Nga và Trung Quốc muốn lập trật tự thế giới mới
Cuộc khủng hoảng tại Ukraine là một trong những dấu hiệu cho tham vọng xây dựng trật tự thế giới mới của Nga và Trung Quốc.
Tổng thống Vladimir Putin đã đến Bắc Kinh tham dự lễ khai mạc Olympic mùa đông 2022. Tại đây, ông Putin gặp đồng minh quan trọng nhất của Nga - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh đã thân thiết đến mức trong cuộc điện đàm tháng 12 vừa qua, ông Tập tuyên bố ủng hộ yêu sách của Điện Kremlin rằng Ukraine không được phép gia nhập NATO.
Một thập kỷ trước, khi Trung Quốc và Nga vừa là đối tác, vừa là đối thủ, sự nồng ấm như hiện nay là không tưởng. Nhưng sau thời gian dài đối đầu với Mỹ, ủng hộ mà ông Tập dành cho Moscow phản ánh sự song trùng cả lợi ích và quan điểm về trật tự thế giới giữa Nga và Trung Quốc, theo Financial Times.
Chống lại trật tự thế giới đương đại
Truyền thông Trung Quốc đưa tin Chủ tịch Tập Cận Bình nói với Tổng thống Putin rằng "có những thế lực quốc tế đang tùy tiện can thiệp vào công việc nội bộ của Nga và Trung Quốc, dưới danh nghĩa dân chủ nhân quyền".
Thông điệp của ông Tập cho thấy rõ Nga và Trung Quốc tin rằng Mỹ đang lên kế hoạch lật đổ chính quyền ở hai nước này.
Khi bất ổn bùng phát ở Kazakhstan, Tổng thống Putin cáo buộc Mỹ âm mưu bảo trợ một cuộc cách mạng màu mới. Tuyên bố của Moscow được Bắc Kinh ủng hộ.
Từ lâu, Điện Kremlin tin rằng Mỹ đứng sau cuộc cách mạng Euro Maidan ở Ukraine năm 2013-2014, khiến cựu Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych bị lật đổ, làm đảo chiều hoàn toàn quan hệ giữa Moscow và Kiev.
Trong khi đó, Trung Quốc cáo buộc các thế lực nước ngoài, ám chỉ Mỹ, kích động cuộc biểu tình quy mô lớn ở Hong Kong năm 2019 làm chấn động cả thế giới.
Mocsow và Bắc Kinh tin rằng mục tiêu cuối cùng của Washington là thay đổi chính quyền hiện nay của Nga và Trung Quốc, và Mỹ sử dụng các lực lượng ủng hộ dân chủ ở hai nước này làm con ngựa thành Troy.
Nhưng Trung Quốc và Nga không chỉ tính toán cách tự vệ. Điện Kremlin và Trung Nam Hải nhận định mối đe dọa cách mạng màu đến từ những thiếu sót căn bản của trật tự thế giới hiện nay - gồm sự tổng hòa của các thiết chế quốc tế, cấu trúc quyền lực và tư tưởng định hình nền chính trị toàn cầu.
Bởi vậy, Moscow và Bắc Kinh có chung quyết tâm thiết lập một trật tự thế giới mới, phục vụ lợi ích của Nga và Trung Quốc.
Hai đặc điểm của trật tự thế giới hiện tại mà Trung Quốc và Nga thường phản đối là "tính đơn cực" và "những giá trị phổ quát". Nói một cách đơn giản, hai nước tin rằng những giá trị làm nên trật tự thế giới hiện nay đang trao cho Mỹ quá nhiều quyền lực, bởi vậy cần phải phá bỏ.
"Tính đơn cực" xuất hiện sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất của thế giới. Fyodor Lukyanov, chuyên gia chính sách đối ngoại của Nga, cho rằng trật tự đơn cực "cho phép Mỹ tự do hành động trên trường quốc tế".
