Nga tiết lộ thêm về 'Cá mập' - tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới
Vào ngày 23/9/1980, chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Akula (Cá mập) đầu tiên của Dự án 941 đã được hạ thủy từ cảng Severodvinsk của Nga.
Những chiếc tàu ngầm này đã trở thành những chiếc lớn nhất thế giới xét về trọng tải (23.200 tấn khi nổi và 48.000 tấn khi lặn), và kích thước phi thường của chúng đã mang ý nghĩa hơn nhiều so với bất kỳ lời tuyên bố nào.
Các tàu ngầm lớp Akula, được thiết kế để đáp trả tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ, được trang bị 20 tên lửa đạn đạo R-39. Những tên lửa này, mặc dù có tầm bắn xa hơn và trọng tải lớn hơn tên lửa Trident-1 mà tàu ngầm Ohio mang theo, nhưng cũng lớn hơn và nặng hơn nhiều so với Trident, do đó cần có khoang chứa lớn hơn.
Dài gần 173 mét (172,8m) và rộng 23,3m, tàu ngầm lớp Akula bao gồm 5 khoang có thể ở được, mỗi khoang được bọc trong lớp vỏ ngoài riêng (và tất cả đều nằm trong lớp vỏ ngoài chính của tàu) - một thành phần đảm bảo khả năng sống sót của tàu ngầm.
Ngoài 20 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm R-39 (mỗi tên lửa mang tới 10 đầu đạn nhiệt hạch MIRV), tàu còn được trang bị 6 ống phóng 533mm có khả năng phóng ngư lôi và tên lửa chống ngầm.
Thiết kế của Akula cho phép tàu ngầm xuyên qua lớp băng dày tới 2,5m khi nổi lên mà không bị hư hại.
Kích thước và khối lượng của tên lửa R-39 (dài 16 mét và nặng 84 tấn mỗi tên lửa) đã khiến quân đội Nga phải chế tạo những trục cần cẩu đặc biệt có khả năng nâng những vũ khí này và chất chúng lên tàu ngầm.
Tàu vận tải đặc biệt Alexander Brykin được trang bị cần cẩu tải 125 tấn đã được đóng để làm nhiệm vụ này. Con tàu này có thể nạp đạn cho các bệ phóng tên lửa của Akula trên biển, trong trường hợp chiến tranh hạt nhân nổ ra khi các cơ sở bốc dỡ tại các cảng có khả năng bị phá hủy.