Ngắm thơ Bác qua lăng kính thư họa
Di sản thi ca của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nguồn cảm hứng sáng tạo với các nghệ sĩ đương đại, mà còn trở nên đặc biệt đối với nghệ thuật thư họa.

Triển lãm 'Thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nét chữ sắc màu' diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội đến hết tháng 5/2025.
Triển lãm 'Thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nét chữ sắc màu' chính thức mở cửa từ ngày 18/5 cho đến hết tháng 5/2025, tại Bảo tàng Hà Nội.
Thư pháp - mộc bản kết hợp với thơ Bác
Với tinh thần nghệ thuật kết hợp truyền thống và hiện đại, Triển lãm “Thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nét chữ sắc màu” trưng bày gần 40 tác phẩm tuyệt đẹp do các nhà thư pháp và nghệ nhân làng nghề thể hiện. Triển lãm chính thức mở cửa từ ngày 18/5 cho đến hết tháng 5/2025 tại Bảo tàng Hà Nội.
Triển lãm do Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội, cùng sự đồng hành của các nghệ sĩ Câu lạc bộ Thư họa ngôi trường cuộc sống - Sắc màu tự nhiên, Câu lạc bộ Di sản văn hóa Á Đông, nghệ nhân làng nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu (Hải Dương) phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025).
Ông Nguyễn Tiến Đà - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết, giới nghiên cứu đã sưu tầm được trên 250 bài thơ của Bác Hồ, trong đó có hơn 100 bài thơ chữ Hán, đủ để khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà thơ lớn. Tuy nhiên, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ tự nhận mình là nhà văn, nhà thơ, mà chỉ nhận là người bạn của văn nghệ sĩ.
Tiêu biểu trong các sáng tác của Bác phải kể đến “Nhật ký trong tù” (sáng tác từ tháng 8/1942 - 9/1943). Bên cạnh đó là các tác phẩm nhằm tuyên truyền vận động cách mạng, như: Du kích ca, Ca sợi chỉ, Ca dân cày, Ca binh lính, Ca công nhân, Ca thiếu nhi…
Ngoài ra, Bác còn sáng tác một lượng lớn tác phẩm thi ca mang tính chất tức cảnh, thể hiện tinh thần lạc quan, tình yêu với thiên nhiên, đất nước, con người… Thơ Bác luôn dung dị, mộc mạc, dễ hiểu, đậm phong vị dân gian, có giá trị tuyên truyền hiệu quả, như: Thượng sơn, Đăng sơn, Nguyên tiêu, Báo tiệp, Tặng Bùi Công, Tức cảnh Pắc Bó, Cảnh khuya, Đi thuyền trên sông Đáy; chùm thơ tặng đồng bào thi đua sản xuất và chiến đấu; thơ chúc Tết; thơ ứng khẩu trong những lần nói chuyện với chiến sĩ và đồng bào các vùng miền địa phương.
“Di sản thi ca của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nguồn cảm hứng với các nghệ sĩ đương đại, mà còn trở nên đặc biệt đối với nghệ thuật thư họa. Với tinh thần nghệ thuật kết hợp truyền thống và hiện đại, triển lãm mang đến gần 40 tác phẩm độc đáo, sáng tạo, đầy cảm xúc, thể hiện lòng biết ơn và sự kính trọng đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
Những nét bút thư pháp uyển chuyển, kết hợp với sắc màu hài hòa của thư họa đã tạo nên không gian nghệ thuật sâu lắng, thiêng liêng và đầy sức truyền cảm”, ông Nguyễn Tiến Đà chia sẻ.
Theo Ban tổ chức, đến với triển lãm công chúng không chỉ được chiêm ngưỡng, được đọc các tác phẩm đặc sắc của Bác Hồ qua lăng kính của nghệ thuật thư họa, mà còn được trải nghiệm, quan sát trình diễn san khắc bài thơ “Nhật ký trong tù” cũng như các kỹ thuật in mộc bản truyền thống từ nghệ nhân làng nghề Thanh Liễu, thưởng thức trình diễn thư pháp của họa sĩ Thái Tĩnh…

Trình diễn thư pháp.

