Nga - Trung phủ bóng Hội nghị G7

Châu Âu và Nhật Bản có thể thận trọng hơn Mỹ về những hành động có thể làm gián đoạn quan hệ thương mại với Trung Quốc

An ninh đã được thắt chặt tại TP Hiroshima - Nhật Bản trước khi các nhà lãnh đạo 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7 - gồm Nhật Bản, Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Ý, Canada) nhóm họp từ ngày 19 đến 21-5.

Theo hãng tin Kyodo, có đến 24.000 nhân viên an ninh được huy động trong thời gian Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo G7 dự kiến thảo luận và tìm giải pháp cho một loạt vấn đề "nóng" như xung đột Nga - Ukraine, quan hệ với Trung Quốc, tình hình kinh tế toàn cầu, năng lượng, giá cả tăng, khủng hoảng trần nợ công ở Mỹ, thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu...

Bên cạnh bày tỏ ủng hộ Ukraine, theo Reuters, các nhà lãnh đạo G7 dự kiến tăng cường trừng phạt Nga, chủ yếu nhằm vào hoạt động sản xuất năng lượng và thương mại, cũng như đối phó hành động "né trừng phạt" liên quan đến các nước thứ 3.

Tuy nhiên, đối với việc xử lý quan hệ với Trung Quốc, các thành viên G7 được cho là khó tìm được tiếng nói chung hơn. Trước thềm hội nghị, theo đài Al Jazeera, các nhà lãnh đạo G7 đã phát đi tín hiệu sẽ thảo luận nhiều về việc Bắc Kinh sử dụng "các biện pháp thương mại trừng phạt".

Đây được xem là vấn đề gây nhiều lo ngại ở châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu những năm gần đây. Một số nước, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Lithuania, đều đối mặt các biện pháp hạn chế thương mại sau khi xảy ra bất đồng với Trung Quốc.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đến TP Hiroshima hôm 18-5. Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đến TP Hiroshima hôm 18-5. Ảnh: REUTERS

Hội nghị G7 dự kiến ra tuyên bố bày tỏ lo ngại về "sự cưỡng ép kinh tế" của Trung Quốc và đề xuất các biện pháp đối phó. Tuy nhiên, hiện chưa rõ Nhật Bản và các thành viên châu Âu ủng hộ đến đâu nếu các biện pháp này chọc giận Bắc Kinh, đối tác thương mại quan trọng của họ.

Ông Sayuri Shirai, chuyên gia tại Trường ĐH Keito (Nhật Bản), nhận định châu Âu và Nhật Bản có thể thận trọng hơn Mỹ về những hành động có thể làm gián đoạn quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc lâu nay bác bỏ cáo buộc họ sử dụng thương mại làm vũ khí, đồng thời chỉ ra chính Mỹ cũng đang dùng biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu.

Giải giới hạt nhân dự kiến là vấn đề được các nhà lãnh đạo G7 thảo luận nhiều. Thủ tướng nước chủ nhà Kishida Fumio hy vọng sẽ nêu bật được các rủi ro của tình trạng phổ biến hạt nhân tại hội nghị ở TP Hiroshima, nơi xảy ra vụ ném bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới.

Theo hãng tin Kyodo, Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima dự kiến lần đầu tiên chào đón các nhà lãnh đạo G7 cùng đến thăm trong ngày 19-5. Theo Thủ tướng Kishida, biết được những hậu quả của việc sử dụng bom nguyên tử có vai trò quan trọng như điểm khởi đầu cho các nỗ lực giải giới hạt nhân.

Các nhà lãnh đạo của một số quốc gia không thuộc G7 và các tổ chức quốc tế sẽ tham gia một số phiên họp tại hội nghị, qua đó cho thấy nhóm này muốn thúc đẩy tăng cường hợp tác, quan hệ chính trị và kinh tế với nhiều quốc gia hơn.

Theo một số chuyên gia, các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil đang đóng góp ngày càng nhiều cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặt ra câu hỏi về vị thế và vai trò dẫn dắt nền kinh tế thế giới của G7 thời gian tới.

Hoàng Phương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nga-trung-phu-bong-hoi-nghi-g7-20230518212833028.htm