Nga - Thổ Nhĩ Kỳ 'bắt tay' gạt Mỹ khỏi ván cờ Syria
Gặp nhau ở Sochi hôm 22/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nhất trí về chương trình hành động chung nhằm định hình hồi kết cho cuộc nội chiến kéo dài suốt 8 năm qua ở Syria.
Hai nhà lãnh đạo đưa ra biên bản ghi nhớ gồm 10 điểm, toát lên một nội dung mấu chốt: Người Mỹ không có chỗ trong việc định hình tương lai cho Syria.
Sau cuộc gặp, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đưa một thỏa thuận nhằm giải quyết mối bận tâm lớn của Thổ Nhĩ Kỳ: Sự hiện diện lực lượng chính trị YPG của người Kurd ở khu vực gần biên giới. Nhưng thỏa thuận cũng ghi nhận nỗi lo lớn nhất của người Kurd rằng các nhóm phiến quân Syria thân Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiến hành chiến dịch thanh lọc sắc tộc đối với họ và các nhóm thiểu số khác.
Theo thỏa thuận, quân cảnh Nga và biên phòng Syria tiến vào khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ từ chiều qua. Trong 150 giờ tiếp theo, họ sẽ đẩy lui YPG ra khỏi khu vực rộng 30 km từ biên giới. Từ chiều thứ 3 tuần sau, quân cảnh Nga và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tuần tra trong vùng đệm này.
Thỏa thuận công nhận một số thực tế: Thổ Nhĩ Kỳ sẽ kiểm soát các khu vực mà họ giành được trong chiến dịch tiến vào đông bắc Syria vừa qua.
Kẻ thắng người thua
Đối với người Kurd, thỏa thuận này nghĩa là họ sẽ phải nhượng bộ. Thỏa thuận yêu cầu YPG hay SDF (lực lượng gồm chủ yếu là YPG, từng được Mỹ hậu thuẫn) lùi khỏi khu vực hiện là chiến trường. Theo đó, YPG sẽ phải rút khỏi 2 thị trấn Manbij và Tal Rifaat.
Thỏa thuận cũng hàm ý rằng người Kurd có người bảo trợ mới. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump “dứt tình” với lực lượng này bằng quyết định rút quân Mỹ và để mặc YPG đối đầu với cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, vai trò đó giờ do người Nga đảm nhận.
Giờ đây, Mátxcơva sẽ phải điều thêm quân lính và phương tiện đến Syria để phục vụ sứ mệnh mở rộng. Nhưng một khả năng vẫn bỏ ngỏ: Với ít lính Nga hiện diện ở Syria như vậy, người Kurd ở Syria có thể không còn lựa chọn nào ngoài cách để quân chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn tiến vào các vùng do người Kurd kiểm soát lâu nay.
Vậy thỏa thuận này khiến ai thắng, ai thua?
CNN bình luận rằng, hai ông Putin và Erdogan đã vươn lên thành những nhà môi giới địa chính trị đầy quyền lực ở khu vực. Ông Putin nói Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý tôn trọng “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria”. Một điểm cộng khác của ông Putin là Mátxcơva bảo đảm Ankara phải đàm phán trực tiếp với chính quyền ở Damascus.
Sức mạnh trên không của Nga xoay chuyển cuộc chiến theo hướng có lợi cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Nhưng Ankara tìm kiếm một kết quả có thể loại trừ điều họ coi là mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia của họ: Đảng Công nhân người Kurd, một nhóm ly khai người Kurd có quan hệ với YPG nhưng bị cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ coi là tổ chức khủng bố.
Số phận của người Kurd ở Syria phụ thuộc nhiều vào thỏa thuận này, và vẫn cần chờ xem thỏa thuận chung Nga - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được thực hiện như thế nào trên thực tế. Một vấn đề không được nhắc đến trong thỏa thuận là Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng thân với họ sẽ đối xử ra sao với bất kỳ nhóm vũ trang người Kurd nào còn sót lại trong vùng đệm. Và bất kỳ cuộc tàn sát nào nhắm trực tiếp vào thường dân người Kurd cũng sẽ bị coi là thất bại của Mátxcơva.
Theo các nhà phân tích, bên thua cuộc lớn nhất trong ván cờ địa chính trị này là Washington. Sự rút lui nhanh chóng của lực lượng Mỹ khỏi Syria trở thành món quà bất ngờ với ông Putin. Thỏa thuận nói trên được coi là càng khiến Washington mất mặt.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố rằng, đã đến lúc Mỹ rời khỏi Syria. Thỏa thuận ngừng bắn đạt được vào tuần trước giữa ông Erdogan và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã hết hạn vào tối 22/10. Theo thỏa thuận này, ông Pence nói Mỹ sẽ rút các biện pháp trừng phạt áp dụng với Thổ Nhĩ Kỳ một khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn lâu dài. Tối 22/10, ông Shoigu nói rằng, người Mỹ “chỉ còn 1 giờ 31 phút” để ra khỏi Syria.
Tối 22/10, ông Shoigu nói rằng, người Mỹ “chỉ còn 1 giờ 31 phút” để ra khỏi Syria.