Nga thực dụng, Mỹ muốn vượt trội, bao giờ đến Kỷ nguyên Thiên đường?

Nga đang tích cực phản đối trật tự thế giới tự do, ủng hộ trật tự thế giới đa trung tâm. Trong khi đó, bất chấp mâu thuẫn nội bộ, Mỹ vẫn tìm cách duy trì vị thế thống trị của mình hoặc ưu thế vượt trội trong hệ thống toàn cầu.

Nga thực dụng, Mỹ muốn vượt trội, bao giờ đến Kỷ nguyên Thiên đường? (Nguồn: AFP)

Đó là phân tích của chuyên gia Dmitry Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu Chính sách đối ngoại và an ninh Nga trên mạng Carnegie.ru mới đây. Theo đó, quan hệ hiện nay giữa Nga và Mỹ có thể được mô tả là đang trong trạng thái đối đầu. Tuy nhiên, đây là một cuộc đối đầu khác biệt về chất so với thời Chiến tranh Lạnh. Bản chất của cuộc đối đầu là xung đột về lợi ích, chứ không phải về thế giới quan, mặc dù một số yếu tố ý thức hệ vẫn tiếp tục hiện diện.

Nguyên nhân căn bản của sự đối đầu Nga - Mỹ là hai bên thiếu một giải pháp thỏa đáng sau Chiến tranh Lạnh kết thúc. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga từ chối hội nhập vào hệ thống của Mỹ với tư cách là “đối tác dưới cơ”. Hơn nữa, theo thời gian, Nga bắt đầu nỗ lực khôi phục vị thế cường quốc của mình.

Về phía Mỹ, sau khi làm tan rã và thực sự loại bỏ Liên Xô khỏi vũ đài chính trị quốc tế, Washington coi quan hệ đối tác với Nga trên cơ sở những điều kiện mà Moscow nêu ra là không thể chấp nhận được. Đây là nguyên nhân chính yếu nhất, cũng có lỗi chủ quan và tính toán sai lầm ở cả hai phía, nhưng chỉ là thứ yếu.

Một cuộc chiến tranh phức hợp

Trên thực tế, Nga bảo vệ quyền tự quyết định, thúc đẩy và bảo vệ lợi ích của mình. Mỹ bảo vệ trật tự được thiết lập sau Chiến tranh Lạnh. Các hành động của Nga - đặc biệt là ở Ukraine và Syria - mặc dù không phá hủy, nhưng làm suy yếu và do vậy, gây nguy cơ sụp đổ trật tự do Mỹ đứng đầu.

Nga không thể công nhận quyền bá chủ của Mỹ vì nó đồng nghĩa với việc thừa nhận vị trí phụ thuộc của mình - điều này không bao giờ được chấp nhận với tính cách của người Nga. Mỹ không thể không đàm phán với Nga, càng không thể phớt lờ hành động của Nga, nếu không muốn từ bỏ quyền lãnh đạo toàn cầu mà Mỹ dựa vào để tự cho mình quyền bá chủ của thế giới.

Thách thức của Nga đối với Mỹ cũng góp phần vào xu hướng các quốc gia khác ngày càng trở nên mạnh mẽ và làm suy yếu các thể chế phương Tây do Mỹ đứng đầu. Sự trỗi dậy của Trung Quốc, sau đó là Ấn Độ, là những minh chứng rõ ràng cho xu hướng này.

Các cường quốc khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Brazil đang đóng vai trò địa chính trị ngày càng tích cực. Các yếu tố tự chủ cũng được ghi nhận trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Trong tương lai, quá trình tăng cường vai trò của các quốc gia - dân tộc có thể ảnh hưởng đến châu Âu. Đi đầu xu thế này là Pháp và Đức – nước đã buộc phải từ bỏ khái niệm lợi ích quốc gia trong nửa thế kỷ.

Hình thức cuộc đối đầu Nga - Mỹ hiện nay là một cuộc chiến tranh phức hợp. Thuật ngữ này được các phương tiện truyền thông đại chúng nêu lên và nó ám chỉ tới cuộc đối đầu trước đây giữa Mỹ và Liên Xô. Trong Chiến tranh Lạnh, quân sự là thành tố chính của cuộc đối đầu, nhưng việc chế tạo ra vũ khí hạt nhân đã khiến các cuộc “chiến tranh nóng” mức độ cao phải trả giá đắt, do vậy, chúng được thay thế bằng một cuộc chạy đua vũ trang và đối đầu về chính trị và tư tưởng.

Cuộc chiến phức hợp giữa Nga và Mỹ hiện nay được đặc trưng bởi sự đối đầu đa dạng trong nhiều lĩnh vực trên quy mô toàn cầu: thông tin, kinh tế, tài chính, công nghệ và các lĩnh vực truyền thống. Trong cuộc chiến phức hợp này, Mỹ có ưu thế vượt trội so với Nga. Tuy nhiên trong 5 năm qua kể từ khi bắt đầu cuộc đối đầu mới, Washington đã không thể buộc Moscow thay đổi đường lối đối ngoại theo hướng mà họ mong muốn.

