Nga, Ukraine thảo luận trao đổi tù nhân chiến tranh

Trong ngày thứ Tư, Nga và Ukraine đã tiếp tục thảo luận về trao đổi tù nhân chiến tranh tại một cuộc đàm phán hòa bình tại Istanbul. Tuy nhiên, các bên vẫn còn nhiều khác biệt về quan điểm quanh vấn đề điều kiện ký kết thỏa thuận ngừng bắn.

Ảnh: REUTERS/Murad Sezer.

Ảnh: REUTERS/Murad Sezer.

Sau cuộc thảo luận kéo dài 40 phút ngắn ngủi, trưởng phái đoàn của Ukraine Rustem Umerov cho biết: "Chúng tôi đã đạt được một số tiến triển về vấn đề nhân đạo, nhưng chưa đạt được tiến triển về vấn đề chấm dứt tình hình bạo lực".

Ông cho biết, phía Ukraine đã đề xuất tổ chức gặp mặt trước cuối tháng 8 giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông cũng cho biết: "Nếu chấp nhận đề xuất này, phía Nga sẽ có thể thể hiện được phương pháp tiếp cận vấn đề mang tính xây dựng của họ một cách rõ ràng".

Trưởng phái đoàn Nga Vladimir Medinsky khẳng định mục đích của một cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước cần phải là nhằm ký kết thỏa thuận, không phải "thảo luận lại từ đầu".

Ông đã nhắc lại lời kêu gọi từ phía chính quyền Moscow về một loạt các cuộc ngừng bắn dài 24-48 giờ để cho phép thu hồi thi thể các binh lính thiệt mạng. Ukraine khẳng định cần phải có thỏa thuận ngừng bắn dài hơn và ngay lập tức.

Những đàm phán lần này diễn ra chỉ một tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh tay lên Nga và các nước mua hàng hóa mà Nga xuất khẩu nếu như không có thỏa thuận hòa bình nào được ký kết trong vòng 50 ngày.

Hiện chưa có tín hiệu nào cho thấy có tiến triển xung quanh mục tiêu này, tuy nhiên cả hai phía đều khẳng định đã thảo luận về các cuộc trao đổi nhân đạo sau những cuộc trao đổi tù nhân chiến tranh.

Medinsky cho biết, các nhà thương lượng đã thống nhất sẽ trao đổi thêm 1.200 tù nhân chiến tranh từ mỗi phía, và Nga đã ngỏ lời trao trả thêm 3.000 thi thể quân nhân Ukraine.

Ông cho biết, phía chính quyền Moscow đang điều tra danh sách 339 tên trẻ em Ukraine mà chính quyền Kyiv cáo buộc phía Nga đã bắt cóc. Chính phủ Nga phủ nhận cáo buộc này và khẳng định đã bảo vệ những trẻ em bị chia cắt khỏi gia đình trong cuộc chiến.

Ông Medinsky cho biết: "Một số trẻ em đã được trao trả lại cho Ukraine. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục làm việc để trao trả những trẻ còn lại. Nếu tìm thấy cha mẹ hợp pháp, người thân, hoặc người đại diện của các em, các em sẽ ngay lập tức được trả về quê hương".

Ông Umerov cho biết, Kyiv đã kỳ vọng "nhiều tiến triển hơn" về vấn đề trao đổi tù nhân chiến tranh: "Chúng tôi tiếp tục yêu cầu trả tự do cho thường dân, bao gồm các trẻ em". Chính quyền Ukraine cho biết ít nhất 19.000 trẻ em đã bị trục xuất.

Thảo luận ngắn nhất từ trước tới nay

Trước khi các đàm phán được tổ chức, chính quyền điện Kremlin đã hạ thấp các kỳ vọng, nhận định quan điểm hai phe là hoàn toàn đối lập, và khẳng định không nên kỳ vọng có phép màu nào xảy ra.

Với thời lượng 40 phút, cuộc họp này ngắn hơn cả những cuộc họp gần đây nhất giữa hai nước vào ngày 16/5 và 2/6, hai cuộc họp có tổng thời lượng 3 giờ.

Oleksandr Bevz, thành viên phái đoàn Ukraine, cho biết chính quyền Kyiv đã đề xuất tổ chức cuộc họp giữa ông Putin và ông Zelenskiy trong tháng 8 do thời điểm đó khớp với hạn chót do ông Trump đề ra.

Ông Putin đã từ chối yêu cầu gặp trực tiếp gần đây nhất từ ông Zelenskiy, cho biết ông không công nhận ông Zelenskiy là lãnh đạo hợp pháp vì Ukraine không thực hiện cuộc tổng tuyển cử mới sau khi nhiệm kỳ 5 năm của ông Zelenskiy kết thúc trong năm 2024.

Sau những bất đồng công khai tại Nhà Trắng vào tháng 2, ông Trump đã hàn gắn quan hệ với ông Zelenskiy và đã thể hiện những bức xúc ngày càng lớn về ông Putin.

Trong tuần vừa rồi, ba nguồn tin thân cận với chính quyền điện Kremlin cho biết, ông Putin đã không nao núng trước tối hậu thư của ông Trump, và sẽ tiếp tục tiến hành chiến dịch tại Ukraine cho tới khi các nước phương Tây sẵn sàng cân nhắc điều kiện hòa bình mà ông đưa ra.

Nguyễn Quang Minh (theo REUTERS)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nga-ukraine-thao-luan-trao-doi-tu-nhan-chien-tranh-204250724130247486.htm