'Sắc quê 4' đặc biệt thu hút nhà sưu tập và du khách quốc tế

Chỉ còn ít ngày nữa, triển lãm mỹ thuật 'Sắc quê 4' của họa sĩ Quỳnh Thơm sẽ khép lại (23/5), nhưng không khí tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền vẫn vô cùng sôi động. Đông đảo nhà sưu tập trong nước, khách quốc tế và người yêu nghệ thuật vẫn nườm nượp tới tham quan, mua tranh, như để kịp mang về một phần ký ức quê hương đang được gìn giữ bằng hội họa.

Tranh được tháo dỡ để chuyển tới nhà sưu tập.

Tranh được tháo dỡ để chuyển tới nhà sưu tập.

"Sắc quê 4" là cuộc triển lãm cá nhân thứ ba liên tiếp trong thời gian ngắn của họa sĩ Quỳnh Thơm, đánh dấu hành trình lao động nghệ thuật bền bỉ, nghiêm túc và đầy cảm xúc. Với 72 tác phẩm được trưng bày, từ những bức tranh phong cảnh đồng quê, đời sống thường nhật đến các sáng tác trừu tượng mang chiều sâu nội tâm, triển lãm đã tạo nên không gian nghệ thuật đậm chất Việt, kết nối mạnh mẽ với người xem bằng vẻ đẹp mộc mạc và tinh thần văn hóa bền vững.

Trong bối cảnh thị trường nghệ thuật ngày càng đa dạng, dòng tranh mang màu sắc ký ức, bản sắc dân tộc đang trở thành xu hướng được nhiều nhà sưu tập theo đuổi. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, các tác phẩm tái hiện mái nhà xưa, đường làng, ao chuôm, dòng sông bến nước, cánh lúa... lại càng tạo nên sức hút đặc biệt.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam (bên trái) tham quan triển lãm.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam (bên trái) tham quan triển lãm.

Tại không gian triển lãm, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, đã có mặt để chia sẻ và bày tỏ sự trân trọng đối với hành trình nghệ thuật bền bỉ của họa sĩ Quỳnh Thơm. Ông quan sát từng bức tranh, rồi dừng lại trước một tác phẩm lớn vẽ cảnh đồng chiều và chia sẻ: Quỳnh Thơm vẽ tranh bằng cả tấm lòng. Họa sĩ không chạy theo thị hiếu, không cố làm điều gì thật mới lạ để gây chú ý mà chọn lối đi lặng lẽ, bền bỉ, tử tế. Đó là điều rất quý trong đời sống mỹ thuật.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng ghi nhận tinh thần lao động nghiêm túc, chỉn chu và không ngừng đổi mới trong cách thể hiện của Quỳnh Thơm qua từng triển lãm. Tình yêu quê hương, văn hóa dân tộc không phải là điều mới mẻ trong nghệ thuật, nhưng nếu thể hiện bằng sự chân thành thì luôn khiến người xem xúc động. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh thêm, trong bối cảnh nghệ thuật đương đại, việc một họa sĩ lựa chọn gắn bó với dòng tranh nông thôn, trữ tình, mang hơi thở văn hóa Việt một cách kiên định là một tín hiệu đáng mừng bởi nó giúp giữ gìn "phần hồn" của mỹ thuật dân tộc trong dòng chảy hiện đại. Triển lãm vừa cho thấy tay nghề, nhưng quan trọng hơn là cho thấy "đạo" làm nghề để chúng ta tin rằng người nghệ sĩ vẫn giữ được cái tâm trong từng bức vẽ và sẽ còn đi xa.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn (phải) luôn đồng hành, khích lệ các họa sĩ trong cả nước.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn (phải) luôn đồng hành, khích lệ các họa sĩ trong cả nước.

Ông Kiên Trần - một nhà sưu tập lâu năm tại thành phố Hồ Chí Minh đã mua vé máy bay ra Hà Nội vào giữa tháng 5 chỉ để tham quan triển lãm và lựa chọn bức tranh ưng ý. Ông chia sẻ: Tranh của Quỳnh Thơm lưu giữ được không khí, linh hồn của miền quê Việt, nơi tôi đã xa cách nhiều chục năm. Tôi chọn mua hai bức, một để treo, một để dành tặng người bạn là Việt kiều đang sống tại Đức".