Đối đầu đi về đâu?

Quan hệ Nga - Mỹ hiện nay nhìn chung ổn định, song tình trạng quan hệ xấu đi hơn nữa là điều có thể xảy ra, thậm chí sẽ được nhận thấy rõ trong bối cảnh chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Tuy nhiên, kết cục bi thảm của cuộc đối đầu này chỉ xảy ra khi có tình huống ngoài tầm kiểm soát và không lường trước được.

Hiện nay, đã tồn tại một mạng lưới an toàn tránh để Nga và Mỹ lao vào cuộc xung đột vũ trang trực tiếp có chủ ý. Khác với thời Chiến tranh Lạnh, cả hai bên đều đang cố tránh một cuộc đối đầu nghiêm trọng, có nguy cơ tiềm tàng biến thành cuộc chiến một mất một còn.

Trong 5 - 7 năm tới, khó có thể mong đợi bất kỳ sự cải thiện nào trong quan hệ giữa Nga và Mỹ. Bất kể kết quả của cuộc bầu cử tổng thống sắp tới thế nào, Nga sẽ vẫn là một quốc gia "nguy hiểm" đối với tầng lớp chính trị Mỹ trong một thời gian dài. Các biện pháp trừng phạt chống Nga đã có hiệu lực pháp lý và khó được dỡ bỏ trong thời gian dài tới. Như vậy, thực tế này gần như không bao giờ thay đổi nếu các chính trị gia hiện tại vẫn cầm quyền.

Về phần mình, Nga luôn hành động thực dụng trên cơ sở đảm bảo lợi ích quốc gia. Trên cơ sở những lợi ích này, Moscow sẵn sàng hợp tác với bất kỳ quốc gia nào nếu họ quan tới tâm lợi ích của Nga và tôn trọng vị thế của Nga trên thế giới. Vấn đề của Moscow là ở chỗ không nên mong đợi Washington có cách hành xử như vậy trong tương lai gần.

Tất nhiên, Nga và Mỹ, mặc dù có sự khác biệt rõ ràng và không thể vượt qua, nhưng họ không phải là đối thủ vĩnh cửu. Triển vọng dài hạn cho một lối thoát khỏi cuộc đối đầu Mỹ - Nga phụ thuộc chủ yếu vào ảnh hưởng của các yếu tố nội bộ ở cả hai nước.

Trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Bush (con), Washington đã mong muốn hạn chế sự tham gia toàn cầu của Mỹ và tập trung vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Dưới thời Tổng thống Obama, xu hướng này thể hiện rõ hơn và dưới thời Tổng thống Trump thì nó trở thành chính sách chủ đạo. Chính sách này có khả năng được tiếp tục trong tương lai. Đó là mong muốn định hình lại quan hệ với các đồng minh, cũng như với các đối tác và đối thủ cạnh tranh của Mỹ trên trường quốc tế, trong đó có Nga. Tuy nhiên, quá trình này sẽ không đồng đều và kéo dài.

Đối với Nga, việc khôi phục vị thế cường quốc trên thế giới đặt ra câu hỏi về mức độ ổn định của vị thế đó, nếu như Nga không được hỗ trợ đầy đủ bởi các chỉ số kinh tế. Về mặt logic, việc giải quyết vấn đề này đòi hỏi một định hướng lớn về chính sách đối ngoại đối với các mục tiêu phát triển nội bộ, trước hết là về kinh tế và công nghệ.

Một sự điều chỉnh như vậy hàm ý việc chuyển sự chú ý của ban lãnh đạo cao nhất của Nga từ các vấn đề của trật tự thế giới toàn cầu sang các vấn đề về vị thế và vai trò của Nga trong trật tự thế giới mới nổi. Sức mạnh an ninh của Nga trong thế kỷ XXI, vốn được bảo đảm đầy đủ bởi tiềm năng răn đe hạt nhân và phi hạt nhân, sẽ ngày càng được khẳng định bởi các thông số phi quân sự. Bài học về sự sụp đổ nhanh chóng của Liên Xô buộc ban lãnh đạo nước Nga phải suy nghĩ nhiều hơn về các yếu tố nội bộ: kinh tế, chính sách xã hội, tâm trạng của dân chúng, chất lượng lãnh đạo và quản lý.

Đến những năm 2030, một Kỷ nguyên Thiên đường của quan hệ đối tác Nga - Mỹ là điều không thể xảy ra. Tính chất chính của quan hệ Nga - Mỹ sẽ vẫn là đối đầu, điều này là bình thường đối với các cường quốc.

Trong một kịch bản lý tưởng, Nga và Mỹ vẫn là hai đối thủ cạnh tranh của nhau về nhiều mặt, nhưng vẫn có thể trở thành đối tác, cùng phát triển các hợp tác thực sự.

(theo Carnegie.ru)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nga-thuc-dung-my-muon-vuot-troi-bao-gio-den-ky-nguyen-thien-duong-105230.html