Nga thúc đẩy xây dựng liên minh khí đốt ở Trung Á
Các quan chức nhận định việc xây dựng một liên minh khí đốt là cần thiết để điều phối nguồn cung, cũng như có thể mang lại lợi ích xuất khẩu năng lượng cho các quốc gia.
Kênh truyền hình RT đưa tin Nga đang thảo luận về việc thành lập một liên minh khí đốt với Kazakhstan và Uzbekistan, nhằm giúp ba nước này điều phối nguồn cung cấp và làm cho dòng chảy khí đốt vận hành hiệu quả hơn.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 29/11 cho hay kế hoạch trên được Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev công bố vào hồi đầu tuần này. Ông cho biết thêm sáng kiến này là của người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Người phát ngôn Peskov đã xác nhận thông tin trên, đồng thời cho biết kế hoạch này sẽ đem lại sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa ba quốc gia, cũng như sự phát triển cơ sở hạ tầng vận chuyển tại thị trường nội địa của họ.
“Những gì Tổng thống Putin nghĩ đến là thiết lập một cơ chế điều phối ở giai đoạn đầu tiên. Có thể điều này vẫn đang được thảo luận, với một số loại pháp lý nhằm tạo điều kiện hợp tác giữa ba nước”, ông Peskov nói.
Quan chức này chỉ ra rằng cả Kazakhstan và Uzbekistan đều có nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, với nhu cầu khí đốt trong nước ngày càng tăng. Ngoài ra, cả ba quốc gia đều bán khí đốt ra thị trường nước ngoài và có thể hưởng lợi từ một số cơ chế đồng bộ hóa trong khu vực.
Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak cũng nhận định dự án trên có tiềm năng lớn, trong đó có việc xuất khẩu khí đốt ra bên ngoài liên minh.
“Nga, Kazakhstan và Uzbekistan đã có một hệ thống vận chuyển khí đốt hiệu quả kể từ thời Liên Xô. Chúng tôi có tiềm năng lớn trong việc hợp tác chung để cung cấp khí đốt, xử lý và xuất khẩu khí đốt đi nơi khác”, ông Novak nhấn mạnh, đồng thời tiết lộ với các phóng viên rằng Trung Quốc có thể trở thành một trong những điểm đến này.
Ba quốc gia trên được kết nối bởi hệ thống đường ống dẫn khí đốt Trung tâm Trung Á. Đây là mạng lưới các tuyến đường khí đốt tự nhiên do Gazprom kiểm soát, chạy từ Turkmenistan qua Uzbekistan và Kazakhstan tới Nga. Ngoài ra, còn có một đường ống riêng biệt là Trung Á – Trung Quốc đi qua cả Uzbekistan và Kazakhstan, trên đường từ Turkmenistan đến Trung Quốc.