Nga và Mỹ đánh giá về cuộc đàm phán khuấy đảo dư luận, Saudi Arabia tỏa sáng trong vai 'cầu nối hòa bình'
Mới đây, cả Nga và Mỹ đều đã đưa ra cách đánh giá tích cực về cuộc đàm phán giữa hai nước trong ngày 18/2 tại Riyadh, Saudi Arabia.

Ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan (trái) và Cố vấn An ninh quốc gia Musaed Al-Aiban chủ trì cuộc đàm phán giữa các quan chức Nga và Mỹ ngày 18/2 tại Riyadh. (Nguồn: X)
Hãng thông tấn TASS đưa tin, tại một cuộc họp báo cùng ngày, khi được hỏi về diễn biến của cuộc đàm phán và việc liệu ông có tự tin hơn về khả năng đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột ở Ukraine hay không, ông Trump bày tỏ: "Tự tin hơn nhiều. Nga muốn làm một điều gì đó".
Trong khi đó, ngày 19/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố, cuộc đàm phán được tổ chức ở thủ đô Riyadh là sự khởi đầu của một nỗ lực đầy hứa hẹn nhằm khôi phục quan hệ song phương và đặt nền móng cho việc giải quyết các vấn đề toàn cầu do chính quyền tiền nhiệm của Mỹ tạo ra.
Các phái đoàn Nga và Mỹ đã tổ chức đàm phán trong khoảng bốn tiếng rưỡi. Đại diện phía Nga là Ngoại trưởng Sergei Lavrov, cố vấn của tổng thống Yury Ushakov và Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) Kirill Dmitriev.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn An ninh quốc gia Mike Waltz và đặc phái viên về Trung Đông Steve Witkoff đại diện Mỹ tham gia cuộc họp trên.
Ông Lavrov đánh giá cuộc hội đàm “rất hữu ích” bởi hai bên “không chỉ lắng nghe mà còn hiểu nhau”, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng phía Washington đã hiểu rõ hơn về lập trường của Moscow.
Hai bên đã nhất trí bảo đảm “nhanh chóng bổ nhiệm” Đại sứ tại mỗi nước trong khi phía Washington bày tỏ quan tâm tới việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Moscow. Các đại diện Nga và Mỹ cũng đạt đồng thuận về việc lập một đội ngũ cấp cao hành động nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine càng sớm càng tốt.
Với kết quả bước đầu tích cực, Saudi Arabia, nước chủ nhà diễn ra cuộc đàm phán thu hút dư luận, nổi lên như một địa điểm "mát tay" cho việc hòa giải. Các quốc gia Arab đã đồng loạt bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với vai trò của Riyadh trong sự kiện trên.
Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) coi đây như một minh chứng cho cam kết của Riyadh trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định toàn cầu, đồng thời kỳ vọng các cuộc đàm phán như trên sẽ là bước đột phá quan trọng trong việc thu hẹp bất đồng giữa các bên, hướng tới chấm dứt cuộc xung đột Ukraine.
Kuwait và Jordan cũng đã lên tiếng ủng hộ, trong khi Palestine đánh giá cao chính sách ngoại giao khôn khéo của Saudi Arabia. Phủ Tổng thống Palestine nhận định rằng, các cuộc đàm phán này thể hiện vai trò quan trọng của Riyadh trong việc thúc đẩy ổn định khu vực và quốc tế.
Qatar, thông qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao Majed Al-Ansari, cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với sáng kiến lựa chọn Saudi Arabia làm nơi diễn ra đàm phán Nga-Mỹ để giải quyết xung đột ở Ukraine.