ĐBQH: Đấu thầu liên tục nhiều năm chỉ có một nhà thầu trúng

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, dù tổ chức đấu thầu nhiều nhưng lại chỉ có một nhà thầu trúng nhưng giảm giá rất thấp, dưới 1% nên sẽ không có hiệu quả cho Nhà nước.

Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Góp ý về dự án Luật Đấu thầu, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH Đồng Tháp quan tâm đến quy định cho phép chủ đầu tư, người có thẩm quyền căn cứ quy mô, tính chất, điều kiện thực tế từng gói thầu, dự án để lựa chọn áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu.

Đồng tình với quy định này, song đại biểu nhấn mạnh phải phòng ngừa sự móc nối giữa chủ đầu tư, chủ dự án để làm thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Bởi thực tế vừa qua không ít địa phương có trường hợp vướng vào vòng lao lý về vấn đề này.

Về việc chỉ định thầu, dự thảo luật giao Chính phủ quy định các trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu để tăng tính chủ động. Đại biểu nhấn mạnh đến tính cấp thiết của chỉ định thầu có giảm giá.

Đại biểu dẫn chứng thời gian qua, ở một số nơi chỉ có một nhà thầu mà mấy năm liền trúng hàng chục công trình. Dù tổ chức đấu thầu nhiều nhưng lại chỉ có một nhà thầu trúng, giá trúng thầu chỉ chênh lệch so với giá nhà đầu tư đưa ra có 1%. Đấu thầu liên tục như thế thì Nhà nước chả được lợi gì, mất thời gian, tiền của.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH Đồng Tháp. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH Đồng Tháp. Ảnh: quochoi.vn

Từ dẫn chứng này, đại biểu đề nghị đây là điểm cần quan tâm trong việc tổ chức đấu thầu không mang lại hiệu quả, làm mất thời gian, tốn kém, loại trừ trường hợp móc nối giữa chủ đầu tư và nhà thầu thời gian qua.

Do đó, đại biểu cho rằng cần thiết chỉ định thầu có giảm giá, chất lượng công trình bảo đảm và chịu trách nhiệm về việc chỉ định thầu. Khi đó sẽ không hao tốn thời gian, tiền bạc của Nhà nước và người dân.

Về việc xét duyệt trúng thầu với gói thầu xây lắp, đại biểu cho biết vừa qua có nhiều trường hợp tổ chức đấu giá thầu xây lắp, đấu thầu các bãi vật liệu xây dựng bị bỏ thầu cao, định giá gấp trăm lần.

Tuy nhiên cần có các chế tài quyết liệt, mạnh hơn với trường hợp sau khi trúng thầu rồi mà bỏ thầu. Dù vấn đề này thời gian qua đã được xử lý nhưng cần làm mạnh hơn nữa, có thể cấm tuyệt đối mấy năm không cho tham gia các gói thầu khác. Chỉ có như vậy họ mới sợ, không dám, không muốn làm.

Cũng góp ý vào dự án Luật Đấu thầu, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết trước đây nhiều dự án trọng điểm quốc gia đã dùng phương án chỉ định thầu. Hiện tại dự thảo luật đã đề xuất cho phép chủ đầu tư căn cứ quy mô, tính chất, điều kiện để áp dụng hình thức chọn nhà thầu.

"Thẩm quyền này cần được cân nhắc kỹ hơn. Đấu thầu là công cụ pháp lý để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu sao cho công bằng khách quan. Phải nâng cao, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, hiệu quả sử dụng ngân sách và tài sản công, giúp bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia," đại biểu đánh giá.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam. Ảnh: quochoi.vn

Thế nhưng thời gian qua có nhiều trường hợp lách luật, cố gắng làm sai quy định để đấu thầu, có tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Theo đại biểu, chính nguyên nhân này gây lúng túng trong quá trình thực hiện. Do đó cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, quy định chặt chẽ trong dự thảo luật.

"Quy định chặt chẽ như trước còn xảy ra tiêu cực. Nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng thì lại hợp lý hóa cho vấn đề phát sinh tiêu cực," đại biểu Tạ Văn Hạ nói và đề xuất, chỉ nên quy định tạm thời trong một nghị quyết riêng, có thời hạn, đối tượng cụ thể và quy trình rõ ràng. Không thể giao toàn quyền cho một cá nhân mà thiếu kiểm soát, dễ dẫn đến lạm quyền, tiêu cực.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/dbqh-dau-thau-lien-tuc-nhieu-nam-chi-co-mot-nha-thau-trung-41851.html