Nga – Thổ đi xa đến đâu với thắng lợi tạm thời về Idlib?

Một thỏa thuận ngừng bắn gần đây do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian ở tỉnh Idlib phía tây bắc Syria dường như đang được duy trì.

Không có cuộc không kích và đụng độ nào giữa các lực lượng chính phủ được Nga hậu thuẫn và các tay súng của phe nổi dậy được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực vào thứ Sáu, truyền thông địa phương cho biết.

Thỏa thuận ngừng bắn này được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đạt được thỏa thuận vào tuần trước tại Moscow. Hai bên đã xúc tiến thỏa thuận này nhằm chấm dứt cuộc tấn công của chính phủ Syria, bắt đầu vào năm ngoái, để chiếm lại tỉnh Idlib, thành trì cuối cùng của phe nổi dậy tại nước này.

Là một phần trong thỏa thuận giữa hai nhà lãnh đạo, các lực lượng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt đầu tuần tra chung tại một đường cao tốc quan trọng ở Idlib.

Giai đoạn tiếp theo của thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ việc tiến hành tuần tra chung trên đường cao tốc M4, Rami Abdulrahman, giám đốc Đài quan sát nhân quyền Syria, một nhóm giám sát chiến tranh, cho biết.

Hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm thời cứu vãn được chảo lửa Idlib, Syria. Ảnh: AP

Hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm thời cứu vãn được chảo lửa Idlib, Syria. Ảnh: AP

Giai đoạn thứ ba sẽ là thành lập một khu vực an toàn dưới sự bảo vệ của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib, ông nói với VOA.

Trong khi thỏa thuận ngừng bắn phần lớn sẽ ngăn chặn cuộc chiến ở Idlib, Abdulrahman nói, nó cũng có thể cho phép các lực lượng chính phủ Syria giữ lại những vùng lãnh thổ đã giành được trong cuộc tấn công gần đây.

Loạt thỏa thuận trước đó

Một số chuyên gia nghi ngờ rằng liệu thỏa thuận này có khác biệt với các thỏa thuận trước đây giữa Ankara và Moscow về Idlib, khi chúng đều không thành công.

Thỏa thuận này rất mong manh và không vững chãi, và nó cũng không tạo nên sự ổn định lâu dài trong khu vực, theo ông Abdulrahman, cựu tướng lĩnh Syria và hiện là một nhà phân tích quân sự có trụ sở tại Anh.

Không rõ liệu đây là một giao thức mới hay chỉ đơn thuần là một phần mở rộng cho các thỏa thuận trước đó đạt được giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, ông nói với VOA.

Vào tháng 9 năm 2018, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận hoãn một cuộc tấn công theo kế hoạch của Syria vào Idlib và các khu vực khác gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo thỏa thuận đó, Thổ Nhĩ Kỳ được yêu cầu loại bỏ tất cả các nhóm cực đoan khỏi tỉnh này, một số trong đó liên minh với nhóm khủng bố al-Qaida.

Nhưng thỏa thuận đã tỏ ra không thành công khi Ankara được cho là đã không thực hiện được một phần của thỏa thuận, khiến lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải khởi động lại các hoạt động quân sự của họ ở Idlib.

Khi tình hình nhân đạo trở nên nghiêm trọng hơn ở Idlib - nhà của gần 3 triệu người trước khi cuộc tấn công của chính phủ diễn ra đã có một số thỏa thuận ngừng bắn khác nhưng cũng không thành công.

Cuộc tấn công của chính phủ Syria đã đẩy hàng trăm ngàn dân thường phải rời tỉnh này đến các vùng khác của Syria và các nước láng giềng để tránh xung đột.

Nhiều nhóm cực đoan khác nhau

Nicholas Heras, một chuyên gia về Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) ở Washington, nói rằng thành phần quan trọng nhất của thỏa thuận mới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga là hiện tại, Ankara chính thức chịu trách nhiệm về việc làm giảm sức mạnh của các nhóm liên kết với al-Qaida tại Idlib, bao gồm Hayat Tahrir al-Sham (HTS).

Tổng thống Nga, ông Putin, hiện đã chính thức đặt nhiệm vụ đối đầu với HTS vào tay Thổ Nhĩ Kỳ như một điều kiện để Nga duy trì việc chấm dứt chiến sự ở Idlib, ông nói với VOA. Chuyên gia này cho biết thêm rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan, đã chuyển những khí tài quân sự quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ vào Idlib , bao gồm xe tăng, pháo binh và các đơn vị bộ binh cơ giới – những vũ khí có thể được sử dụng để hỗ trợ chiến dịch gây áp lực của phe nổi dậy Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đối với HTS ở Idlib.

Tuy nhiên, Heras lưu ý rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ có sẵn sàng đối đầu với các nhóm liên kết với al-Qaida ở Idlib hay không vẫn là một câu hỏi mở.

Đây có thể là biến số lớn nhất quyết định phạm vi và tốc độ của chiến dịch do chính quyền Assad được Nga hậu thuẫn thực hiện trong tương lai, khi khu vực phe nổi dậy Syria kiểm soát được đang bị thu hẹp ở Idlib, ông nói.

Ngoài HTS, nhóm Hồi giáo lớn nhất ở Idlib - trước đây là chi nhánh al-Qaida, ở Syria - còn có nhiều phe phái cực đoan khác đang hoạt động ở tỉnh này.

Huras al-Din và nhóm Hồi giáo Turkistan ở Syria là hai nhóm cực đoan khác đã duy trì sự hiện diện đáng kể ở các nơi của Idlib.

Các cơ quan tình báo phương Tây tin rằng hàng ngàn tay súng nước ngoài tham gia cùng các nhóm cực đoan khác nhau đang hoạt động ở Idlib.

Khủng hoảng nhân đạo

Các nhóm về nhân quyền nói rằng hơn một triệu dân thường đã phải di dời do cuộc tấn công của chính quyền Syria do Nga hậu thuẫn vào Idlib.

Theo văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc, hơn nửa triệu trẻ em nằm trong số những người phải di dời.

Các quan chức Hoa Kỳ nói rằng cuộc chiến gần đây làm trầm trọng thêm một tình huống thảm khốc ở tây bắc Syria, nơi có 2,8 trong số 4 triệu người được xác định là cần hỗ trợ nhân đạo.

Các nhà phân tích và người dân ở Idlib bày tỏ lo ngại rằng lệnh ngừng bắn mới nhất sẽ không hoàn toàn có ý nghĩa chừng nào cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra không được giải quyết.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/nga-tho-di-xa-den-dau-voi-thang-loi-tam-thoi-ve-idlib-20200309154131609.htm