Ngậm ngùi chia tay cảng Hoàng Diệu - Biểu trưng của 'Thành phố Cảng'

Những ngày này, TP Hải Phòng đang tập trung cao độ cho việc di dời cảng Hoàng Diệu để giải phóng mặt bằng cho dự án công trình mới. Vẫn biết quá trình phát triển là tất yếu, nhưng nhiều người Hải Phòng không khỏi ngậm ngùi khi phải chia tay với di tích đã tạo dựng danh hiệu 'Thành phố Cảng' suốt 150 năm qua.

Theo tư liệu lịch sử, ngay sau khi xâm chiếm miền Bắc, người Pháp đã đầu tư xây dựng Hải Phòng thành trung tâm kinh tế lớn. Có thể nói, các cơ sở kinh tế thời kỳ đó chính là tiền đề tạo lập TP Hải Phòng, trong đó cảng Hoàng Diệu (Bến Sáu Kho) là bến cảng được xây dựng đầu tiên và là một trong những công trình được xây dựng sớm nhất vào năm 1874.

Từ đó đến nay, vùng đất này luôn giữ vai trò cửa ngõ giao thương hàng hải lớn nhất miền Bắc, đồng thời cũng mang tính biểu trưng để Hải Phòng còn được gọi là “Thành phố Cảng”.

Cảng Hoàng Diệu còn gọi là Bến Sáu Kho thời kỳ Pháp thuộc (ảnh tư liệu).

Cảng Hoàng Diệu còn gọi là Bến Sáu Kho thời kỳ Pháp thuộc (ảnh tư liệu).

Theo ông Trần Lưu Phương, Giám đốc cảng Hoàng Diệu, cảng Hoàng Diệu còn là điểm đầu để người Pháp xây dựng tuyến đường sắt nối Hải Phòng, qua Hà Nội, Lào Cai đến Côn Minh (Trung Quốc) từ năm 1902, hiện vẫn là cảng duy nhất trên cả nước có đường sắt kết nối cảng biển.

Về dấu ấn lịch sử cách mạng, cũng theo các nguồn tư liệu, ngay từ những thập niên đầu của thế kỷ 20, cảng Hải Phòng trở thành nơi nhận tiếp nhận và lan tỏa tư tưởng chủ nghĩa cộng sản, được xác định là một trong những cái nôi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Tháng 7/1926, từ cảng Hải Phòng, đồng chí Trần Phú (Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng) đã đi Quảng Châu để tham gia “Thanh niên cách mạng đồng chí hội”. Kể từ đó phong trào cách mạng tại Hải Phòng phát triển mạnh mẽ, với việc thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên vào ngày 28/11/1929.

Đặc biệt, vào ngày 20/10/1946, sau chuyến đi Pháp trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở về tại Bến Ngự (thuộc cảng Hoàng Diệu), đó cũng là lần đầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Phòng được đón Người về thăm.

Khi Hiệp định Geneve được ký kết, Hải Phòng trở thành nơi tập kết 300 ngày đêm cho người Pháp và chính quyền tay sai rút khỏi miền Bắc bằng đường thủy, ngày giải phóng Hải Phòng 13/5/1955 cũng trở thành ngày đánh dấu miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, chấm dứt gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp.

Hòa bình lập lại ở miền Bắc, hệ thống cảng Hải Phòng với quy mô chủ yếu là cảng Hoàng Diệu chính thức có tên trên bản đồ hàng hải thế giới với chủ quyền được xác lập thuộc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là đầu mối giao thương quốc tế, đặc biệt là địa điểm duy nhất tiếp nhận hàng viện trợ từ các nước XHCN và anh em, bè bạn trong thời kỳ chống Mỹ.

Cảng Hoàng Diệu xếp dỡ hàng viện trợ từ tàu Liên Xô thời kỳ chống Mỹ (ảnh tư liệu).

Cảng Hoàng Diệu xếp dỡ hàng viện trợ từ tàu Liên Xô thời kỳ chống Mỹ (ảnh tư liệu).

Giám đốc Trần Lưu Phương cho biết, với vị thế chiến lược và tầm quan trọng như vậy, nên cảng Hoàng Diệu cũng trở thành một trong những mục tiêu tấn công lớn nhất của Mỹ trong các đợt bao vây, phong tỏa và không kích miền Bắc.

