Nga tiết lộ lý do tàu Varshavyanka được gọi là 'lỗ đen'
Cục Thiết kế kỹ thuật hàng hải Trung ương Rubin Nga cho biết, những tàu ngầm Varshavyanka được coi là lỗ đen đại dương xuất phát từ những thiết kế tối tân.
Theo Phó tổng giám đốc Cục Rubin, ông Andrey Baranov, tàu ngầm loại Varshavyanka (dự án 877 và 636) được gọi là 'lỗ đen' do thiết kế đặc biệt của hệ thống động cơ điện cánh quạt chính thế hệ mới giúp tàu ngầm có thể hoạt động gần như không phát ra tiếng ồn.
"Các tàu ngầm được sản xuất hàng loạt đều được trang bị động cơ đẩy này, giúp cải thiện đáng kể cả độ ồn và tốc độ của chúng. Nhờ động cơ mới, Varshavyanka đã trở thành hố đen đại dương",ông Baranov nhấn mạnh.
Ông cũng lưu ý rằng động cơ điện đã được cải tiến hơn nữa nhờ các máy phát điện diesel mạnh hơn. Việc thay thế này đòi hỏi tăng chiều dài tàu lên một chút, nhưng thời gian sạc pin bị giảm xuống, đồng nghĩa với việc khả năng tàng hình lại tăng lên.
Hiện nay đã xuất hiện nhiều pin dự trữ có dung lượng lớn hơn, làm tăng phạm vi hoạt động và thời gian tàu lặn ở dưới nước. Ngoài ra, Nga còn sử dụng tổ hợp sonar kỹ thuật số giúp tăng cường tiềm năng tìm kiếm đối phương của tàu.
Khả năng 'tàng hình' của tàu Varshavyanka không chỉ nằm ở tuyên bố của nhà thiết kế mà nó đã được chứng minh trong hoạt động thực tế. Theo tuyên bố của Hải quân Nga, lực lượng này đã điều tổng cộng 5 chiếc tàu ngầm phi hạt nhân thuộc Đề án 636 lớp Varshavyanka đến Biển Địa Trung Hải từ tháng 8/2021.
"Hiện tại, có 5 tàu ngầm mang tên lửa hành trình Kalibr-PL trong Hải đội Địa Trung Hải của Nga, trong đó có 3 chiếc thuộc Hạm đội Biển Đen và 2 chiếc thuộc Hạm đội Thái Bình Dương", nguồn tin cho biết.
Thông báo của Nga cũng chấm dứt đồn đoán của Mỹ và đồng minh về số lượng tàu Varshavyanka tại vùng biển này, những con tàu đã khiến lực lượng săn ngầm Mỹ và Anh vất vả tìm kiếm bấy lâu nay nhưng không mang lại kết quả gì.
Để thực hiện tìm kiếm, Mỹ và Anh đã sử dụng máy bay trinh sát chống ngầm thế hệ mới nhất P-8A. Máy bay được trang bị những thiết bị trinh sát vô tuyến và quang học rất hiện đại.
Chiến dịch tìm kiếm được thực hiện kéo dài trong hơn 1 tháng nhưng cả Anh và Mỹ vẫn không thể biết tàu ngầm Varshavyanka. Mọi chuyện chỉ sáng tỏ khi 4 chiếc tàu cùng nổi lên và neo đậu tại cảng Tartus tại Syria. Tuy nhiên vị trí chiếc Varshavyanka còn lại hiện vẫn là bí ẩn với Mỹ.
Với việc được trang bị tên lửa hành trình tầm xa Kalibr-PL, những chiếc tàu ngầm Varshavyanka của Nga có thể tung ra những đòn đánh bất ngờ và đáng sợ hơn cả tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân của Mỹ trang bị Tomahawk.