Nga thử nghiệm súng laser mới có thể 'thiêu rụi' UAV tự sát của Ukraine
Đối phó trước các cuộc tấn công bằng UAV với quy mô ngày càng lớn của Ukraine, quân đội Nga đang phát triển vũ khí phòng không mới bằng tia laser.
Một nguồn tin giấu tên nói với hãng thông tấn RIA Novosti ngày 26/8 cho biết, Nga đã tiến hành thử nghiệm thành công súng laser. Trong quá trình thử nghiệm, vũ khí này đã phá hủy một số loại máy bay không người lái.
“Các cuộc thử nghiệm vũ khí laser chiến đấu được thiết kế để bắn hạ máy bay không người lái, đã được thực hiện thành công tại một cơ sở huấn luyện của quân đội Nga. Súng laser đã chứng tỏ hiệu quả cao trong việc phá hủy UAV”, nguồn tin trên cho biết.
Nguồn tin trên giải thích trong các cuộc thử nghiệm “tia laser chiến đấu có khả năng đốt cháy bề mặt khí động học của máy bay, hoặc đốt cháy hoàn toàn UAV cùng với các thiết bị điện tử trên máy bay”.
Cuộc thử nghiệm diễn ra trong bối cảnh nước Nga đang phải đối mặt với các cuộc tấn công bằng UAV mà Nga cáo buộc do Ukraine thực hiện. Trong tuần qua, Nga cho biết đã có 42 UAV tấn công vào Crimea, được coi là một trong những cuộc tấn công lớn nhất bằng máy bay không người lái vào lãnh thổ Nga kiểm soát.
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, khoảng 9 máy bay không người lái đã bị bắn hạ trên không, 33 chiếc còn lại bị chế áp bằng gây nhiễu điện tử trước khi chúng rơi xuống Crimea mà không phá hủy được các mục tiêu nào theo chỉ định.
Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào Nga đã gia tăng trong những tuần gần đây, đặc biệt kể từ sau cuộc tấn công vào điện Kremlin. Lực lượng phòng không Nga phải hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm để đối phó các cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine cả trên tiền tuyến và phía trong lãnh thổ nước Nga.
Khả năng của vũ khí laser
Vũ khí laser được cho là bổ sung quan trọng cho hệ thống phòng không của Nga trước các cuộc tấn công bằng UAV, đặc biệt là trong thời điểm máy bay không người lái đã trở nên phổ biến trên các chiến trường hiện đại, do chi phí sản xuất thấp, vận hành dễ dàng và khả năng thích nghi cao.
Vũ khí laser là một loại vũ khí năng lượng định hướng, có khả năng tấn công gây sát thương cho con người và phá hủy mục tiêu bằng các chùm tia laser năng lượng cao. So với vũ khí truyền thống như đạn và tên lửa, vũ khí laser và các vũ khí năng lượng định hướng có một số lợi thế đáng kể.
Ví dụ, các tia năng lượng của vũ khí laser có thể di chuyển với tốc độ ánh sáng, tấn công mục tiêu một cách chính xác và có thể điều chỉnh năng lượng phóng ra, thay đổi giữa năng lượng cao và năng lượng thấp.
Dễ vận hành, độ chính xác cao nhưng vũ khí laser cũng không gây thiệt hại cho các mục tiêu không liên quan, đây là một trong những lý do khiến quân đội các nước trên thế giới đẩy mạnh đầu tư phát triển loại vũ khí này. Súng laser không chỉ dùng để chống máy bay không người lái mà còn được sử dụng rộng rãi trong phòng không.
Đã có một số suy đoán cho rằng, Nga đã trở thành nước đầu tiên sử dụng vũ khí laser trong chiến đấu để bắn hạ UAV đối phương. Theo EurAsian Times, Moskva được cho là sở hữu hai loại vũ khí laser gồm Persevet và Zadira.