Trải nghiệm trình diễn kỹ thuật in mộc bản.
Vẻ đẹp thơ Bác trong nghệ thuật thư họa
Trong không gian thiết kế trưng bày hiện đại của Bảo tàng Hà Nội, gần 40 tác phẩm thư họa giúp người xem thấy được sự đặc sắc, độc đáo về di sản thi ca của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như sự tinh tế, uyển chuyển khi thơ ca của Bác được các nghệ sĩ thể hiện thông qua nghệ thuật thư họa.
Theo họa sĩ Thái Tĩnh - Chủ tịch Câu lạc bộ Thư họa ngôi trường cuộc sống - Sắc màu tự nhiên, thư họa là sự kết hợp giữa thư pháp và hội họa, giữa viết và vẽ để tạo thành tổng thể một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh. Vốn là một loại hình nghệ thuật có từ xa xưa tại một số nước Á Đông, thư họa không chỉ đem lại vẻ đẹp hoàn hảo mà theo quan niệm xưa còn là phương pháp tu dưỡng thân tâm.
Mỗi tác phẩm trong Triển lãm “Thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nét chữ sắc màu” là sự sáng tạo của các nghệ sĩ với những đặc trưng riêng. Dù chỉ với 3 màu chủ đạo: Màu đen của mực tàu, màu trắng của giấy và màu đỏ của ấn triện nhưng mỗi tác phẩm với nét chữ thư pháp, nét vẽ khác nhau, đã tạo ra những dấu ấn riêng biệt.
Với tác phẩm “Nhật ký trong tù” (chất liệu giấy bán sinh tuyên, kích thước 35x180cm) được nghệ sĩ thể hiện trên nền giấy trắng tinh, thể hiện sự thuần khiết, tinh thần lạc quan của Bác Hồ giữa bốn bề cùm khóa, song sắt. Ngược lại ở tác phẩm “Cảnh khuya”, tác giả lại điểm xuyết các nhành tre trúc và một vầng trăng màu trắng trên nền giấy vàng nhạt. Trong vầng trăng mờ ảo ấy là hình ảnh đất nước Việt Nam, như để minh họa cho câu thơ: “Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”.
Ở tác phẩm “Ngắm trăng”, tre trúc tiếp tục được các nghệ sĩ chọn lựa bắc ngang khối mực thể hiện cho song sắt nhà tù. Bốn câu thơ theo lối thư pháp mờ ảo dưới bóng trăng đêm đầy ngụ ý để làm nổi bật cho câu thơ “Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ/ Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”.

Triển lãm giới thiệu gần 40 tác phẩm thư họa độc đáo, thể hiện các chủ đề về thơ ca của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tham gia triển lãm trong vai trò san khắc bài thơ “Nhật ký trong tù”, nghệ nhân Nguyễn Công Đạt đến từ làng nghề Thanh Liễu lần đầu tiên thể hiện kỹ thuật in ngược chân dung Bác Hồ và phối hợp với các nhà thư pháp để hoàn thiện tác phẩm mộc họa thư.
Đặc biệt, đối với mỗi tác phẩm được giao lưu tại triển lãm, các tác giả sẽ trích 30% giá trị để đóng góp vào Quỹ hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam. Bởi vậy, Ban tổ chức hi vọng triển lãm không chỉ mở ra những góc nhìn mới về vẻ đẹp di sản thi ca của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua ngôn ngữ thư họa, mà còn góp thêm sức lực nhỏ bé sẻ chia, lan tỏa trách nhiệm với các nạn nhân nhiễm chất độc da cam.
Ông Nguyễn Tiến Đà - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết, triển lãm là dịp để người dân và du khách được thưởng lãm, giao lưu và cùng nhau lan tỏa tinh thần yêu nước, lòng biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua triển lãm, Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội cũng mong muốn hợp tác với các nhóm cộng đồng sáng tạo, hướng tới xây dựng TP Hà Nội phát triển sôi động, toàn diện, đưa văn hóa trở thành yếu tố trọng tâm của chiến lược phát triển bền vững.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ngam-tho-bac-qua-lang-kinh-thu-hoa-post731894.html