Từ năm 1965 đến 1972, máy bay Mỹ 300 lần đánh phá cảng, lực lượng tự vệ cảng chiến đấu quả cảm, trực tiếp bắn rơi 3 máy bay và cùng đơn vị bộ đội bắn rơi 30 chiếc khác; phá gỡ được 308 quả bom, thủy lôi, bảo đảm an toàn cho hàng hóa qua cảng.

Trong thời kỳ đổi mới, nhất là những năm gần đây hệ thống cảng Hải Phòng được đầu tư phát triển mở rộng, cảng Hoàng Diệu trở thành đơn vị thành viên của của Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng, chủ yếu xếp dỡ mặt hàng sắt, thép và máy móc, thiết bị hạng nặng cùng nhiều loại hàng rời khác.

Hình ảnh những công nhân bốc xếp, những chiếc cần cẩu vươn lên trời cao, tiếng còi tàu ngân vang… thực sự là kỷ niệm sâu đậm trong tâm trí nhiều thế hệ người dân Hải Phòng, hóa thân trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật, lắng đọng với thời gian.

Tuy nhiên, xu hướng phát triển là tất yếu, cảng Hoàng Diệu dù cất giữ trong mình những ý nghĩa rất lớn về lịch sử, văn hóa… nhưng bản chất vẫn là 1 cơ sở kinh tế.

Trong khi hệ thống cảng của Hải Phòng đã phát triển với quy mô lớn gấp hàng trăm lần so với ban đầu, được đầu tư hiện đại, đa dạng hình và vươn ra phía biển với những tên tuổi mới như Chùa Vẽ, Đình Vũ, Tân Cảng, Lạch Huyện… nên cơ sở hạ tầng cũ kỹ, lạc hậu 150 tuổi mang tên cảng Hoàng Diệu xem như đã đi qua một giai đoạn lịch sử, đến lúc phải thay đổi.

Cảng Hoàng Diệu trước ngày di dời, chấm dứt hành trình 150 năm tuổi.

Cảng Hoàng Diệu trước ngày di dời, chấm dứt hành trình 150 năm tuổi.

Ông Trần Lưu Phương chia sẻ, việc di dời cảng Hoàng Diệu là chủ trương lớn của thành phố, mục tiêu chính là phục vụ giải phóng mặt bằng để xây cầu Nguyễn Trãi nối với trung tâm đô thị mới Bắc Sông Cấm và chỉnh trang đô thị hiện hữu. Vì sự phát triển của Hải Phòng, cảng Hoàng Diệu đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, kết thúc vai trò của mình.

Trong một cuộc họp mới đây do Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng chủ trì, bên cạnh việc đề xuất các giải pháp ổn định đời sống, việc làm cho gần 1 nghìn người lao động cũng như đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp cảng, vấn đề bảo tồn những giá trị lịch sử, văn hóa của cảng Hoàng Diệu cũng được đặt ra.

Trên tinh thần đó, UBND TP Hải Phòng đã có Thông báo số 304/TB-VP thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP, quyết định giữ nguyên trạng một số công trình trong cảng Hoàng Diệu để bảo tồn và xây dựng thành điểm tham quan, du lịch, gồm: Khu nhà điều độ cảng; khu Tượng đài công nhân cảng, bức phù điêu sau tượng đài; hầm trú ẩn tập thể thời thời kỳ chống Mỹ… cùng một số hạng mục khác.

Theo lộ trình kế hoạch, đến hết tháng 9 tới mặt bằng cảng Hoàng Diệu sẽ được giải phóng để bàn giao cho dự án mới. Hy vọng rằng những công trình còn lại nêu trên sẽ được lưu giữ xứng đáng, để các thế hệ sau có điều kiện tiếp cận với dấu ấn 150 tuổi, nơi phát tích địa danh “Thành phố Cảng”, biểu tượng sâu sắc đã làm nên truyền thống “Trung dũng – Quyết thắng” mang tên Hải Phòng.

Văn Minh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/ngam-ngui-chia-tay-cang-hoang-dieu-bieu-trung-cua-thanh-pho-cang-i740385/