Ông Yury Borisov, cựu Phó Thủ tướng, phụ trách Roscosmos - Cơ quan Vũ trụ của Nga, trước đó đã nói với giới truyền thông "Peresvet có thể làm mù các phượng tiện bay không người lái và khiến chúng bốc cháy". Khi được hỏi liệu những vũ khí này có được sử dụng ở Ukraine hay không, ông Borisov nói "Có, các vũ khí này đã được sử dụng ở đó". Ông gọi các vũ khí trên là Zadira.
Tuy nhiên, việc sử dụng những loại vũ khí này nhanh chóng bị Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy bác bỏ. Ngoài ra, một quan chức của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết chưa thấy “bất cứ báo cáo nào chứng thực về việc sử dụng vũ khí laser” ở Ukraine.
Cuộc chạy đua chế tạo vũ khí laser
Nga không phải là quốc gia duy nhất thử nghiệm vũ khí laser và các hệ thống đối phó bằng laser như hệ thống phòng không. Một số quốc gia dẫn đầu thế giới đang phát triển các hệ thống phá hủy và chế áp laser chiến thuật để tấn công UAV và tên lửa trên không, trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.
Mỹ đang phát triển vũ khí phòng không dựa trên tia laser nhằm tiêu diệt các mục tiêu trên không của kẻ thù mà không cần phải bắn một phát đạn nào. Đầu năm nay, thiết bị đánh chặn năng lượng định hướng của Lockheed Martin dành cho Hệ thống phòng không tầm ngắn cơ động (DEIMOS) đã đạt được nhiều kết quả trong quá trình thử nghiệm.
Một hệ thống phòng không bằng laser khác là hệ thống phòng không Iron Beam của Israel. Nó có thể bắn hạ máy bay, UAV, tên lửa và phá hủy súng cối của đối phương bằng cách hướng chùm tia laser vào nó.
Lockheed Martin năm ngoái cũng tiết lộ rằng họ đã chuyển giao hệ thống Hệ thống vũ khí laser năng lượng cao (HELWS) loại 300kW cho Bộ Quốc phòng để sử dụng trong các cuộc trình diễn laser năng lượng cao của quân đội trong tương lai. Đây là loại tia laser có công suất cao nhất cho đến nay của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Một siêu cường quân sự khác là Trung Quốc cũng đã đạt được những tiến bộ lớn về vũ khí laser. Tại Triển lãm hàng không Chu Hải tổ chức vào tháng 11/2022, Trung Quốc đã trình làng loại vũ khí laser gắn trên xe có tên là hệ thống vũ khí phòng thủ laser LW-30, được dự đoán và mệnh danh là “sát thủ của UAV”.
Vào thời điểm đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng, loại vũ khí này có thể thực hiện các cuộc tấn công thành công chống lại các mục tiêu thấp, chậm và nhỏ (LSS), được định nghĩa là những mục tiêu di chuyển với tốc độ khoảng 200 km/giờ, bay dưới độ cao 1 km và có tiết diện radar nhỏ hơn một mét vuông.
Bên cạnh Trung Quốc, Nhật Bản cũng đang nghiên cứu công nghệ chống máy bay không người lái dựa trên laser. Các công ty quốc phòng Nhật Bản Kawasaki Heavy Industries (KHI) và Mitsubishi Heavy Industries (MHI) đã công bố hệ thống laser của họ tại triển lãm DSEI Nhật Bản 2023.
Vũ khí laser là loại vũ khí hoàn toàn mới mà quân đội các nước trên thế giới đang tập trung phát triển, đặc biệt trong bối cảnh UAV sát thương ngày càng được sử dụng rộng rãi trong các cuộc xung đột.
Việc Nga thử nghiệm thành công súng laser cho thấy tiềm năng của họ trong chiến dịch quân sự đặc biệt, đánh dấu một bước tiến mới trong ngành công nghiệp quốc phòng của nước này.