Đây là những mẫu hổ phách chứa côn trùng cổ xưa thuộc sở hữu của Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội. Các hiện vật này đang được trưng bày trong triển lãm "Lịch sử hình thành Trái Đất thông qua bộ sưu tập hiện vật hóa thạch" tại tầng 3 của Bảo tàng Hà Nội.
Theo tài liệu của Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội, hổ phách là nhựa thông hóa thạch. Nhựa thông hoạt động như một phản ứng bảo vệ của cây. Khi cây có vết thương (gãy cành) hoặc bị côn trùng, nấm tấn công, lớp nhựa đặc này sẽ tiết ra để bịt vết thương lại và ngăn ngừa tổn thương.
Nhựa thông dẻo và lỏng, thu hút côn trùng vì vị ngọt của nó, trong quá trình chảy ra và lăn xuống đất, nhựa cây tươi đã cuốn theo những mảnh thực vật, côn trùng bám vào.
Trong điều kiện thích hợp nhựa cây cứng lại, được bảo tồn trong trầm tích và hóa thạch, trở thành hổ phách. Chúng thường được gặp dưới dạng khối nhựa cứng hoặc nhũ đá có màu vàng trong suốt.
Hổ phách chính là giọt thời gian lưu giữ lại lịch sử của Trái đất bởi những dấu vết sinh vật mắc kẹt trong hổ phách không bị ảnh hưởng bởi các tác nhân vật lý và hóa học của môi trường nên giữ được nguyên vẹn từ hình dạng tới cấu trúc ban đầu.
Qua nghiên cứu hổ phách, các nhà khoa học đã xác định được hơn 1.300 loài sinh vật đã từng tồn tại trên Trái đất.
Những mẫu hổ phách có niên đại xa xôi nhất được phát hiện đã hình thành vào kỷ Carbon sớm, cách đây khoảng 320 triệu năm, rất lâu trước khi khủng long xuất hiện.
Hiện tại, bộ sưu tập hổ phách của Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội đến từ hai vùng lớn, đầu tiên là vùng biển Baltic (miền Đông nước Đức, Ba Lan và Nga). Các mẫu vật ở đây có tuổi từ 27-48 triệu năm.
Vùng thứ hai là ở phía Bắc Myanmar, nơi cách đây 99 triệu năm từng là một khu rừng mưa nhiệt đới, nằm gần bờ biển...
Quốc Lê