Nga - Trung không tham dự, COP26 thêm rào cản và tranh cãi
Hơn 100 nhà lãnh đạo thế giới sẽ hội tụ tại Glasgow, Scotland, bắt đầu từ ngày 31/10 để cố gắng đặt ra các mục tiêu giảm phát thải mới ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hơn 100 nhà lãnh đạo thế giới - cũng như hàng nghìn nhà ngoại giao và lãnh đạo doanh nghiệp - sẽ hội tụ tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh bắt đầu từ ngày 31/10 để cố gắng đặt ra các mục tiêu giảm phát thải mới tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26.
Đây là một cuộc họp thường niên, nhưng cuộc họp năm nay có ý nghĩa quyết định vì các nhà khoa học khí hậu đã cảnh báo rằng thời gian để đảm bảo cắt giảm lượng khí thải cần thiết đã không còn, dẫn đến tác động tàn phá của biến đổi khí hậu có thể diễn ra trong vài thập kỷ tới.
Điều gì đang diễn ra?
Là chủ nhà năm nay, Vương quốc Anh đang tìm cách đảm bảo các nước đưa ra đủ cam kết giảm phát thải khí nhà kính mới. Tất cả nhằm duy trì mục tiêu trong Thỏa thuận Paris năm 2015 về hạn chế sự nóng lên toàn cầu (1,5 °C so với mức nhiệt độ tiền công nghiệp), từ giờ đến năm 2100.
Giữ nhiệt độ toàn cầu dưới mức đó về cơ bản sẽ làm giảm đáng kể các tác động của biến đổi khí hậu, nhưng để đáp ứng điều này sẽ đòi hỏi sự thay đổi lớn với xu hướng phát thải CO2 hiện nay. Dựa trên xu hướng phát thải hiện tại, Cơ quan Năng lượng Quốc tế gần đây ước tính nhiệt độ sẽ nóng lên 2,6 °C trên mức tiền công nghiệp năm 2100, và còn tiếp tục tăng.
Hội nghị COP26 cũng nhằm tập hợp hỗ trợ tài chính cho các quốc gia đang phát triển để chống chọi tốt hơn với tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Hàng loạt rào cản vào thời điểm quan trọng
COP26 sẽ phải vượt qua những trở ngại đáng kinh ngạc để đưa ra các kế hoạch hữu hình, khả thi, nhằm giữ cho sự nóng lên toàn cầu trong tầm kiểm soát.
Thứ nhất, thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có, điều có thể khiến các nước phát thải và sử dụng than hàng đầu thế giới - như Trung Quốc và Ấn Độ - chần chừ trước việc thực hiện các cam kết liên quan - như loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than.
Thứ hai, căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có thể làm phức tạp các cuộc đàm phán, cản trở sự hợp tác toàn cầu cần thiết để ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Đối với Mỹ, Quốc hội vẫn chưa thông qua bất kỳ đạo luật quan trọng nào về khí hậu, khiến Tổng thống Joe Biden rơi vào thế bị động hơn những gì ông mong đợi.
Sự vắng mặt của lãnh đạo một số nước “chủ chốt” (có lượng phát thải lớn) đã làm dấy lên nhiều tranh cãi. Đại dịch COVID-19 không làm cho tình hình dễ chịu hơn.
Các nhân vật chính
Mọi ánh mắt đổ dồn vào Mỹ khi đây là quốc gia duy nhất "quay ngoắt 180 độ" với Thỏa thuận Paris dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Tổng thống Mỹ Joe Biden dù vậy đã ký một lệnh hành pháp vào tháng 1 và Mỹ tái gia nhập thỏa thuận Paris vào tháng 2.
Là nền kinh tế lớn nhất thế giới đồng thời là một trong những nhà phát thải lớn nhất, Mỹ được kỳ vọng đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán về khí hậu và có nghĩa vụ hành động trước cuộc khủng hoảng. Nhưng số phận của các phần quan trọng nhất trong chương trình nghị sự về khí hậu của Biden nằm trong tay Quốc hội, không phải Nhà Trắng.
Việc thúc đẩy các cam kết khí hậu với các nước mà không có luật do Quốc hội ban hành có thể khiến quyết tâm của Mỹ về vấn đề bị nghi ngờ.
Trong khi đó Trung Quốc, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới - đang ở giữa cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng sâu sắc. Chi phí than tăng vọt đã góp phần làm tăng trưởng kinh tế chậm lại. Gần đây, Trung Quốc phản đối mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Giống như Trung Quốc, giá năng lượng tăng cao và sự phụ thuộc vào than của Ấn Độ có thể khiến họ khó đưa ra các cam kết đáng kể, mặc dù Ấn Độ cũng dự kiến sẽ công bố một số cam kết mới.
