Nga tiết lộ thỏa thuận hợp tác với hai nước cộng hòa tự xưng ở Donbass
Các thỏa thuận của Nga với hai nước cộng hòa tự xưng ở Donbass bao gồm cả hợp tác quân sự.
Theo kênh RT (Nga) ngày 22/2, trong khi các hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Nga và hai nước cộng hòa tự xưng ở Donbass là Donetsk và Lugansk vẫn đang trong giai đoạn dự thảo, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã công bố các nội dung được đề xuất, trong đó có phòng thủ chung và quyền sử dụng cơ sở hạ tầng quân sự của nhau.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công nhận hai nước cộng hòa tự xưng trên - hai khu vực đòi độc lập ở miền Đông Ukraine - là các quốc gia độc lập ngày 21/2. Duma Quốc gia Nga đã bỏ phiếu áp đảo ủng hộ công nhận các khu vực này vào tuần trước.
Dự thảo hiệp ước hữu nghị và tương trợ giữa hai bên có thời hạn ít nhất 10 năm, đã được công bố trên trang web của Duma Quốc gia Nga.
Nổi bật trong dự thảo này là Điều 5, cho phép cả hai bên ký kết có quyền xây dựng, sử dụng và cải thiện cơ sở hạ tầng quân sự, căn cứ và các lĩnh vực khác trên lãnh thổ của nhau. Điện Kremlin đã ra lệnh cho quân đội Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới hai khu vực này, trong khi chờ một hiệp ước chính thức về hợp tác quân sự.
Bên cạnh đó, Điều 6 cấm cả hai bên tham gia khối hoặc liên minh nào chống lại bên kia và sẽ không cho phép lãnh thổ của họ được sử dụng để phát động các cuộc tấn công chống lại nhau.
Điều 11 quy định việc di chuyển tự do của công dân hai bên ký kết và buộc cả Nga và 2 nước cộng hòa tự xưng phải phát triển và thực hiện một loạt các biện pháp đã thỏa thuận để điều chỉnh chế độ ra vào lãnh thổ của công dân các nước thứ ba.
Ngoài ra, Điều 13 cũng bắt buộc các bên ký kết phải bảo vệ bản sắc dân tộc, ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo của các dân tộc thiểu số trên lãnh thổ của mình, tạo điều kiện để bảo tồn, phát triển những bản sắc này, đồng thời đảm bảo các quyền của cá nhân, nhóm thiểu số mà không bị đồng hóa trái ý muốn.
Donetsk và Lugansk tuyên bố độc lập khỏi Ukraine vào năm 2014. Họ đã tìm kiếm sự công nhận từ Nga vào thời điểm đó, nhưng Moskva từ chối, khẳng định xung đột của họ là vấn đề nội bộ của Ukraine.
Trong bài phát biểu ngày 21/2/2022, ông Putin đã cáo buộc Ukraine muốn chinh phục hai khu vực trên bằng vũ lực, tuyên bố công nhận các nước cộng hòa tự xưng ở Donbass là một động thái “đã quá hạn từ lâu”.
Sau động thái của Nga, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tiến hành phiên họp khẩn cấp về vấn đề Ukraine. Cuộc họp diễn ra trong bầu không khí khá căng thẳng. Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình Rosemary DiCarlo bày tỏ lấy làm tiếc về việc Nga triển khai quân đội tại miền Đông Ukraine, đồng thời kêu gọi các bên cần ngăn ngừa xung đột bằng mọi giá. Tương tự, đại diện của Trung Quốc tại LHQ đã kêu gọi tất cả các bên cùng kiềm chế, hướng tới các nỗ lực ngoại giao và tránh các hành động làm leo thang căng thẳng.
Trong khi đó, Đại sứ Linda Thomas-Greenfield, trưởng phái đoàn thường trực của Mỹ tại LHQ, đã chỉ trích động thái trên của Nga. Trước thềm cuộc họp, bà Thomas-Greenfield cũng đã ra thông cáo nhấn mạnh rằng HĐBA LHQ cần phải yêu cầu Moskva tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, một quốc gia thành viên LHQ. Phía Mỹ cho biết sẽ đưa ra lệnh trừng phạt đối với Nga trong ngày 22/2.
Đa số giới ngoại giao tại LHQ cho rằng động thái của Nga đã "vi phạm luật pháp quốc tế" và đặt dấu chấm hết cho kế hoạch mang lại hòa bình cho cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine vốn đã rất mong manh. Cộng đồng quốc tế giờ đây chỉ có thể hy vọng với vai trò dẫn dắt của HĐBA LHQ, các bên liên quan sẽ kiềm chế tối đa, tìm kiếm giải pháp thông qua con đường ngoại giao, không để chiến tranh xảy ra và hàng triệu người dân vô tội sẽ lại rơi vào cuộc khủng hoảng không có hồi kết.
Tại cuộc họp, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya cho rằng các cường quốc phương Tây cần "suy nghĩ thấu đáo" và không làm nghiêm trọng hóa tình hình. Ông khẳng định Moskva luôn "sẵn sàng tìm kiếm giải pháp ngoại giao" cho những căng thẳng hiện nay. Trong bối cảnh nhiều nước tại HĐBA LHQ đánh giá việc Nga đưa quân tới Luhansk ở Donbass là nhằm mở đường cho kế hoạch chiếm đóng Ukraine, Moskva nêu rõ hành động này là nhằm mục đích gìn giữ hòa bình, bảo vệ hàng trăm nghìn công dân được cấp hộ chiếu Nga đang sinh sống tại đây.
Về phần mình, Đại sứ Ukraine tại LHQ Sergiy Kyslytsya khẳng định biên giới của quốc gia này không thay đổi, bất kể Nga có hành động gì.
Trong một tuyên bố sáng 22/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cáo buộc Moskva đã hủy hoại các nỗ lực hòa bình, đồng thời nhấn mạnh nước này sẽ không có bất cứ nhượng bộ nào về lãnh thổ. Ông Zelenskiy khẳng định Ukraine vẫn cam kết tiến hành các nỗ lực hòa bình và ngoại giao sau khi Nga chính thức công nhận 2 nước công hòa tự xưng trên. Mặc dù vậy, ông cũng nhấn mạnh Kiev đang mong đợi những bước đi "rõ ràng và hiệu quả" từ các nước đồng minh liên quan quyết định trên của Nga, đồng thời kêu gọi tiến hành một cuộc họp khẩn giữa các nhà lãnh đạo Ukraine, Nga, Đức và Pháp về vấn đề này.