Ngầm hóa, xóa 'rác trời'

HNN - Hàng loạt 'mạng nhện' dây điện, cáp viễn thông đã dần biến mất trên các tuyến đường thành phố Huế. Nhờ sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền và các doanh nghiệp, công tác ngầm hóa cáp viễn thông đã từng bước mang lại mỹ quan cho đô thị.

Kiểm tra thực trạng các tuyến đường đã hoàn thành ngầm hóa

Kiểm tra thực trạng các tuyến đường đã hoàn thành ngầm hóa

Đảm bảo mỹ quan đô thị

Thời gian qua, thành phố Huế “làm thật, làm quyết liệt” với mục tiêu xóa bỏ “rác trời”. Nhiều tuyến phố như Hà Nội, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Hưng Đạo hay Trần Phú – từng "nổi tiếng" bởi hệ thống dây cáp chằng chịt như mạng nhện, nay đã thông thoáng, gọn gàng. Đường phố sáng hơn, những cột điện không còn gánh nặng dây dợ, người đi bộ cũng không còn phải nơm nớp tránh “dây vắt” lơ lửng sát đầu.

“Vỉa hè lát đá mới, cây xanh được thay thế đồng bộ và đặc biệt là dây điện, cáp viễn thông được hạ ngầm hết. Mỗi lần đi qua đường Hai Bà Trưng, tôi thấy thành phố hiện đại, gọn gàng hơn”, bà Nguyễn Thu Thủy - một người dân ở phường Vĩnh Ninh chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Huy Quang, Giám đốc Viettel Huế, đây là kết quả của sự vào cuộc đồng bộ, với tinh thần cùng thành phố gìn giữ cảnh quan, xây dựng một Huế văn minh, an toàn. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng gặp không ít khó khăn. Có những tuyến đường thi công suôn sẻ, nhưng nhiều tuyến lại là “bài toán hóc búa” với doanh nghiệp.

Từ năm 2020 đến nay, đã có 89 tuyến đường, khu vực được ngầm hóa; 261 tuyến được cải tạo, chỉnh trang (trong đó phần lớn do Điện lực Huế thực hiện). Cụ thể, 44 tuyến hoàn thành hạ ngầm hoàn toàn, 17 tuyến đã xây dựng xong cống bể chờ và 7 tuyến đang trong giai đoạn thi công hạ ngầm năm 2025. Tỷ lệ tuyến đường hoàn thành ngầm hóa đạt gần 50%, còn tuyến đường đã hoàn thiện cống bể đạt trên 68%.

Kỳ vọng vào giai đoạn bứt tốc

Nhìn nhận một cách thẳng thắn, tiến độ hạ ngầm cáp giai đoạn 2020 - 2024 vẫn chưa theo kịp kỳ vọng của người dân và yêu cầu phát triển đô thị. Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), nguyên nhân là do nguồn vốn xã hội hóa còn hạn chế. Hầu hết công trình hạ ngầm doanh nghiệp đều bỏ vốn, nhưng giữa các đơn vị điện lực và viễn thông chưa có sự phối hợp chặt chẽ. Hậu quả khiến không ít tuyến đường bị đào đi, đào lại, gây lãng phí và bức xúc trong dân. Ngoài ra, tình trạng “mạnh ai nấy làm” từng diễn ra ở một số nơi khiến hiệu quả đầu tư không đồng đều.

Ông Võ Văn Khoái, Phó Trưởng phòng Chuyển đổi số (Sở KH&CN) cho biết: “Ở một số tuyến, dù đã có cống bể chờ nhưng doanh nghiệp viễn thông chưa triển khai đồng bộ, tiến độ vẫn còn chậm. Một số đoạn sau khi cải tạo, chỉnh trang nhưng dây thuê bao cũ vẫn còn treo gây mất mỹ quan”. Để khắc phục, Sở KH&CN đã xây dựng quy trình phối hợp rõ ràng, từ khâu đăng ký, giám sát tiến độ đến cập nhật dữ liệu hạ tầng số. Sắp tới, các doanh nghiệp phải thực hiện gắn thẻ nhận diện cho từng bó cáp, dây thuê bao, đồng thời cập nhật dữ liệu số hóa vào hệ thống của Sở để dễ theo dõi, tránh việc dây “vô chủ”, dây không sử dụng nhưng vẫn treo trên không.

Theo kế hoạch năm 2025, TP. Huế tiếp tục thực hiện ngầm hóa tại 5 tuyến đường, chỉnh trang 7 tuyến, phối hợp cải tạo đồng bộ tại 51 tuyến khác, trong đó Công ty Điện lực Huế đóng vai trò chủ trì. Đây là bước đệm để chuẩn bị cho giai đoạn bứt tốc từ năm 2026. Ngoài ra, Kế hoạch cải tạo, chỉnh trang và ngầm hóa cáp viễn thông, dây thuê bao giai đoạn 2026 - 2030 vừa được UBND thành phố ban hành.

Mục tiêu lớn nhất là đảm bảo an toàn giao thông, nâng cao mỹ quan đô thị và đồng bộ hóa hạ tầng kỹ thuật ngầm. Theo đó, sẽ ngầm hóa 100% cáp viễn thông, dây thuê bao tại các tuyến đường trung tâm, tuyến chỉnh trang hoặc nâng cấp mở rộng. Cùng với đó, thành phố cũng sẽ đầu tư hệ thống cống bể ngầm dùng chung, tránh tình trạng mỗi đơn vị một kiểu, mỗi tuyến một “luật”.

Dự kiến, giai đoạn 2026 - 2030, sẽ có 49 tuyến được ngầm hóa hoàn toàn, 39 tuyến chỉnh trang theo quy chuẩn mới (mô hình kiểu mẫu như đường Trần Phú) và 132 tuyến trên toàn địa bàn thành phố sẽ được cải tạo bằng phương pháp gộp dây gia cường và lắp gông treo đạt chuẩn kỹ thuật.

Các loại cáp mới lắp đặt phải đảm bảo thi công gọn, đi chung với hệ thống có sẵn, có thẻ nhận diện đơn vị sở hữu. Những dây cáp không còn sử dụng sẽ bị tháo dỡ triệt để, kể cả những dây từng bị “vắt qua cây xanh, treo trên đèn đường hay băng qua đường, qua sông”.

Chia sẻ về kế hoạch dài hơi này, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, việc hạ ngầm không chỉ là bài toán kỹ thuật, mà còn là biểu hiện của một đô thị văn minh, hiện đại. Hạ ngầm dây cáp là để trả lại bầu trời sạch - sáng cho thành phố.

Bài, ảnh: LIÊN MINH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/ngam-hoa-xoa-rac-troi-153887.html