Ngăn cản NATO mở rộng, Thổ Nhĩ Kỳ cẩn thận 'già néo đứt dây'
Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên duy nhất trong NATO cương quyết không ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh. Theo Project Syndicate, Thổ Nhĩ Kỳ có cái lý riêng của mình, tuy nhiên, nếu như không cân bằng giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, Ankara có thể phải trả giá.
Những lập luận không thiện chí
Một trong những hậu quả địa chính trị quan trọng mà xung đột Nga-Ukraine gây ra, đó là việc những quan ngại an ninh "cứng" đã trở lại thành xu thế chủ đạo trong nền chính trị châu Âu.
Ở một số quốc gia châu Âu, chẳng hạn như Đức, chiến dịch quân sự đặc biệt của Tổng thống Putin đã kích hoạt cam kết tăng cường chi tiêu quốc phòng. Ở Phần Lan và Thụy Điển, hai quốc gia có truyền thống trung lập, công chúng ngày càng ủng hộ việc trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và sau đó, chính phủ hai nước này đã đệ đơn xin gia nhập liên minh.
Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid (Tây Ban Nha) vào cuối tháng 6 này do đó đã nhanh chóng trở thành một sự kiện quan trọng, báo hiệu sự mở rộng hơn nữa của liên minh này.
Tuy nhiên, việc mở rộng NATO đòi hỏi sự nhất trí của tất cả các nước thành viên. Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố rằng đất nước của ông "không có thiện chí ủng hộ" các đơn xin gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan.
Lập trường của Tổng thống Erdogan, mà ông biện minh với lý do hai nước này đang chứa chấp "những kẻ khủng bố người Kurd", đang cản trở tiến trình mở rộng hơn nữa của NATO vào thời điểm bối cảnh địa chính trị có nhiều bất ổn.
Thổ Nhĩ Kỳ có truyền thống ủng hộ chính sách mở cửa của NATO đối với các thành viên mới tiềm năng. Do đó, tuyên bố của ông Erdogan không nên được coi là một quyết định tuyệt đối nhằm ngăn cản việc hai nước Bắc Âu gia nhập liên minh. Trên thực tế, tuyên bố này nhằm thúc đẩy hai mục tiêu khác.
Đầu tiên, lập trường của ông Erdogan phản ánh tâm lý bất bình chồng chất của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới quan điểm của Thụy Điển đối với vấn đề người Kurd nói chung và Đảng Công nhân người Kurd (PKK) nói riêng.
Thổ Nhĩ Kỳ không hài lòng với việc chính quyền Thụy Điển không phản ứng trước các hoạt động của PKK và các chi nhánh của tổ chức này ở Thụy Điển.
Những yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về việc nhà chức trách Thụy Điển cần có động thái trấn áp các hoạt động gây quỹ và chiêu mộ của mạng lưới này hầu như vẫn chưa được giải quyết.
Thụy Điển cũng chứa chấp một số người tị nạn chính trị mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tin là có mối liên hệ với nỗ lực đảo chính hồi tháng 6/2016 ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Hơn nữa, Phần Lan và Thụy Điển trước đây đã áp đặt lênh cấm vận vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì các chiến dịch quân sự xuyên biên giới của nước này ở Iraq và Syria.
Thứ hai, bằng cách công khai phản đối nỗ lực xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, thay vì lựa chọn ngoại giao im lặng, ông Erdogan hy vọng rằng vấn đề này sẽ giúp củng cố sự ủng hộ của công chúng dành cho ông.
Tỷ lệ ủng hộ ông gần đây đã giảm xuống đáng kể và trong bối cảnh chỉ còn một năm nữa là tới cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo, ông muốn xây dựng hình ảnh của mình như một nhà lãnh đạo mạnh mẽ với vai trò quan trọng trong nền chính trị quốc tế.
Tận dụng khoảng "thời gian ân hạn"
Có thể khẳng định, quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ về sự gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Đó là lý do tại sao sẽ là quá lạc quan khi hy vọng bất đồng trong NATO sẽ được khắc phục tại hội nghị thượng đỉnh tới đây ở Madrid.
Chắc chắn tình thế bế tắc hiện nay hàm ý những rủi ro ngày càng tăng đối với tính toàn vẹn của liên minh và đối với mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây.
Hiện chưa rõ Phần Lan và Thụy Điển thực sự có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ hay không. Họ phải cung cấp các bảo đảm được yêu cầu để thực hiện luật chống khủng bố trong nước một cách chặt chẽ, từ đó hạn chế các hoạt động gây quỹ và chiêu mộ của các tổ chức khủng bố.
Bên cạnh đó có thể là việc chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí. Trên thực tế, chính phủ Thụy Điển gần đây đã tuyên bố rằng không có trở ngại nào đối với việc xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, đối với một số yêu cầu khác của Thổ Nhĩ Kỳ, như yêu cầu dẫn độ, Phần Lan và Thụy Điển có thể không đưa ra được cam kết chắc chắn. Trong một trật tự hiến pháp mà đặc trưng là sự phân tách quyền lực mạnh mẽ, các chính phủ không thể quyết định thay cho các cơ quan tư pháp.
Ở mức tốt nhất, Thổ Nhĩ Kỳ và hai nước Bắc Âu có thể đồng ý thiết lập đối thoại thường xuyên hơn, theo đó những yêu cầu này có thể được xử lý theo cách mang tính xây dựng hơn.
Vẫn còn một khoảng "thời gian ân hạn" ngoại giao trước khi hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid diễn ra. Nếu như mọi khúc mắc chưa được giải quyết ổn thỏa, các thành viên NATO khác và đặc biệt là Mỹ sẽ củng cố lập trường chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Những cáo buộc rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang ngăn chặn việc mở rộng NATO vào một thời điểm mấu chốt quan trọng đối với an ninh châu Âu, và từ đó làm lợi cho Nga, có thể sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ. Các nhà lãnh đạo chính trị ở Stockholm, Helsinki và Ankara hiện phải chuẩn bị tâm lý để chấp nhận một thỏa thuận chắc chắn sẽ không hoàn toàn như mong muốn.