Nga tạm ngừng bắn ở Ukraine: Anh nói không có ích cho triển vọng hòa bình; Mỹ-EU chung mối nghi, quyết làm mọi thứ cho Kiev
Trước lệnh ngừng bắn mà Tổng thống Vladimir Putin công bố mới đây, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã có những phản ứng tương tự nhau.
Ngày 5/1, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho rằng, lời kêu gọi ngừng bắn trong 36 giờ đồng hồ của Tổng thống Putin tại Ukraine là "không có thật" và cách duy nhất để khôi phục hòa bình là Nga rút quân đội khỏi Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi lệnh ngừng bắn này là nỗ lực "tìm chút dưỡng khí" của Nga. Theo nhà lãnh đạo, cuộc xung đột ở Ukraine đang ở vào thời điểm quan trọng và phương Tây phải làm mọi thứ có thể để hỗ trợ Kiev.
Bên cạnh đó, ông chủ Nhà Trắng cho biết, ông đã có “cuộc thảo luận dài” với Thủ tướng Đức Olaf Scholz về tình hình ở Ukraine và sự hợp tác trong khuôn khổ "các liên minh ở châu Âu" của phương Tây. Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng, họ "sẽ mở rộng hỗ trợ cho Ukraine".
Cùng ngày, Lầu Năm Góc cho rằng, Mỹ và thế giới đang hoài nghi sâu sắc về lời kêu gọi ngừng bắn của Tổng thống Nga Putin, đồng thời khẳng đinh, mục tiêu của Washington "sẽ là tiếp tục ủng hộ Ukraine".
Về phía Anh, cũng trong ngày 5/1, Ngoại trưởng James Cleverly cho rằng, lệnh ngừng bắn được Nga đưa ra "sẽ không có ích cho việc thúc đẩy triển vọng hòa bình" mà "cần phải rút vĩnh viễn các lực lượng khỏi Ukraine, từ bỏ việc kiểm soát bất hợp pháp các vùng lãnh thổ của Ukraine...".
Tổng thống Nga Putin đã ra lệnh ngừng bắn tạm thời tại Ukraine nhân dịp lễ Giáng sinh của Chính thống giáo và kêu gọi Kiev làm điều tương tự. Theo thông báo chính thức của Điện Kremlin, yêu cầu được đưa ra dựa trên đề nghị của Thượng phụ Kirill - người đứng đầu Nhà thờ Chính thống Nga.
Ukraine đã khước từ lời đề nghị của Nga, cho rằng đó chỉ là vỏ bọc của Moscow. Nga hiện chưa đưa ra bình luận về những phản ứng trên.