Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác mang lại cơ hội giải quyết xung đột Libya
Sự hợp tác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tạo điều kiện cho hai nước tiếp tục trở thành những người dẫn dắt chính trong ván cờ mới tại Trung Đông.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin hôm qua (8/1) nhất trí lập trường kêu gọi ngừng bắn tại Libya vào ngày 12/1 tới. Cái bắt tay giữa hai quốc gia này không chỉ mang lại cơ hội giúp tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột tại Libya, mà còn tạo điều kiện cho Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục trở thành những người dẫn dắt chính trong ván cờ mới tại Trung Đông.
Sau cuộc hội đàm tại thành phố Istanbul trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Thổ Nhĩ Kỳ, hai nhà lãnh đạo ra tuyên bố chung kêu gọi hướng tới một lệnh ngừng bắn tại Libya, đồng thời ủng hộ những biện pháp cần thiết nhằm ổn định tình hình thực địa ở quốc gia Bắc Phi này.
Phát biểu sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Nga Lavrov khẳng định: “Tôi muốn nhấn mạnh lời kêu gọi của hai nhà lãnh đạo đưa ra tại cuộc gặp. Đó là tất cả các bên trong cuộc xung đột Libya cần phải dừng ngay lập tức các hành dộng chiến tranh, tuyên bố ngừng bắn từ ngày 12/ 1”.
Lời kêu gọi này đã nhận được sự ủng hộ của quốc tế. Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) cũng hoan nghênh lời kêu gọi nghiêm túc quay trở lại các cuộc đối thoại, trong khi Liên Hợp Quốc ủng hộ lời kêu gọi ngừng bắn, hối thúc các phe phái của Libya phản ứng tích cực.
Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang với việc tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. Đã có một số lo ngại về sự đụng độ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ gần đây khi hai bên đứng về 2 phe trong cuộc xung đột. Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya được quốc tế công nhận, hoạt động ở thủ đô Tripoli.
Trong khi đó, Nga được cho là ủng hộ lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya của Tướng Khalifa Hafta ở miền Đông. Nếu những nỗ lực bình ổn Libya của hai quốc gia này có hiệu quả sẽ là một chiến thắng tiếp theo cho Tổng thống Nga Putin trong vòng đấu mới của ván cờ Trung Đông, sau khi hai bên thực hiện chiến lược hợp tác hiệu quả tại Syria.
Trong một nỗ lực để không bị gạt khỏi tiến trình chính trị Libya, Liên minh châu Âu hôm 8/1 có cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) của Libya Fayez al-Sarraj, với lời kêu gọi ủng hộ ngừng bắn và thúc đẩy sáng kiến do Đức đã đưa ra.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn tránh Libya trở thành địa điểm cho một cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Libya không nên trở thành một Syria thứ 2 và đó là lí do tại sao chúng ta cần một tiến trình chính trị nhanh chóng”.
Ông Wolfram Lacher- một chuyên gia về Libya tại Viện Quốc tế và An ninh Đức cho rằng, những gì chúng ta đang chứng kiến hiện nay là sự cạnh tranh về việc ai sẽ là người xác định khuôn khổ quốc tế cho bất kỳ cuộc đàm phán nào để chấm dứt xung đột Libya. Sau những nỗ lực của Mỹ và châu Âu giải quyết cuộc xung đột Libya chưa đạt được kết quả đang tạo cơ hội cho người Nga bước vào cuộc chơi và có thể tạo ra sự khác biệt./.