Nga và Mỹ cùng lên tiếng, phe đảo chính ở Niger dịu giọng

Chính quyền quân sự Niger hôm 15-8 cho biết họ sẵn sàng đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng sau đảo chính trong khi Nga và Mỹ kêu gọi giải pháp hòa bình.

Ông Ali Mahamane Lamine Zeine, người được bổ nhiệm làm thủ tướng của chính quyền quân sự Niger, hôm 15-8 cho biết: "Chúng tôi đang trong quá trình chuyển đổi. Chúng tôi đã giải thích mọi thứ và tái khẳng định sẵn sàng trao đổi cởi mở với tất cả các bên. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhấn mạnh đất nước cần độc lập".

Ông Ali Mahamane Lamine Zeine, người được chính quyền quân sự bổ nhiệm làm thủ tướng hồi tuần trước. Ảnh: Reuters

Ông Ali Mahamane Lamine Zeine, người được chính quyền quân sự bổ nhiệm làm thủ tướng hồi tuần trước. Ảnh: Reuters

Ông Zeine đưa ra phát biểu trên sau cuộc gặp Tổng thống Chad Mahamat Deby, người từng tiến hành cuộc đảo chính vào năm 2021.

Khu vực Tây và Trung Phi đã chứng kiến 7 cuộc đảo chính trong 3 năm qua.

Các nước phương Tây và chính phủ châu Phi yêu cầu chính quyền quân sự Niger phục chức cho Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum nhưng giới lãnh đạo quân sự đã từ chối và bác bỏ các nỗ lực đàm phán.

Các chỉ huy quân đội Tây Phi dự kiến họp tại Ghana trong hai ngày 17 và 18-8 để chuẩn bị cho kịch bản can thiệp quân sự vào Niger. Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) cảnh báo sẽ có bước đi như thế nếu ngoại giao thất bại.

Bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào cũng có thể gây bất ổn hơn nữa cho khu vực.

Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Nigeria kiêm Chủ tịch ECOWAS Bola Tinubu cho hay: "Tôi hiểu người dân của chúng tôi lo sợ hình thức can thiệp quân sự. Chúng tôi đang nỗ lực duy trì các biện pháp trừng phạt".

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói chuyện với nhà lãnh đạo quân sự Mali về cuộc đảo chính ở Niger hôm 15-8. Ông Putin nhấn mạnh tầm quan trọng của một giải pháp hòa bình để giúp khu vực này ổn định hơn.

Về phía Mỹ, người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden cam kết thực hiện giải pháp ngoại giao và Niger là đối tác mà Mỹ không muốn đánh mất. Ảnh hưởng của Nga ở Tây Phi đã tăng lên trong khi ảnh hưởng của phương Tây đã suy yếu kể từ khi một loạt cuộc đảo chính nổ ra.

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nga-va-my-cung-len-tieng-phe-dao-chinh-o-niger-diu-giong-20230816085116206.htm