Ông Lukyanov cho rằng kỷ nguyên bá quyền của Mỹ bắt đầu bằng chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, khi Washington huy động liên minh toàn cầu đánh đuổi quân đội của Saddam Hussein ra khỏi Kuwait. Trước đó, quân đội Iraq phát động chiến tranh xâm lược Kuwait bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế.
Sau chiến tranh Vùng Vịnh là chiến dịch can thiệp quân sự do Mỹ lãnh đạo ở Bosnia và NATO đánh bom thủ đô Belgrade của Serbia nhằm ngăn chặn chính quyền Slobodan Milosevic diệt chủng người Albania ở Kosovo.
Sau vụ khủng bố 11/9/2001, NATO phát động cuộc chiến ở Afghanistan nhằm truy lùng Osama Bin Laden và lật đổ chính quyền Taliban khi đó nuôi dưỡng Al Qaeda. Theo ông Lukyanov, chiến tranh Afghanistan là một ví dụ khác cho thấy Mỹ sẵn sàng và có đủ khả năng "dùng bao lực để thay đổi thế giới".
Nhưng sau 20 năm, Washington đã thất bại và phải rút quân khỏi Kabul, để lại một đất nước hỗn loạn. Sự ra đi của quân đội Mỹ khỏi Afghanistan cho Nga hy vọng rằng trật tự thế giới do Washington lãnh đạo đang sụp đổ.
"Kabul thất thủ mang tính lịch sử và biểu tượng không kém sự sụp đổ của bức tường Berlin", ông Lukyanov nói.
Các học giả Trung Quốc có góc nhìn tương tự. Viết trên Foreign Policy, Yan Xuetong, trưởng khoa quan hệ quốc tế Đại học Thanh Hoa, cho rằng "việc vươn lên vị thế cường quốc cho phép Trung Quốc đóng vai trò mới trong quan hệ giữa các quốc gia - một vai trò không thể dung hòa với sự thống trị của Mỹ". Học giả người Trung Quốc tin rằng "trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo đang dần tiêu tan, thay thế bằng trật tự đa cực".
Đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình cũng tuyên bố "phương Tây đang suy tàn, trong khi phương Đông dần trỗi dậy".
Trật tự thế giới mới của Nga và Trung Quốc
Xây dựng trật tự thế giới mới không thuần túy là sức mạnh cơ bắp, mà còn là cuộc chiến về tư tưởng. Trong khi truyền thống tự do của phương Tây thúc đẩy tư tưởng nhân quyền phổ quát, các chiến lược gia Nga và Trung Quốc biện luận rằng những truyền thống văn hóa và nền văn minh khác biệt cần có con đường phát triển riêng.
Nga từ lâu đã từ bỏ nỗ lực hòa mình vào nền văn minh phương Tây. Thay vào đó, Moscow thúc đẩy ý tưởng hấp thụ tinh hoa của cả phương Đông và phương Tây.
Trong khi đó, các học giả Trung Quốc tuyên bố sự kết hợp của truyền thống Nho giáo và chủ nghĩa xã hội khiến nước này luôn đề cao giá trị tập thể thay vì quyền của cá nhân, mà minh chứng là thành công trong kiềm chế Covid-19.
Trong trật tự mới mà Bắc Kinh và Moscow muốn xây dựng, thế giới sẽ bị phân chia thành những vùng ảnh hưởng khác nhau. Tại đó, Washington sẽ phải chấp nhận sự thống trị của Moscow và Bắc Kinh tại những khu vực xung quanh đường biên giới của Nga và Trung Quốc, đồng thời dừng ủng hộ cách mạng màu.
Khủng hoảng ở Ukraine thực chất là cuộc đấu tranh vì trật tự thế giới tương lai. Với Điện Kremlin, Ukraine nằm trong không gian ảnh hưởng văn hóa, chính trị của Nga. Bởi nhu cầu bảo đảm an ninh, Moscow sẽ làm mọi thứ để ngăn Kiev gia nhập NATO.