Dù đã bước vào những ngày cuối cùng, nhưng triển lãm "Sắc quê 4" vẫn không ngớt khách tham quan. Nhiều tác phẩm được "chốt đơn" ngay tại chỗ. Những bức tranh khổ lớn, vẽ trực họa ngoài trời, ghi lại cảnh sắc làng quê Bắc Bộ đang là tâm điểm chú ý nhờ giá trị thẩm mỹ và cũng bởi tính tư liệu quý giá khi nhiều khung cảnh ấy đang dần biến mất dưới áp lực đô thị hóa.

Ông Jean-Claude Martin, du khách đến từ Pháp, đứng rất lâu trước bức tranh phong cảnh "Chiều quê" và chia sẻ trong ánh mắt lặng lẽ. "Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam, tôi không nghĩ mình sẽ xúc động đến vậy chỉ với một bức tranh. Khi nhìn những mái nhà cũ, hàng cau, cánh đồng lúa và dáng người thấp thoáng, tôi thấy như mình đang đứng giữa một miền ký ức nào đó, không phải của riêng người Việt, mà là ký ức chung về những nơi từng yên bình, giản dị mà mọi dân tộc đều từng có". Ông Jean-Claude nói thêm, điều khiến ông ấn tượng nhất là cảm xúc trong tranh: "Không cần thuyết minh, tranh của họa sĩ Quỳnh Thơm khiến tôi cảm được sự sống. Tôi thấy thiên nhiên, con người, hơi thở, ánh sáng và sự tiếc nuối. Có lẽ chính giá trị chân thành ấy đã khiến tranh của ông ấy chạm vào trái tim người xem, dù họ đến từ đâu".

Niềm vui của nhà sưu tập và họa sĩ.

Niềm vui của nhà sưu tập và họa sĩ.

Bên cạnh các nhà sưu tập trong nước, nhiều nhà sưu tập, du khách quốc tế cũng bày tỏ tình cảm đặc biệt với tranh của Quỳnh Thơm. Bà Margaret Wilson - du khách Mỹ - xúc động chia sẻ: "Tôi như được sống trong những câu chuyện kể bằng mầu sắc. Từng hình ảnh này giúp tôi hiểu hơn về vẻ đẹp đời thường và chiều sâu văn hóa Việt Nam".

Vừa là người vẽ tranh, họa sĩ Quỳnh Thơm cũng được xem như một "sứ giả văn hóa" miền quê bởi cách anh thể hiện sự gắn bó sâu sắc với quê hương qua từng nét cọ. Chính sự hồn hậu, chân thành và gần gũi của anh cũng góp phần khiến người yêu nghệ thuật thêm tin tưởng và gắn bó với các tác phẩm.

Họa sĩ Quỳnh Thơm (bên phải) luôn cầu thị, lặng lẽ làm nghề.

Họa sĩ Quỳnh Thơm (bên phải) luôn cầu thị, lặng lẽ làm nghề.

Nhà phê bình mỹ thuật Mai Thị Ngọc Oanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhận định: "Ở Quỳnh Thơm có sự kết hợp rất hài hòa giữa kỹ thuật, cảm xúc và tinh thần tiếp nối truyền thống. Anh là một trong số ít nghệ sĩ trẻ kiên trì theo đuổi đề tài quê hương một cách nhất quán và có chiều sâu".

Dù đã bước vào những ngày cuối cùng, nhưng triển lãm "Sắc quê 4" vẫn không ngớt khách tham quan. Nhiều tác phẩm được "chốt đơn" ngay tại chỗ. Những bức tranh khổ lớn, vẽ trực họa ngoài trời, ghi lại cảnh sắc làng quê Bắc bộ đang là tâm điểm chú ý nhờ giá trị thẩm mỹ và cũng bởi tính tư liệu quý giá khi nhiều khung cảnh ấy đang dần biến mất dưới áp lực đô thị hóa.

