SEA Games 21 - Malaysia: Hình ảnh của một ngọn lửa, thường được sử dụng trong hầu hết các môn thể thao quốc tế, biểu tượng cho niềm đam mê và sự tuyệt vời của Đại hội. Kiểu đan kết tạo thành chữ số La Mã XXI đại diện cho SEA Games 21, còn màu sắc là màu của "Jalur Gemilang" - tên gọi quốc kỳ của Malaysia, đại diện cho bản sắc dân tộc.
SEA Games 22 - Việt Nam: Mang hình tượng cách điệu của chim Lạc đang tung cánh bay. Mắt chim được tạo thành bởi 10 vòng tròn, nói lên tình đoàn kết, nối vòng tay lớn của 10 nước thành viên ASEAN. Mỏ chim mang màu đỏ của quốc kỳ Việt Nam. Cánh màu xanh lá mạ tượng trưng cho nền văn minh nông nghiệp lúa nước và thân màu xanh nước biển biểu tượng cho dải đất Việt Nam trên thềm lục địa.
SEA Games 23 - Philippines: Logo lấy cảm hứng từ Lễ hội Maskara tổ chức hằng năm tại Bacolod, một trong những địa điểm thi đấu của SEA Games lần này. 11 mảng màu xanh - vàng - đỏ liên tiếp tượng trưng cho 11 quốc gia tham dự SEA Games
SEA Games 24 - Thái Lan: Hình ảnh của ba chiếc thuyền buồm trong hình dạng của lâu đài Pimai đại diện cho lễ kỷ niệm 40 năm Nhà Vua Bhumibol Adulyadej giành huy chương vàng trong một cuộc thi đua thuyền trong SEA Games năm 1967 và kỷ niệm 80 năm ngày sinh nhật của ông. Hình dạng những chiếc thuyền giống với lâu đài Pimai, đại diện cho thành phố chủ nhà Nakhon Ratchasima với nền văn minh một ngàn năm trước nằm ở khu vực Đông Bắc của Thái Lan.
SEA Games 25 - Lào: Hình ảnh của bảo tháp và dòng sông Mê Kông. Bảo tháp tượng trưng cho Lào, nơi tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á 2009 và cũng tượng trưng cho văn hóa, nghệ thuật và lịch sử của Lào. Ba đường cong của sông Mê Kông dưới tháp, tượng trưng cho nguồn gốc, văn hóa và lối sống của người Lào, đặc biệt là thể thao.
SEA Games 26 - Indonesia: Hình ảnh chú chim Garuda (Kim Sí Điểu), cũng là biểu tượng quốc gia của Indonesia. Logo này được chọn bởi thành phố Palembang đại diện cho sự đoàn kết và thống nhất của các thành tựu, văn hóa và sự nhìn nhận của thế giới về Indonesia. Ngoại hình của Garuda đại diện cho sức mạnh, trong khi đôi cánh của nó biểu lộ vinh quang và huy hoàng.
SEA Games 27 - Myanmar: Lấy cảm hứng từ hình dáng của đất nước Myanmar để cách điệu thành hình người đang chạy. Màu vàng, xanh lá cây và đỏ là màu quốc gia, giống trên Quốc kỳ của Myanmar, đại diện cho Myanmar là quốc gia chủ nhà của Đại hội.
SEA Games 28 - Singapore: Hình ảnh mô tả một vận động viên băng qua vạch đích với hai cánh tay giơ lên trong chiến thắng, thể hiện tiềm năng tồn tại trong mỗi vận động viên tham gia. Năm hình vẽ tư thế vận động thể hiện sự đa dạng của các môn thể thao đặc trưng trong SEA Games, cũng như sức mạnh và kỹ năng của các vận động viên.
SEA Games 29 - Malaysia: Logo thể hiện một loại diều truyền thống của Malaysia có tên là Wau Bulan (Diều mặt trăng). Có xuất xứ từ bang Kelantan, “Diều mặt trăng” là một trong những biểu tượng quốc gia của đất nước Malaysia. Logo được cách điệu bởi các hình sọc và màu sắc từ quốc kỳ của tất cả các quốc gia Đông Nam Á.
SEA Games 30 - Philippines: Gồm 11 vòng biểu trưng của Liên đoàn Đại hội Thể thao Đông Nam Á, tạo thành hình dạng lãnh thổ của Philippines với 4 màu: Đỏ, xanh dương, vàng và xanh lục. Những vòng tròn đan xen nhau biểu thị tinh thần và sức mạnh đoàn kết của các đội tuyển tham gia tranh tài tại đại hội thể thao lớn nhất khu vực.
SEA Games 31 - Việt Nam: Biểu tượng “Cánh chim bay lên – bàn tay chữ V”. Logo mang ý nghĩa chỉ hàm ý về sự chiến thắng. Ý tưởng logo này được lấy cảm hứng từ hình ảnh vận động viên đặt bàn tay lên ngực trái của mình. Họ cùng nhau vang lên bản quốc ca trước mỗi đợt thi đấu.
Thế Mạnh