Ngắm những bảo vật vô giá của thời đại Hùng Vương

Cùngđiểm qua một số hiện vật của thời đại Hùng Vương đã được công nhận là bảo vật quốc gia, hiện được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tại Hà Nội.

Trống đồng Ngọc Lũ I được đánh giá là chiếc trống đồng đẹp nhất của thời đại Hùng Vương từng được tìm thấy từ trước đến nay. Trống còn khá nguyên vẹn, có hình dáng cân đối, đường kính 79 cm, cao 63 cm. Trống được chia làm 3 phần: Tang trống nở phình, thân trống hình trụ đứng, chân trống hình nón cụt hơi choãi.

Nét đặc sắc nhất của trống đồng Ngọc Lũ I là hệ thống hoa văn hết sức phong phú, được chia làm hai loại là hoa văn hình học và hoa văn người, động vật và đồ vật.

Các nhà nghiên cứu xác định Trống đồng Ngọc Lũ I có niên đại 2.500 năm trước, được xếp vào loại H1 - loại trống đồng "cổ nhất, cơ bản nhất và từ loại này mà các loại khác ra đời”. Có thể nói đây là một kiệt tác được sáng tạo trong thời kỳ cực thịnh của văn hóa Đông Sơn.

Thạp đồng Đào Thịnh là một hiện vật đặc biệt thuộc nền văn hóa Đông Sơn, có niên đại từ 2.500 - 2.000 năm trước, được chế tác bằng đồng với chiều cao 98cm, đường kính miệng 61 cm, đường kính đáy 60 cm.

Thạp có dáng hình trụ, thuôn dần xuống đáy. Nắp đậy hình nón cụt, ở giữa có hình mặt trời 12 tia, xung quanh có 11 vành hoa văn. Nét đặc sắc nhất của thạp đồng Đào Thịnh là trên nắp thạp có 4 cặp tượng trai gái đang giao hợp (hiện còn 2 cặp nguyên vẹn).

Có thể nói, không chỉ là một tạo vật hết sức đặc sắc, thạp đồng Đào Thịnh là bản thông điệp của quá khứ gửi cho thế hệ mai sau về cuộc sống vật chất và quan niệm phồn thực, khát vọng sinh sôi nảy nở của con người và vạn vật của cư dân nông nghiệp lúa nước.

"Cây đèn hình người quỳ" là tên gọi của một cổ vật Đông Sơn độc đáo, có niên đại khoảng 1.700 - 2.000 năm trước. Đèn cao 40 cm, rộng 27 cm, nặng 1,9 kg, mang hình tượng một người đàn ông mình trần, đóng khố, hai tay nâng đĩa đèn trong tư thế quỳ. Trên đầu tượng được gắn vương miện, tóc để chỏm.

Có nhiều cách lý giải khác nhau về tạo hình của hiện vật này. Theo nhà nghiên cứu O.Jane, bức tượng thể hiện hình ảnh một vị thần. Ý kiến khác cho rằng cây đèn thể hiện văn hóa Hán và người đàn ông quỳ là một tù binh Hung Nô bị bắt và trở thành người hầu. Theo TS Phạm Quốc Quân, cây đèn thuộc nền văn hóa “Hậu Đông Sơn”, mang nguồn gốc và đậm chất Đông Sơn...

Đây là cây đèn hình người lớn nhất trong số ít cây đèn cùng loại, thể hiện kỹ thuật đúc khéo léo và phản ánh thẩm mỹ cao của cư dân cổ ở Việt Nam cách đây 2 thiên niên kỷ.

Có niên đại cách ngày nay 2.500 năm, mộ thuyền Việt Khê được đánh giá là ngôi mộ cổ nhất và đẹp nhất của nền văn hóa Đông Sơn. Mộ làm bằng thân cây khoét rỗng, có chiều dài 476 cm, rộng 77 cm, dày 6 cm, sâu 39 cm, cao cả nắp 60 cm. Đây là ngôi có kích thước lớn và nguyên vẹn nhất trong số những mộ thuyền Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam.

Điều đặc biệt của mộ thuyền Việt Khê là bên trong mộ chứa 107 đồ tùy táng gồm chủ yếu là đồ đồng, một số là đồ gỗ và đồ da có sơn. Đây là kỷ lục về số lượng đồ tùy táng trong một ngôi mộ Đông Sơn, thể hiện đây là ngôi mộ của một nhân vật có thế lực trong xã hội lúc đó.

Các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá, mộ thuyền Việt Khê là một phát hiện khảo cổ học đặc biệt về nền văn hóa Đông Sơn. Ngôi mộ này là một minh chứng điển hình cho táng thức và táng tục của cư dân Đông Sơn giai đoạn sớm, đồng thời là nguồn tư liệu quý giá cho việc nghiên cứu các ngành nghề thủ công truyền thống cũng như lịch sử hình thành giai cấp trong xã hội Đông Sơn.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/ngam-nhung-bao-vat-vo-gia-cua-thoi-dai-hung-vuong-850915.html