'Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam là cuộc cách mạng với Việt Nam'

Đường sắt tốc độ cao cần lưu ý về kinh tế, kỹ thuật và nhân lực bởi công trình này có thời gian phục vụ từ 50-100 năm nên cần có tầm nhìn cụ thể về vấn đề khai thác, vận hành.

Một đoàn tàu của tuyến đường sắt tốc độ cao tại châu Âu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Một đoàn tàu của tuyến đường sắt tốc độ cao tại châu Âu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Pháp tiếp tục làm việc với các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam để hỗ trợ, hợp tác để có thể học hỏi kinh nghiệm về Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.

Tại buổi họp báo “Hợp tác trong lĩnh vực đường sắt cao tốc” do Đại sứ quán Pháp tổ chức vào chiều 17/1, theo ông Hervé Conan, Giám đốc cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu giảm phát thải trong ngành giao thông, trong đó có lĩnh vực đường sắt. Pháp cam kết triển khai hỗ trợ đội ngũ tư vấn kỹ thuật với các dự án tại Việt Nam.

“Ngành đường sắt hiện đang đầu tư các tuyến đường sắt với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng, trong đó có dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam dự kiến tổng mức đầu tư gần 70 tỷ USD và các tuyến đường sắt liên tỉnh, đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, đường sắt đô thị. Đây là thời điểm thích hợp để phía Pháp hợp tác phát triển với Bộ Giao thông Vận tải về các dự án đường sắt,” ông Hervé Conan nhấn mạnh.

Tiết lộ cách đây 44 năm, Công ty đường sắt quốc gia Pháp đã có bước chuyển mình từ làm đường sắt truyền thống sang đường sắt tốc độ cao, ông Diego Diaz, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đường sắt quốc gia Pháp (SNCF) cho rằng đường sắt tốc độ cao cần lưu ý về kinh tế, kỹ thuật và nhân lực bởi công trình này có thời gian phục vụ từ 50-100 năm nên cần có tầm nhìn cụ thể về vấn đề khai thác, vận hành.

“Ngoài những tác động về giao thông và giảm phát thải, đường sắt tốc độ cao tạo ra nhiều công ăn việc làm như chuyên môn kỹ thuật công nghệ cao, máy tính, điều khiển... Pháp có nhiều kinh nghiệm đường sắt tốc độ cao tại nhiều quốc gia nhưng chưa có dự án nào tại Việt Nam nên cần có sự hợp tác chia sẻ để có thể học hỏi kinh nghiệm về dự án này,” ông Diego Diaz chia sẻ.

Đề cập đến vấn đề chuyển giao công nghệ, theo ông Diego Diaz, Dự án đường sắt tốc độ cao có nhiều thành phần từ khâu duy tu bảo trì cơ sở hạ tầng, trang thiết bị có thể phát triển ngay từ đầu để tăng cường năng lực trong nước. Việt Nam có thể sản xuất các thanh tà vẹt và dần dần làm chủ các công nghệ khác, tuy nhiên có những hệ thống khác rất phức tạp và cần có thời gian dài để tiếp nhận để làm chủ nguồn lực công nghệ như hệ thống tín hiệu đường sắt.

Bổ sung thêm, ông Hervé Conan, Giám đốc cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam cho rằng đường sắt tốc độ cao cần thiết phải có nhóm chuyên gia cao cấp hàng đầu trong giai đoạn chuẩn bị. Pháp sẽ đưa ra khuyến nghị về mặt kinh tế, tài chính và tổng thể, các chuyên gia cố vấn cho ngành đường sắt Việt Nam.

Ngoài ra, ông Hervé Conan cũng lưu ý ngay khi tuyến đường sắt đưa vào khai thác cần có duy tu bảo trì và vận hành nên đòi hỏi từ khâu chuẩn bị đầu tư dự án cần quan tâm đến vấn đề đào tạo về nguồn nhân lực để đáp ứng về các chuyên ngành mới này.

“Đường sắt tốc độ cao là cuộc cách mạng với Việt Nam nhưng với kinh nghiệm của Pháp là khi triển khai sẽ có những bất ngờ, phụ thuộc nhiều vào bối cảnh thực tế các điều kiện tự nhiên. Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam đặt ra phải hoàn thành vào năm 2035 là mục tiêu rất lớn,” ông Hervé Conan nói./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-la-cuoc-cach-mang-voi-viet-nam-post1008026.vnp