Trong khi đó với Mỹ, những đòi hỏi của Nga vi phạm những nguyên tắc cơ bản của trật tự thế giới đương đại, cụ thể là chủ quyền của một quốc gia tự định đoạt tương lai của mình.
Cuộc khủng hoảng Ukraine cũng tạo ra tác động toàn cầu. Mỹ hiểu cho phép Nga tấn công Ukraine, dùng vũ lực thiết lập "không gian ảnh hưởng" của riêng Moscow, sẽ tạo ra tiền lệ để Trung Quốc làm điều tương tự.
Trong một thập kỷ qua, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để gia tăng kiểm soát trên các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời thường xuyên đe dọa dùng bạo lực để thống nhất Đài Loan.
Nếu Nga thực sự đưa quân vào Ukraine và thành công với kế hoạch của mình, Trung Quốc sẽ càng có động lực để gây hấn tại khu vực xung quanh biên giới nước này, trong bối cảnh những thành phần dân tộc đại Hán đã đánh hơi thấy sự kết thúc của kỷ nguyên nước Mỹ lãnh đạo toàn cầu.
Dù chia sẻ góc nhìn về trật tự thế giới, cách tiếp cận để hiện thực hóa mục tiêu của Bắc Kinh và Moscow có sự khác biệt.
Thời gian gần đây, Nga tỏ ra sẵn sàng phiêu lưu quân sự hơn Trung Quốc. Nhưng mục đích cuối cùng của Moscow thì hạn chế hơn. Việc can thiệp quân sự ở Syria, Kazakhstan hay Ukraine là cách để bác bỏ tuyên bố của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng Nga chỉ là cường quốc khu vực.
"Với các nhà lãnh đạo Moscow, nước Nga sẽ không là gì nếu không phải một siêu cường", Dmitri Trenin, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu Carnegie ở Moscow, nói.
Trong khi đó, Trung Quốc ôm tham vọng lớn hơn, đó là thay thế Mỹ trở thành cường quốc số một thế giới.
Elizabeth Economy, tác giả cuốn sách The World According to China, cho rằng Trung Quốc đang hướng tới trật tự thế giới thay đổi hoàn toàn, ở đó Mỹ sẽ không còn chỗ đứng ở Thái Bình Dương và chỉ hoạt động giới hạn tại Đại Tây Dương. Bởi Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiện là cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu, trật tự thế giới như vậy sẽ giúp Trung Quốc trở thành "số một".
Rush Doshi, chuyên gia về Trung Quốc của Nhà Trắng, dẫn một số nguồn tin cho biết Trung Quốc thực chất mong muốn thứ quyền lực thống trị tương tự của Mỹ sau Chiến tranh Lạnh.
Nga nôn nóng, Trung Quốc cẩn trọng
Sự khác biệt trong tham vọng giữa Nga và Trung Quốc phản ánh chênh lệch về tiềm lực kinh tế hai nước. Nền kinh tế Nga hiện chỉ ngang Italy, Moscow đơn giản không đủ khả năng để tranh giành vị trí lãnh đạo toàn cầu.
Ngược lại, Trung Quốc đã sánh ngang với Mỹ về kinh tế, là nhà sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới. Dân số Trung Quốc lớn gấp 10 lần Nga. Bởi vậy, tham vọng trở thành quốc gia quyền lực nhất thế giới với Trung Quốc thực tế hơn so với Nga.
Nhưng cũng bởi có tiềm lực và tham vọng lớn hơn, Bắc Kinh trong ngắn hạn sẽ hành xử cẩn trọng hơn Moscow.
Theo ông Trenin, việc sẵn sàng sử dụng vũ lực để thay đổi cân bằng quyền lực ở châu Âu phần nào phản ánh sự tuyệt vọng của Điện Kremlin. Trong bối cảnh NATO liên tục mở rộng về phía Đông, Nga coi Ukraine là phòng tuyến cuối cùng không thể để mất.
