m2. Đến nay, mỗi năm, mô hình đã mang lại hiệu quả cho gia đình chị nguồn thu ổn định hàng trăm triệu đồng. Chị Thúy cho biết: Thực hiện chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dưa, trồng hoa trong nhà màng, nhà lưới đã chủ động được việc tưới, chăm sóc và không phụ thuộc vào thời tiết bên ngoài; giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng của các loại côn trùng, sâu hại tới cây trồng nên không phải dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng như phân bón hóa học mà hoàn toàn sử dụng các loại phân hữu cơ, phân chuồng, bảo đảm sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Các loại cây trồng trong nhà màng, nhà lưới phát triển tốt, rút ngắn thời gian sinh trưởng nhưng lại cho năng suất cao hơn từ 2 đến 4 lần trên cùng diện tích.

Xã Nga Tân có hơn 300 ha đất trồng cói, trong đó nhiều diện tích chỉ trồng được một vụ, năng suất bấp bênh. Thực hiện chủ trương của huyện, xã đã chuyển đổi 100 ha diện tích đất trồng cói kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản và xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp.

Cùng với việc khuyến khích, nhân rộng các mô hình chuyển đổi từ diện tích cói kém năng suất, Nga Sơn xác định cây cói vẫn là một trong những cây trồng chủ lực. Để duy trì và nâng cao hiệu quả vùng nguyên liệu cói, giữ vững nghề truyền thống, huyện đã tiến hành quy hoạch lại vùng cói, xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi theo vùng tập trung, thuận lợi cho Nhân dân phát triển cây cói, tăng cường hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, nâng cao năng suất, sản lượng, đồng thời tạo điều kiện phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định cho vùng chuyên canh và làng nghề sản xuất từ nguyên liệu cói.

Huyện Nga Sơn xác định tiếp tục tăng cường tiếp nhận, khảo nghiệm, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp. Chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP... Đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX thực hiện các mô hình liên kết theo chuỗi, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân, tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh sản phẩm để bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế.

Bài và ảnh: Lương Khánh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/nga-son-tich-cuc-chuyen-doi-co-cau-cay-trong/181990.htm