"Tôi vẽ như để giữ lại những gì đang mất. Mỗi bức tranh là một lát cắt ký ức, là lời tri ân lặng lẽ với quê hương", họa sĩ Quỳnh Thơm chia sẻ.

Tranh đã được bảo quản kỹ lưỡng để khách quốc tế mang về nước.

Tranh đã được bảo quản kỹ lưỡng để khách quốc tế mang về nước.

Triển lãm cũng là nơi gặp gỡ của nhiều thế hệ: Từ những người lớn tuổi muốn tìm lại hình ảnh tuổi thơ, đến lớp trẻ yêu nghệ thuật Việt Nam đương đại, và cả những người bạn quốc tế yêu mến văn hóa Việt. Không gian tầng 1 và tầng 2 của Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền vẫn rộn ràng những câu chuyện về tranh, về quê, về một Việt Nam bình dị và sâu lắng.

Trong không gian triển lãm không quá cầu kỳ, loạt tác phẩm khổ vừa và lớn của Quỳnh Thơm nổi bật với những gam mầu tươi sáng, nét cọ khỏe khoắn mà vẫn giữ được sự dung dị. Mỗi tác phẩm như mảnh hồn quê, mộc mạc mà lay động. Không phải ngẫu nhiên mà "Sắc quê 4" diễn ra vào thời điểm cả nước kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất. Trong bối cảnh đặc biệt này, những bức tranh quê như càng thêm phần xúc cảm. Đó không đơn thuần dừng lại ở nghệ thuật về thị giác mà âm vang lời tri ân quá khứ, tôn vinh giá trị văn hóa và khát vọng hòa bình.

Nhà sưu tập quốc tế rất thích tranh ngập tràn sắc quê của Quỳnh Thơm.

Nhà sưu tập quốc tế rất thích tranh ngập tràn sắc quê của Quỳnh Thơm.

Thêm một lý do khiến tranh của Quỳnh Thơm "cháy hàng" tại triển lãm lần này chính là con người, phong cách của tác giả. Nhiều nhà sưu tập nhận định: Tranh đẹp thì đã đành, và thực thế nhiều họa sĩ tranh cũng rất đẹp, nhưng chính tính cách hồn hậu, dễ gần, những chuyện người, chuyện quê ăm ắp nhớ thương, kỷ niệm của anh cũng khiến họ tin tưởng và yêu mến.

Là người đã từng theo dõi anh từ triển lãm đầu tiên, nhà sưu tập Lê Phương nhận xét: "Quỳnh Thơm không tô vẽ cuộc sống, mà vẽ như thở, như kể chuyện bằng trái tim. Anh giản dị ngoài đời bao nhiêu thì tranh anh cũng chân thành bấy nhiêu".

Lần lượt các bức tranh được tháo dỡ để về tay nhà sưu tập.

Lần lượt các bức tranh được tháo dỡ để về tay nhà sưu tập.

Giữa không gian của Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, hình ảnh họa sĩ Quỳnh Thơm luôn hiện diện như người bạn chân thành của từng vị khách đến thưởng lãm. Anh nhẹ nhàng trò chuyện, lắng nghe, và tận tình dẫn dắt người xem đến với từng tác phẩm bằng giọng nói trầm ấm, đôi mắt ánh lên sự hào hứng, say mê. Đặc biệt với du khách quốc tế, anh vừa giới thiệu tranh bằng tiếng Anh mộc mạc do chính mình trau dồi, cũng dùng tranh để kể bao câu chuyện về phong tục, ký ức và đời sống làng quê Việt - những điều tưởng như nhỏ bé nhưng lại khiến nhiều người xúc động đến bất ngờ.

Nhiều người hỏi tôi có tiếc không khi tranh lần lượt ra đi. Có chứ! Nhưng đó là niềm tiếc nuối trong hạnh phúc. Tôi không giữ tranh cho riêng mình. Tôi chỉ là người kể lại một miền ký ức đang lùi xa. Mỗi bức tranh có một hành trình riêng, như những đứa con lớn lên và bước vào thế giới rộng lớn hơn.