Ngược lại, Bắc Kinh tin rằng thời gian và dòng chảy lịch sử đứng về phương Đông. Trung Quốc sở hữu nhiều công cụ kinh tế để khuếch trương ảnh hưởng, thứ mà Nga không có. Một ví dụ tiêu biểu là những dự án trong sáng kiến Vành đai, Con đường giúp Bắc Kinh thu phục hàng loạt đồng minh ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ.
Trong khi nước Mỹ dưới thời Trump có xu hướng thu mình, Trung Quốc dùng sức mạnh thương mại để khuếch trương ảnh hưởng toàn cầu.
Đầu tháng một, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đi vào hiệu lực, với sự tham gia của một số đồng minh chủ chốt của Mỹ ở Đông Á như Nhật Bản và Australia, trong khi Mỹ không có dự phần. Những hiệp định thương mại kiểu như RCEP, với cơ hội thâm nhập thị trường 1,4 tỷ dân, là công cụ để Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng.
Nhưng lịch sử đã cho thấy trật tự thế giới mới thường chỉ xuất hiện sau một số sự kiện chính trị mang tính địa chấn. Ví dụ như Thế chiến 2 kết thúc mở ra thời kỳ đối đầu lưỡng cực Mỹ - Xô, hay Liên Xô sụp đổ dẫn tới kỷ nguyên nước Mỹ lãnh đạo.
Câu hỏi là liệu tham vọng về trật tự thế giới mới của Trung Quốc và Nga có cần một cuộc chiến tranh quy mô lớn để đơm hoa kết trái?
Xung đột quân sự trực diện với Mỹ không phải lựa chọn khôn ngoan bởi có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân. Nhưng Moscow và Bắc Kinh có thể lựa chọn những chiến trường nhỏ, gần với đường biên giới của mình để bảo đảm khả năng thắng lợi.
Nếu Nga tấn công và chiến thắng ở Ukraine, một trật tự an ninh mới sẽ hình thành tại châu Âu. Nếu Trung Quốc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, sự kiện này sẽ đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên dẫn đầu Thái Bình Dương của Mỹ.
Trong kịch bản ấy, những quốc gia từng trông đợi vào ô bảo hộ an ninh của Washington như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia sẽ phải tự điều chỉnh chính sách theo một trật tự mới với Trung Quốc là nước dẫn đầu khu vực.
Trật tự thế giới mới cũng có thể xuất hiện nếu Mỹ ngầm chấp nhận và tự nguyện rút lui khỏi Đông Âu và Thái Bình Dương. Kịch bản này khó xảy ra trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden. Nhưng ông Donald Trump có thể trở lại Nhà Trắng vào năm 2024, và cựu Tổng thống Mỹ phần nào đó chia sẻ thế giới quan về trật tự thế giới của Nga và Trung Quốc.
Ông Trump đã hơn một lần hạ thấp vai trò của NATO và chỉ trích các đồng minh của Mỹ ở châu Á. Triết lý nước Mỹ trước tiên của Trump làm xói mòn vai trò bảo đảm an ninh toàn cầu và cân bằng quyền lực của Mỹ.
Dù vậy, Nga và Trung Quốc dường như không có ý định ngồi đợi ông Trump quay lại Nhà Trắng. Moscow và Bắc Kinh hiểu đảng Cộng hòa có nhiều tiếng nói diều hâu chống Nga và Trung Quốc mạnh mẽ. Việc Nga dàn quân ở biên giới Ukraine cho thấy Điện Kremlin đã mất kiên nhẫn.
Ngay cả khi Nga phát động chiến tranh và thất bại, tham vọng thay đổi trật tự thế giới của Bắc Kinh sẽ vẫn còn đó. Một Trung Quốc ngày càng giàu mạnh sẽ sẵn sàng làm tất cả những gì cần thiết để hiện thực hóa tham vọng này.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nga-va-trung-quoc-muon-lap-trat-tu-the-gioi-moi-post1291729.html