Nga - Trung Quốc đồng tuyên bố phản đối các biện pháp hạn chế thương mại đơn phương

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga, hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc đã ký kết Tuyên bố chung, trong đó thể hiện rõ lập trường phản đối các biện pháp hạn chế thương mại và tài chính đơn phương, động thái được xem là nhằm củng cố liên minh chiến lược giữa hai cường quốc trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những biến động địa chính trị phức tạp.

Ngày 8/5, tại Moskva, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký kết Tuyên bố chung về tăng cường hợp tác chiến lược toàn diện và phối hợp lập trường quốc tế, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.

Tuyên bố nhấn mạnh sự phản đối mạnh mẽ đối với "các biện pháp hạn chế đơn phương và không phù hợp với luật pháp quốc tế trong lĩnh vực thương mại và tài chính", đồng thời cam kết phối hợp để bảo vệ vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc trong việc điều phối các vấn đề toàn cầu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 8/5 tại Điện Kremlin. Ảnh: Xinhua

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 8/5 tại Điện Kremlin. Ảnh: Xinhua

Hai bên cho rằng, các hành động áp thuế và biện pháp cạnh tranh phi thị trường mà "một số quốc gia và đồng minh của họ" đang áp dụng đã gây tổn hại nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế toàn cầu. Mặc dù không nêu đích danh quốc gia cụ thể, nhưng tuyên bố cho rằng những biện pháp đó đang phá hoại nguyên tắc cạnh tranh công bằng, cản trở hợp tác quốc tế trong các vấn đề then chốt như an ninh lương thực, an ninh năng lượng và thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc.

Trong bối cảnh Nga tiếp tục chịu lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây liên quan đến xung đột tại Ukraine, và Trung Quốc đang đối mặt với căng thẳng thương mại kéo dài với Mỹ, tuyên bố nêu rõ hai nước sẽ tăng cường hợp tác để đối phó với chính sách "kiềm tỏa kép" của Mỹ, đồng thời phản đối các nỗ lực nhằm chia rẽ cộng đồng quốc tế, xuyên tạc mối quan hệ đối tác Nga - Trung.

Ngoài vấn đề thương mại, hai bên cũng thể hiện mối quan ngại sâu sắc trước xu hướng mở rộng ảnh hưởng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nga và Trung Quốc cho rằng các động thái của Mỹ và đồng minh trong việc thúc đẩy hiện diện quân sự tại khu vực này đang đe dọa hòa bình và ổn định khu vực.

Tuyên bố cũng phản đối việc thiết lập các liên minh quân sự mang tính đối đầu, trong đó có liên minh chia sẻ vũ khí hạt nhân, cũng như việc triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ toàn cầu và tên lửa tầm trung, vốn được cho là gây tổn hại đến ổn định chiến lược quốc tế.

Về hợp tác song phương, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và khoa học – công nghệ. Nga và Trung Quốc sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại hai chiều với trọng tâm là các sản phẩm công nghệ cao và phát triển thương mại điện tử sáng tạo. Đồng thời, hai bên cũng sẽ mở rộng hợp tác đầu tư và năng lượng, cùng khám phá tiềm năng đổi mới sáng tạo và nghiên cứu trong các lĩnh vực cơ bản và ứng dụng.

Trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), hai nước nhấn mạnh vai trò điều phối trung tâm của Liên Hợp Quốc trong quản trị toàn cầu, ủng hộ cách tiếp cận tôn trọng chủ quyền quốc gia và luật pháp quốc tế. Nga - Trung cho rằng AI nên được phát triển vì lợi ích chung của nhân loại, không bị lợi dụng như công cụ địa chính trị phục vụ mưu đồ bá quyền.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin họp báo ngày 8/5 ở Điện Kremlin. Ảnh: Xinhua

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin họp báo ngày 8/5 ở Điện Kremlin. Ảnh: Xinhua

Phát biểu tại họp báo sau hội đàm, Tổng thống Putin khẳng định mối quan hệ Nga - Trung là biểu tượng cho tinh thần "tự cường", đồng thời cho biết hai nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch song phương, một bước tiến nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong bối cảnh cục diện tài chính toàn cầu đang dịch chuyển.

Dù Tuyên bố chung không đề cập trực tiếp đến dự án đường ống dẫn khí đốt “Sức mạnh Siberia 2”, Tổng thống Nga tiết lộ dự án này dự kiến đi vào vận hành từ năm 2027, với sản lượng cung ứng khoảng 10 tỷ m³ khí đốt mỗi năm cho Trung Quốc, bổ sung cho đường ống “Sức mạnh Siberia 1” hiện đã đạt công suất tối đa ở mức 31 tỷ m³ mỗi năm.

Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng lịch sử của mối quan hệ hữu nghị Trung - Nga, đặc biệt trong bối cảnh hai dân tộc từng sát cánh trong chiến tranh. "Nhân dân hai nước đã khắc ghi tình hữu nghị trong lửa đạn chiến tranh, viết nên những trang sử hào hùng và để lại di sản không bao giờ phai mờ", ông phát biểu.

Theo CGTN, TASS, Xinhua, Reuters

Tổng hợp

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/nga-trung-quoc-dong-tuyen-bo-phan-doi-cac-bien-phap-han-che-thuong-mai-don-phuong-317698.html