Họa sĩ Quỳnh Thơm

Khi ông Jean-Claude Martin bày tỏ ý định muốn mua bức tranh vẽ cánh đồng lúa chín vào buổi hoàng hôn, chính họa sĩ đã tự tay tháo tranh khỏi khung, lau sạch từng hạt bụi, cẩn thận cuộn lại và đóng gói kỹ lưỡng. Anh còn dặn dò cách bảo quản, chống ẩm khi mang về châu Âu và không quên viết tay một lời nhắn nhỏ kèm theo. Một du khách người Nhật chứng kiến cảnh đó đã nói với nhân viên triển lãm: "Người nghệ sĩ này chăm sóc tranh như chăm sóc một phần trái tim mình". Chính sự chu đáo từ cách đón tiếp, hướng dẫn xem tranh cho đến từng thao tác nhỏ khi chuẩn bị gửi tranh đi đã tạo nên bản sắc riêng biệt của họa sĩ Quỳnh Thơm: Một nghệ sĩ mang hồn quê vào tranh, mang cả tình người vào từng khoảnh khắc tiếp xúc với công chúng.

Sắc màu quê hương Bắc bộ lôi cuốn người xem.

Sắc màu quê hương Bắc bộ lôi cuốn người xem.

Chia sẻ trong buổi chiều muộn khi vừa tiễn vị khách quốc tế rời triển lãm cùng bức tranh quê họ vừa sở hữu, họa sĩ Quỳnh Thơm chậm rãi bày tỏ: "Tôi biết ơn khi tranh được đón nhận, nhưng với tôi, điều quý giá hơn cả là cảm xúc người ta mang theo sau mỗi bức tranh. Bán tranh không phải là "bán" ký ức mà là lan tỏa nó. Càng nhiều người muốn giữ lấy một khoảnh khắc quê nhà, dù là để treo trong phòng khách giữa thành phố hay mang sang một đất nước xa xôi, tôi lại càng tin rằng những điều bình dị vẫn còn chỗ đứng trong lòng người".

Họa sĩ Quỳnh Thơm cũng dành tình yêu với nhiều vùng miền trong cả nước.

Họa sĩ Quỳnh Thơm cũng dành tình yêu với nhiều vùng miền trong cả nước.

Anh dừng lại, nhìn quanh không gian triển lãm đang vơi dần tranh, để lại những khoảng tường trống trải, rồi nói thêm trong ánh mắt ánh lên niềm xúc động: "Nhiều người hỏi tôi có tiếc không khi tranh lần lượt ra đi. Có chứ! Nhưng đó là niềm tiếc nuối trong hạnh phúc. Tôi không giữ tranh cho riêng mình. Tôi chỉ là người kể lại một miền ký ức đang lùi xa. Mỗi bức tranh có một hành trình riêng, như những đứa con lớn lên và bước vào thế giới rộng lớn hơn. Tôi vui vì chúng đến được nơi cần đến nơi có người trân quý vẻ đẹp của sự bình yên".

Đó cũng là lý do vì sao, dù không quảng bá rầm rộ, nhưng "Sắc quê 4" vẫn lan tỏa mạnh mẽ, chạm đến trái tim của nhiều người, kể cả những ai chưa từng sống ở một vùng quê Việt Nam nào. Giữa dòng chảy nghệ thuật đương đại đầy biến động, triển lãm của Quỳnh Thơm thể hiện tinh thần mộc mạc: nghệ thuật chân thực, mang hơi thở văn hóa dân tộc, luôn có chỗ đứng vững chắc. Và khi người nghệ sĩ giữ được tâm hồn trong trẻo, tình yêu với quê hương, thì tranh của họ sẽ mãi có sức sống ở trong nước đồng thời vươn ra thế giới.

Thụy Phương

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/sac-que-4-dac-biet-thu-hut-nha-suu-tap-va-du-khach-quoc-te-post880951.html