Ngắm đàn voọc cheo leo trên vách đá ở xã biên giới Trường Sơn
Một đàn voọc đen quý hiếm với số lượng hàng chục con vừa được người dân phát hiện và quay lại ở xã biên giới Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Ngày 3/3, anh Nguyễn Văn Tráng, ở thôn Long Sơn, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh cho biết, vào khoảng 16h chiều ngày 2/3, anh lên nhà anh Nguyễn Văn Tào (người dân tộc Bru-Vân kiều) để mua mật ong rừng thì phát hiện đàn voọc đen xuất hiện trên vách đá tại núi Chông, thuộc bản Khe Cát, xã Trường Sơn.
“Lúc đầu tui nhìn thấy 1-2 con ở cây gạo sát bờ suối, nhưng một lúc sau có cả đàn khoảng 50 con lớn, nhỏ di chuyển trên vách đá. Sau đó tui lấy máy quay lại khoảnh khắc này”, anh Tráng cho biết.
Trước đó, anh Nguyễn Văn Tào đã nhìn thấy đàn voọc này nên đã báo cho Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc BQL Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Tuy nhiên, khi cán bộ về để nghiên cứu, tìm hiểu thì đàn voọc này lại không xuất hiện.
"Điều đáng ghi nhận là, từ khi xuất hiện đàn voọc quý hiếm này. Cùng với việc tuyên truyền từ Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và các cơ quan chức năng trước đó, bà con ở đây đã hiểu và có ý thức bảo vệ rất cao", anh Tráng nói.
Trước đó, ở vùng núi đá vôi các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và hai tỉnh giáp biên giới là Khammouane và Savannakhet (Lào) cũng đã xuất hiện đàn voọc. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên loài voọc đen này được người dân phát hiện và ghi lại với số lượng nhiều như thế.
Theo nhận định của người dân bản địa, tại khu vực núi đá cao không có nước và lá cây nên đàn voọc này di chuyển xuống bờ suối cũng như nương rẫy của bà con để tìm nước uống và kiếm thức ăn.
Voọc đen gáy trắng là loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Để bảo vệ các đàn voọc, hiện nay chúng ta đang tăng cường các biện pháp quản lý bảo vệ rừng nhằm ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép; kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương trong việc bảo vệ động vật hoang dã nói chung, loài voọc nói riêng, tránh những tác động tiêu cực làm ảnh hưởng tới môi trường sống tự nhiên của chúng.