Ngắm những sản phẩm chưa từng được công bố của Nokia

Nhiều thiết kế độc đáo của Nokia lần đầu xuất hiện trong kho lưu trữ thiết kế công bố ngày 15/1.

 Kho tàng lưu trữ thiết kế Nokia (Nokia Design Archive) được xây dựng bởi Đại học Aalto (Phần Lan), ra mắt ngày 15/1. Tại đây, nhiều chi tiết thú vị về Nokia lần đầu xuất hiện rộng rãi, chủ yều gồm tài liệu nội bộ, bản thiết kế sản phẩm. Đa số dự án có thời gian từ giữa thập niên 1990 đến 2000, giai đoạn phát triển mạnh nhất của Nokia khi thị trường di động bùng nổ. Khoảng 700 tài liệu được công bố gồm bản vẽ, nguyên mẫu nhiều thiết bị chưa từng ra mắt của công ty Phần Lan. Ảnh: Aalto University.

Kho tàng lưu trữ thiết kế Nokia (Nokia Design Archive) được xây dựng bởi Đại học Aalto (Phần Lan), ra mắt ngày 15/1. Tại đây, nhiều chi tiết thú vị về Nokia lần đầu xuất hiện rộng rãi, chủ yều gồm tài liệu nội bộ, bản thiết kế sản phẩm. Đa số dự án có thời gian từ giữa thập niên 1990 đến 2000, giai đoạn phát triển mạnh nhất của Nokia khi thị trường di động bùng nổ. Khoảng 700 tài liệu được công bố gồm bản vẽ, nguyên mẫu nhiều thiết bị chưa từng ra mắt của công ty Phần Lan. Ảnh: Aalto University.

Thiết bị đeo tay chưa có tên. Đầu những năm 2000, Nokia trình làng 2 thiết bị thuộc dòng Imagewear, tích hợp màn hình hiển thị ảnh để đeo lên cổ. Trong ảnh là nguyên mẫu chưa từng ra mắt của Medallion II đeo lên tay. “Việc Nokia chuyển sang trang sức là một phần trong xu hướng rộng hơn nhằm tăng tính thời trang, cá nhân hóa của thiết bị công nghệ di động”, Kaisu Savola, nhà nghiên cứu tại Đại học Aalto và thành viên kho lưu trữ, cho biết.

Vision 99. Năm 1997, Nokia lên kế hoạch thâm nhập phân khúc điện thoại di động cho người chơi thể thao và trẻ em. Bài thuyết trình nội bộ dài 43 trang hình thành với tên Vision 99. Các nhà thiết kế phác thảo ý tưởng điện thoại bọc trong vỏ chống nước, làm bằng cao su hoặc xốp. “Tại Nokia, phương pháp tiếp cận phân khúc không chỉ dành cho marketing mà còn đến từ giai đoạn thiết kế sản phẩm”, Savola nói thêm.

Access Touch. Cùng năm 1997, đội ngũ thiết kế tại Nokia lên ý tưởng về mẫu điện thoại phục vụ người dùng mọi độ tuổi, kể cả người khuyết tật. Một số chi tiết được cân nhắc gồm màn hình lật để tăng góc nhìn, máy trợ thính tháo rời, tính năng nhận diện giọng nói để sử dụng rảnh tay và phím nổi cho người mù. Theo các nhà nghiên cứu tại kho lưu trữ, Nokia chưa từng ra mắt điện thoại như vậy, song một số nguyên tắc thiết kế đã được đưa vào nhiều sản phẩm khác.

Human Form 1. Năm 2013, Nokia phát triển mô hình Human Form 1. Chiếc smartphone có thiết kế giống remote, tích hợp màn hình cảm ứng với khả năng “sờ” hình ảnh. Người dùng có thể uốn cong thiết bị để phóng to ảnh, hoặc lắc để quay về màn hình chính (tương tự tính năng lắc để hoàn tác trên iPhone hiện nay). Trong một video thuyết trình, công ty nhấn mạnh đây là “giải pháp tầm nhìn vượt khỏi màn hình cảm ứng và nhận diện giọng nói, khi công nghệ trở nên vô hình và trực giác được ưu tiên”.

Webpad. Theo Wired, nhiều ý tưởng tại Nokia không có mục tiêu bán ra thị trường. Thay vào đó, chúng được hình thành trong các hội thảo để khơi dậy trí tưởng tượng của nhà thiết kế, suy nghĩ đối tượng mục tiêu và khuyến khích thảo luận. Một số khái niệm như quả cầu 3D, thiết bị có bàn phím gập dạng “cánh bướm” chỉ dừng trên bản vẽ. Những ý tưởng khác như thiết bị đeo Webpad (ảnh) trở thành nguyên mẫu để thử nghiệm thực tế. “Các nguyên mẫu giúp mọi thứ dễ hiểu hơn rất nhiều”, Anna Valtonen, nhà nghiên cứu trưởng tại kho lưu trữ, cựu trưởng nhóm thiết kế của Nokia, chia sẻ.

Thiết bị nghe nhạc chưa có tên. Trước khi smartphone bùng nổ vào thập niên 2010, Nokia tìm cách thâm nhập thị trường thiết bị giải trí di động, có thể nghe nhạc, chụp ảnh hoặc chơi game. Sản phẩm hoàn thiện mang tên Music Player HDR-1, kèm thẻ nhớ 32 MB để chứa một giờ nhạc. Thiết bị được ra mắt những năm 2000 với màu bạc và xanh dương, song kho lưu trữ cho thấy Nokia từng phát triển một số màu khác như xám, đỏ...

Nokia Hypercard. Ngoài máy nghe nhạc và máy ảnh, Nokia còn thử nghiệm thiết bị “Hypercard”, nắp bật tích hợp thẻ tín dụng và màn hình cảm ứng bên trong. Dù vậy, sản phẩm chưa bao giờ ra mắt rộng rãi.

Điện thoại giải trí chưa có tên. Hàng loạt nguyên mẫu trên Nokia Design Archive cho thấy một số phiên bản, màu sắc chưa từng xuất hiện của dòng điện thoại chơi game N-Gage. Thiết bị lần đầu được Nokia ra mắt năm 2003 để cạnh tranh Game Boy Advance của Nintendo. Dù vậy, sản phẩm không được người dùng ưa chuộng, bị ngừng sản xuất năm 2006.

Nokia 7700 MX2. Cùng năm 2003, Nokia giới thiệu thiết bị đa phương tiện di động Nokia 7700. Sản phẩm nổi bật với màn hình cảm ứng, bút và thiết kế thuôn dài giống N-Gage. Dù vậy, thiết bị chưa bao giờ bán ra thị trường.

Sản phẩm màu be và đen chưa có tên. Kho lưu trữ cũng đăng tải nhiều nguyên mẫu không rõ công dụng. Trong ảnh là một sản phẩm với màu be, giống camera cầm tay với màn hình LCD (hình chữ nhật đen). Dù vậy, đây có thể là máy chiếu di động hoặc sản phẩm hoàn toàn khác. “Chúng tôi không có tất cả câu trả lời”, Valtonen nhấn mạnh. Hiện tại, kho lưu trữ mới đăng tải khoảng 700 tài liệu, nhưng có thể tăng lên khoảng 20.000 trong tương lai.

Phúc Thịnh

Ảnh: Nokia

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-san-pham-chua-tung-ra-mat-cua-nokia-post1525256.html