Mặc dù không trực tiếp xuất hiện tại COP26, hồi đầu tháng này, ông Putin cho biết Nga sẵn sàng đối thoại để tìm cách giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và sẽ phấn đấu trở thành nước trung hòa carbon trước năm 2060.
Theo New York Times, Nga, quốc gia xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch hàng đầu, đã bị cáo buộc kéo dài các chính sách khắc phục biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, sự chia rẽ đã trở nên sâu sắc hơn giữa các quốc gia Liên minh châu Âu khi phản ứng với giá năng lượng tăng đột biến. Trong nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng xanh, châu Âu nhận ra mình vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Giá khí đốt châu Âu đã đạt mức cao kỷ lục vào mùa thu. Hầu hết các nước EU phải đáp trả bằng các biện pháp khẩn cấp như giới hạn giá và trợ cấp để cắt giảm hóa đơn của người tiêu dùng.
9 quốc gia bao gồm Đức - nền kinh tế và thị trường điện lớn nhất châu Âu - cho biết họ sẽ không ủng hộ các biện pháp cải cách thị trường điện của EU (như tách giá khí đốt và điện).
Giá năng lượng tăng đột biến gây ra căng thẳng giữa các quốc gia về các chính sách xanh của EU, khi họ chuẩn bị đàm phán về các đề xuất mới bao gồm tăng thuế đối với nhiên liệu gây ô nhiễm.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã bác bỏ những kế hoạch xanh là “không tưởng”, mâu thuẫn với các nước EU khác, những người cho rằng giá tăng sẽ khiến quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo nhanh hơn.
Nhiều tranh cãi “nóng”
Một trong những điều “bất công” của biến đổi khí hậu là những nước gây tác động ít nhất đôi khi lại chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Vì vậy, một trong những chương trình nghị sự hàng đầu của hội nghị sẽ là các nước chịu ảnh hưởng này có thể nhận được sự “bồi thường” đến mức nào. Theo The Economist, chủ đề dường như khá nhạy cảm với các nước giàu.
Tại Paris, họ đã nhắc đến ý tưởng này trong thỏa thuận, xong từ chối một ngôn ngữ có thể dẫn đến hành động cụ thể. Các nước nghèo mong muốn thúc đẩy chương trình nghị sự này và đặt nền tảng cho các cuộc đàm phán thiết thực hơn trong tương lai.
Trong khi đó, theo The Indian Express, năm 2009, các nước giàu đã đồng ý gửi 100 tỷ USD mỗi năm cho các chương trình về khí hậu đến các nước nghèo cho đến năm 2020, nhưng chưa thực hiện đầy đủ chương trình.
Các nước dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu đã kêu gọi sự chú ý và nguồn quỹ lớn hơn dành cho các chương trình ứng phó. Nhưng sự thất vọng vì thế có thể tác động đến hội nghị thượng đỉnh.
Tranh cãi thứ hai nằm ở những “mắt xích yếu” trong các khối cam kết với mục tiêu khí hậu.
Australia được xem là “người ngoài cuộc” trong các nước giàu. Chiến lược “Đóng góp quốc gia tự quyết định” (NDC - thể hiện cam kết kiểm soát mức tăng nhiệt độ khí quyển của mỗi quốc gia theo thỏa thuận Paris) của nước này không mấy tham vọng, cả phiên bản ban đầu lẫn bản mới cập nhật. Trong khi đó, một số nền kinh tế mới nổi đặt ra những mục tiêu lỏng lẻo. Nga và Indonesia được cho là không có nỗ lực mới nào. Mexico và Brazil, bằng cách áp dụng cơ chế tính toán khí thải nhà kính sáng tạo, cũng đưa ra các kế hoạch mới ít tham vọng hơn.
Ấn Độ, chịu trách nhiệm cho 7% lượng phát thải CO2, vẫn chưa có chiến lược khí hậu mới. Trung Quốc, chịu trách nhiệm 28%, cũng chưa có. Năm ngoái, Bắc Kinh dự định đạt “đỉnh” phát thải trước 2030, nhưng rồi chỉ nói họ sẽ đạt mục tiêu “trong khoảng” thời gian trên. Nhiều người có thể muốn nhắc lại hạn chót này với Trung Quốc, song theo chuyên gia Li Shuo của Greenpeace, Trung Quốc có thể sẽ chỉ tăng cường cam kết bằng cách đưa ra một con số giới hạn mà mức phát thải hàng năm của họ không vượt quá.
Với những lời hứa lỏng lẻo này, chỉ có 50% cơ hội trong năm nay nhân loại sẽ giữ được mức ấm lên toàn cầu dưới 2,1 độ C, 5% dưới 1,5 độ C. Đó là giả định tất cả các lời hứa được thực hiện.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/cop26-va-nhung-tranh-cai-dinh-hinh-van-menh-the-gioi-ar643449.html