Ngắm mùa xuân Tây Bắc qua tranh của họa sĩ Nguyễn Công Huy

Cảnh sắc mùa xuân Tây Bắc với hoa đào, hoa mận trắng, hoa cải vàng,... như một tấm thổ cẩm rực rỡ qua nét vẽ của họa sĩ Nguyễn Công Huy.

Nguyễn Công Huy, sinh năm 1988, quê Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Anh tốt nghiệp trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật và du lịch Nha Trang, theo đuổi hội họa chuyên nghiệp từ năm 2012. Anh hiện là một trong những họa sĩ tiêu biểu của thành phố và đạt nhiều giải thưởng của Hội Mỹ thuật.

Trong một chuyến đi Hà Giang, Lạng Sơn, cảnh thiên nhiên và sinh hoạt lao động của người dân tộc đã để lại dấu ấn sâu đậm trong họa sĩ. Những ký ức, cảm nhận đó được anh thể hiện độc đáo qua các tác phẩm Tây Bắc.

Đề tài vẻ đẹp Tây Bắc vốn quen thuộc với các họa sĩ thuộc trường phái biểu hiện hay ấn tượng. Nguyễn Công Huy cho biết cố gắng tìm tòi sáng tạo những phương thức thể hiện, thủ pháp mới nhằm tạo dấu ấn cá nhân riêng với mục đích làm nổi bật cảnh sắc, nét hồn hậu của những con người vùng cao.

Họa sĩ chọn từ tháng 12 đến tháng giêng – thời khắc chuyển giao giữa mùa đông lạnh giá sang cái ấm áp của tiết trời xuân. Khung cảnh sống động của núi rừng vào lúc này như một bức tranh thổ cẩm rực rỡ với sắc hồng của hoa đào, hoa mận trắng tinh khôi, hay những khóm hoa cải vàng mọc thành từng cánh đồng,… Cùng với những đồi chè, thửa ruộng bậc thang, những con đường uốn lượn đã cùng góp thêm mảng màu cho bức tranh khung cảnh Tây Bắc ngày xuân.

Họa sĩ Nguyễn Công Huy vẽ gần 40 tác phẩm đề tài Tây Bắc. Anh lựa chọn kích cỡ lớn, thể hiện sự bao la của không gian thiên nhiên núi đồi. Mỗi tác phẩm, họa sĩ tốn từ 3 tuần đến một tháng để hoàn thành từ lúc lên ý tưởng, bố cục và quá trình vẽ với chất liệu acrylic hoặc sơn dầu.

Tranh của Nguyễn Công Huy ghi dấu không chỉ bởi những nét vẽ tỉ mỉ, trau chuốt từ khung cảnh, người với trang phục truyền thống mà còn gây ấn tượng bởi màu sắc và hình ảnh độc đáo. Trong đó, anh đặc biệt nhấn mạnh vào nét mặt, nụ cười của người dân tộc trong từng tác phẩm. Qua nét cọ của họa sĩ, Tây Bắc hiện lên vừa hoang sơ, mộc mạc, vừa lãng mạn, trữ tình.

Theo họa sĩ, giữa cái bạt ngàn của thiên nhiên, con người nhỏ bé nhưng luôn khát khao tự do, hạnh phúc. Dù sống cảnh thiếu thốn, họ vẫn giữ tinh thần lạc quan, lao động hăng say.

“Tôi đưa vào tranh hình bóng của những con người trong khoảnh khắc đời thường để thể hiện sự sống luôn đâm chồi, nảy lộc. Tôi cũng muốn hướng tới sự lạc quan tươi vui với cảnh vườn cây trổ lá, hoa ban, hoa gạo… trong tiết xuân se lạnh. Tất cả như báo hiệu một năm mới rộn ràng, mang niềm tin yêu hứng khởi”, anh chia sẻ.

Bên cạnh mảng tranh phong cảnh Tây Bắc, Nguyễn Công Huy còn yêu thích vẽ về loài hoa quỳnh, với tựa đề Nữ hoàng bóng đêm cùng mảng tranh Ký ức tuổi thơ.

Họa sĩ mê đắm hoa quỳnh vì nó mang theo một sự bí ẩn, một vẻ ngoài vô cùng rực rỡ và sắc sảo. Hoa mang ý nghĩa của sự thanh khiết, dịu dàng và e ấp ngại ngùng của người thiếu nữ. Mặt khác, do chỉ nở một lần duy nhất vào ban đêm và sau đó sẽ tàn nên nó còn tượng trưng cho “vẻ đẹp chung thủy” trong tình yêu.

Ở mảng Ký ức tuổi thơ, họa sĩ hoài niệm về những tháng ngày thủa ấu thơ qua khoảnh khắc chăn trâu, thả diều, chơi đùa bên đám bạn cùng xóm,… Đây cũng là hình ảnh quen thuộc với những ai được sinh ra và lớn lên ở miền quê. Các tranh có gam màu nổi bật, mang nét trong trẻo, tinh nghịch.

Các đề tài của Nguyễn Công Huy thường gần gũi, mang nét bình dị và quen thuộc với nhiều người. Qua mỗi tranh, anh muốn hướng người xem đến sự hoài niệm, giúp họ tạm quên những bận rộn của đời sống phố thị để trở về với miền ký ức.

Tuấn Chiêu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ngam-mua-xuan-tay-bac-qua-tranh-cua-hoa-si-nguyen-cong-huy-2103234.html