Nga tăng cường năng lực phòng thủ ở vùng biển Viễn Đông
Hành động này có liên quan đến những động thái của Nhật Bản, cũng như cuộc tập trận chiến lược Global Thunder 23 của Mỹ.
Theo báo Nezavisimaya Gazeta (Nga) ngày 17/4, các mối đe dọa quân sự đối với Nga đang gia tăng không chỉ từ phương Tây mà còn ở vùng Viễn Đông, đó là lý do Moskva tiến hành một cuộc kiểm tra quy mô lớn về khả năng sẵn sàng chiến đấu của Hạm đội Thái Bình Dương.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết hạm đội trên đã được tăng cường lực lượng hàng không tầm xa vào ngày 16/4. Những máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS và Tu-22M3 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đã hạ cánh xuống sân bay thuộc Hạm đội Thái Bình Dương và sẽ "tiến hành tuần tra trên không ở nhiều khu vực khác nhau".
Các chuyên gia được Nezavisimaya Gazeta phỏng vấn cho rằng không loại trừ khả năng những hành động này có liên quan đến yêu sách lãnh thổ của Nhật Bản với Nga, cũng như cuộc tập trận chiến lược Global Thunder 23 của Mỹ, được bắt đầu vào tuần trước.
Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Nga Valery Gerasimov đã gián tiếp xác nhận quan điểm trên khi ông nói hôm 14/4 rằng Hạm đội Thái Bình Dương sẽ được đặt trong tình trạng báo động cao trong cuộc tập trận và được triển khai tới các khu vực huấn luyện, nơi họ sẽ tiến hành các bài thực hành chiến đấu.
Cuộc tập trận sẽ mô phỏng cuộc đổ bộ của kẻ thù lên đảo Sakhalin của Nga và quần đảo Kuril ở phía Nam nước này, một số quần đảo mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền trong cuộc tranh chấp lãnh thổ từ cuối Thế chiến thứ hai.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết nước này sẽ tiến hành các vụ phóng tên lửa và phóng ngư lôi như một phần của cuộc kiểm tra bất ngờ Hạm đội Thái Bình Dương. Ông Shoigu nêu rõ: "Mục tiêu chính của cuộc kiểm tra này là tăng cường khả năng của Lực lượng Vũ trang Nga trong việc đẩy lùi cuộc tấn công tiềm tàng của kẻ thù từ hướng biển".
Cuộc tập trận trên của Nga diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khi Mỹ và Hàn Quốc tiến hành các cuộc tập trận chung trên không sau vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên.
Theo Nezavisimaya Gazeta, các cuộc tập trận gần đây của lực lượng không quân và hải quân Mỹ đã được tổ chức gần biên giới của Nga, hoặc ở những khu vực mà Nga có lợi ích địa chính trị.
Vào ngày 5/4, máy bay ném bom B-52 của Mỹ đã bay vòng quanh Bán đảo Triều Tiên "để đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên". Đồng thời, tại vùng biển của Biển Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã tổ chức cuộc tập trận hải quân ba bên với sự tham gia của tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ.
Ngoài ra, theo thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 11/4/2023, quân đội Nhật Bản và Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi đã ký hợp đồng trị giá 2,84 tỷ USD để chế tạo và phát triển hàng loạt tên lửa tầm xa tiên tiến theo kế hoạch kéo dài đến năm 2027.
Theo các thỏa thuận, Mitsubishi trong năm nay sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt 2 loại tên lửa đã được phát triển, gồm tên lửa dẫn đường Type 12 phóng từ mặt đất, có tầm bắn lên tới 1000km, được thiết kế để nhắm mục tiêu vào các tàu trên biển và tên lửa siêu thanh được thiết kế để "bảo vệ các hòn đảo xa xôi của Nhật Bản". Những vũ khí này dự kiến sẽ được triển khai vào năm 2026 và 2027.
Chuyên gia quân sự Nikolay Shulgin và là Đại tá đã nghỉ hưu, chỉ ra rằng ngân sách quân sự của Nhật Bản cho năm 2023 sẽ vượt quá 50 tỷ USD, gần bằng mức chi tiêu của Nga cho quốc phòng. "Ngoài ra, Tokyo dự kiến chi cho quốc phòng hàng năm là 73 tỷ USD trong những năm tới. Hiện chỉ có Mỹ và Trung Quốc giành cho ngân sách quốc phòng nhiều hơn mức này", ông Shulgin lưu ý.
Trong những điều kiện như vậy, hoàn toàn có thể hiểu được rằng Nga đang chuẩn bị củng cố và tăng cường năng lực phòng thủ biên giới vùng Viễn Đông của mình, tờ Nezavisimaya Gazeta nêu rõ.
Theo báo trên, các tàu chiến và tàu ngầm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đang di chuyển từ căn cứ đến vùng biển Biển Nhật Bản, Biển Okhotsk và Biển Bering như một phần của các hoạt động tác chiến chống tàu ngầm, rà phá ngư lôi và đổ bộ.