Nga tiếp tục gia hạn lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu
Hôm thứ Năm 20/2, Chính phủ Nga cho biết nước này đã gia hạn lệnh cấm xuất khẩu xăng thêm sáu tháng, tuy nhiên các nhà sản xuất sẽ được miễn trừ lệnh cấm này.

Nhà máy lọc dầu ở ngoại ô Moskva, Nga. Ảnh AFP
Phó Thủ tướng Alexander Novak ủng hộ quyết định cấm xuất khẩu xăng đối với các công ty không sản xuất trong giai đoạn từ ngày 1/3 đến ngày 31/8 năm nay, nhằm cân bằng thị trường trong giai đoạn nhu cầu tăng cao, Chính phủ Nga cho biết trong một tuyên bố.
Các nhà máy lọc dầu và công ty dầu mỏ sở hữu những nhà máy này sẽ được phép xuất khẩu xăng.
Hiện tại, các công ty dầu khí lớn được phép xuất khẩu xăng nhưng các thương nhân và đại lý bán lẻ lại bị cấm, lệnh cấm như này đã được thực hiện gần một năm.
Tuy nhiên, việc cấm xuất khẩu xăng dầu không có miễn trừ bắt đầu vào tháng 9/2023 do giá bán buôn tăng mạnh, sau hai tháng thị trường trong nước đã hình thành tình trạng dư thừa nhiên liệu và giá bán buôn xăng trên sàn giao dịch đã giảm đáng kể. Chính phủ Nga đã dỡ bỏ lệnh này, nhưng nhiều lần tái áp đặt và gia hạn lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu kể từ đó. Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết lệnh cấm này nhằm bình ổn giá nhiên liệu trong nước và họ sẽ xem xét dỡ bỏ khi nguồn cung thị trường nội địa bão hòa.
Nga là một trong những nước xuất khẩu dầu diesel lớn nhất và là nước xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới. Theo hãng tin CNBC, thị trường đang lo ngại về ảnh hưởng tiềm tàng từ việc gia hạn lệnh cấm này, nhất là vào thời điểm mà lượng tồn kho dầu diesel trên toàn cầu đã giảm xuống mức thấp.
Trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, các nhà máy lọc dầu của Nga xuất khẩu khoảng 2,8 triệu thùng sản phẩm dầu mỗi ngày. Gần đây, con số này đã giảm còn khoảng 1 triệu thùng/ngày, theo dữ liệu từ ngân hàng Hà Lan ING, nhưng Nga vẫn là một nhà cung cấp lớn trên thị trường năng lượng toàn cầu.
Lệnh cấm này không bao gồm nguồn cung cấp cho Liên minh Kinh tế Á-Âu do Moscow đứng đầu, một nhóm gồm 5 quốc gia thuộc Liên Xô cũ, và các quốc gia như Mông Cổ mà Nga có thỏa thuận liên Chính phủ về cung cấp nhiên liệu.
Các nước nhập khẩu xăng dầu lớn nhất của Nga bao gồm cả Nigeria, Libya, Tunisia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.