Ngăn chặn 'đất tặc' ở Bình Sơn: Khi cung, cầu đều lớn
Địa bàn rộng, nhiều đồi núi; nhu cầu san gạt để tạo mặt bằng của người dân lớn; nhu cầu đất san lấp dân dụng và phục vụ các dự án ở những địa phương lân cận cao… là những nguyên nhân chính khiến xã Bình Sơn (TP. Sông Công) trở thành một điểm 'nóng' về tình trạng khai thác, vận chuyển đất trái phép thời gian gần đây.
Phú Sơn là xóm nổi cộm về tình trạng khai thác đất trái phép. Phản ánh tới phóng viên Báo Thái Nguyên, người dân cho biết việc khai thác đất nhiều khi diễn ra cả ngày lẫn đêm, ngày nghỉ, dịp lễ. Ông Đỗ Văn Sâm, Trưởng xóm Phú Sơn, xã Bình Sơn, cho biết: Các đối tượng thường lợi dụng lúc trời nhá nhem tối đến đêm để khai thác, vận chuyển đất. Từ cuối năm 2023 đến nay, xóm đã phát hiện, báo cáo xã xử lý 4 trường hợp san gạt, vận chuyển đất trái phép.
Không chỉ tại Phú Sơn, việc san gạt, vận chuyển đất trái phép còn xảy ra tại nhiều xóm trên địa bàn xã. Bà Chu Thị Mận, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sơn, cho biết: Tình trạng san gạt đất trái phép xảy ra ở các xóm Phú Sơn, Linh Sơn 1, Linh Sơn 2, Lát Đá. Trong 5 tháng đầu năm 2024, UBND xã đã kiểm tra, phát hiện 7 trường hợp vi phạm về đất đai, trong đó có 5 trường hợp tự ý san gạt đất, xử phạt 17,5 triệu đồng; 2 trường hợp đổ đất xuống ruộng. Ngoài ra, UBND xã cũng xử lý 1 trường hợp tự ý dựng 2 sàn kết cấu thép trên đất nông nghiệp.
Một trong những vụ việc xảy ra gần đây là vào ngày 15/5/2024 tại thửa đất của gia đình ông Nguyễn Văn Hiếu, xóm Phú Sơn. Sau khi nhận được tin báo của người dân, Trưởng xóm Phú Sơn đã báo cáo với UBND xã và đến khoảng 20 giờ 30 phút, tổ công tác của xã Bình Sơn, Công an TP. Sông Công tới gia đình ông Nguyễn Văn Hiếu lập biên bản. Đến ngày 23/5/2024, UBND xã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Hiếu số tiền 3,5 triệu đồng.
Tương tự, UBND xã Bình Sơn đã xử phạt 2 người ở xóm Phú Sơn gồm: bà Lê Thị Huệ 3,5 triệu đồng; ông Trần Văn Anh 5 triệu đồng.
Theo bà Chu Thị Mận, nguyên nhân của tình trạng san gạt, vận chuyển đất trái phép trên địa bàn xã là nhiều hộ dân cần mặt bằng để xây dựng nhà, hoặc thừa đất đồi. Họ “nhờ” những người có ô tô, máy xúc san gạt mặt bằng và vận chuyển đất đi nơi khác. Một nguyên nhân nữa là do địa bàn rộng, các đối tượng lại lợi dụng ngày nghỉ, đêm tối để san gạt, vận chuyển đất trái phép nên rất khó phát hiện. Nhiều trường hợp nhận được tin báo của nhân dân, lực lượng của xã đến hiện trường thì đối tượng đã di chuyển phương tiện đi nơi khác nên không đủ căn cứ xử lý vi phạm.
Cũng theo lãnh đạo xã Bình Sơn, địa phương giáp ranh với các xã thuộc TP. Phổ Yên, TP. Thái Nguyên, gần các khu, cụm công nghiệp nên nhu cầu đất san lấp rất lớn… khiến việc ngăn chặn “đất tặc” trên địa bàn càng thêm nan giải.
Trước thực trạng này, xã Bình Sơn đã thành lập, thường xuyên kiện toàn Tổ kiểm tra, quản lý nhà nước về đất đai, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn xã. Tổ có trách nhiệm kiểm tra theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất việc sử dụng đất, hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; phân công lực lượng trực tất cả các ngày; đường dây nóng sẵn sàng nhận thông tin về khai thác, vận chuyển đất trái phép để kiểm tra, xử lý. Đồng thời tham mưu UBND xã hình thức xử lý các hành vi sử dụng đất, khai thác, vận chuyển đất trái phép.
Bên cạnh tăng cường kiểm tra, xã Bình Sơn cũng đẩy mạnh tuyên truyền tới nhân dân quy định của pháp luật về quản lý đất đai qua nhiều hình thức. Xã cũng tổ chức cho các trưởng xóm, hộ dân có đất đồi ký cam kết không tự ý san gạt, vận chuyển đất...
Tuy vậy, với những nguyên nhân như đã nêu, khi cung – cầu đều lớn, tình trạng san gạt, khai thác, vận chuyển đất trái phép trên địa bàn xã Bình Sơn vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Điều này cần sự quyết liệt hơn nữa của chính quyền địa phương và cơ quan liên quan trong việc phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm, nhất là các đối tượng khai thác, vận chuyển đất trái phép có tổ chức và với quy mô lớn.