Nước Nga sẽ trở thành một trong bốn cường quốc sáng lập nên trật tự thế giới mới, chuyên gia Andrew Latham - một nhà phân tích của ấn phẩm The Hill đã đưa ra ý kiến nhận xét nói trên.
Trật tự thế giới hiện nay, hay RBIO (Rules Based International Order - trật tự quốc tế dựa trên luật lệ) bắt đầu hình thành ngay sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc và được duy trì vững chắc cho tới ngày nay.
Theo tác giả, các quy tắc thế giới được thiết lập phản ánh các giá trị và lợi ích của chỉ một cường quốc, đó là Mỹ. Tuy nhiên các chuẩn mực bắt đầu sụp đổ theo đúng nghĩa đen và thể chế hiện tại không còn tác động pháp lý đối với những gì đang xảy ra.
Bài báo viết: “Các thể chế chi phối nền kinh tế toàn cầu đang lung lay dưới sức nặng của các cuộc khủng hoảng tài chính tái diễn, và ngay cả các tổ chức khu vực ổn định như NATO và Liên minh châu Âu cũng đang phải hứng chịu lực ly tâm chưa từng có đe dọa chia cắt”.
Theo nhà phân tích, trật tự thế giới hiện tại bắt đầu nhanh chóng trở nên lỗi thời vào đầu những năm 2010. Sau đó, ảnh hưởng của Mỹ bắt đầu suy yếu, trong khi các cường quốc khác trải qua thời kỳ bùng nổ kinh tế.
Có một xu hướng tách các quốc gia với nhau, phá hủy cấu trúc đơn cực, và bây giờ cộng đồng quốc tế đang phấn đấu cho một trật tự thế giới mới, đó là cấu trúc đa cực, không còn vị thế độc tôn của Mỹ và đồng minh.
“Một trật tự mới phản ánh sự phân bổ quyền lực đa cực và đa văn minh hơn sẽ không được Washington xây dựng, bởi vì nó sẽ không chỉ đơn giản là sự phản ánh các giá trị và lợi ích của nước Mỹ", bài báo nêu rõ.
"Có khả năng sự thay đổi sẽ không diễn ra sớm. Tuy nhiên, rõ ràng là cuộc vận động đang diễn ra sẽ đại diện cho sự kết hợp giữa lợi ích và vị trí của các cường quốc tham gia vào việc tạo ra những quy tắc và quy định mới", nhà báo Andrew Latham viết.
“Nói cách khác, trật tự thế giới mới sẽ phản ánh các giá trị và lợi ích của những quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ, và thậm chí có thể là Nga, ở mức độ tương tự như Mỹ”, nhà phân tích của ấn phẩm The Hill nhấn mạnh.
Ngoài ra trật tự thế giới mới sẽ không áp đặt các chuẩn mực của nó lên các quốc gia khác, như đã được thực hiện dưới trật tự thế giới đơn cực. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là quá trình kết thúc của sự kình địch giữa các cường quốc sẽ đến.
Một số nguyên tắc cũ nhưng quan trọng và hữu ích sẽ vẫn được tôn trọng. Ví dụ, việc sử dụng vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học có thể bị lên án ngay cả khi lệnh cấm sử dụng chúng bị vi phạm theo thời gian.
Mặc dù nhận định trên nhận được nhiều ý kiến đồng thuận, nhưng cũng không ít nhà phân tích cho rằng với những gì diễn ra tại Ukraine ngày nay, Nga khó lòng vươn lên trở thành một cực của trật tự thế giới mới.
Những lệnh cấm vận nặng nề đang giáng xuống Moskva chắc chắn sẽ gây xói mòn tiềm lực kinh tế, khoa học kỹ thuật và cả sự ổn đinh chính trị của nước Nga, khiến tiếng nói và vai trò của nước này không còn được như trước.
Dĩ nhiên Nga có thể tìm kiếm các liên minh, nhưng sức mạnh của những tổ chức như SCO, CSTO hay BRICS... khó lòng sánh được với EU hay NATO - vốn do Mỹ chi phối chặt chẽ.
Việt Dũng