Ngăn chặn dịch sốt xuất huyết bùng phát

Số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại Bắc Giang đã giảm song tại một số tỉnh, TP diễn biến phức tạp, nhất là ở Hà Nội. Để phòng ngừa, các ngành, địa phương đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn dịch bùng phát.

Ghi nhận gần 800 ca mắc SXH

Thời gian qua, dịch SXH diễn biến phức tạp và gia tăng trên cả nước với gần 100 nghìn ca mắc, 27 ca tử vong. Tại Bắc Giang, dù không có ca tử vong nhưng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 778 trường hợp mắc tại 10/10 huyện, TP; tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Đến ngày 20/12, toàn tỉnh ghi nhận 33 ổ dịch tại các địa phương; trong đó nhiều nhất là huyện: Lạng Giang, Lục Ngạn và TP Bắc Giang. Đến nay, các ổ dịch này đã được khống chế và không phát sinh ca mới.

 Tổ công tác của Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung ương kiểm tra, lấy mẫu điều tra ở đối tượng muỗi trưởng thành, loăng quăng tại phường Thọ Xương (TP Bắc Giang).

Tổ công tác của Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung ương kiểm tra, lấy mẫu điều tra ở đối tượng muỗi trưởng thành, loăng quăng tại phường Thọ Xương (TP Bắc Giang).

Theo ông Giáp Văn Minh, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - CDC tỉnh), qua phân tích yếu tố dịch tễ cho thấy, các trường hợp mắc bệnh tăng cao từ tháng 7 đến nay, chủ yếu ở người trên 15 tuổi và đa phần xâm nhập từ ngoài tỉnh về, nhiều bệnh nhân là học sinh, sinh viên, người lao động về từ TP Hà Nội - địa bàn đang bùng phát dịch SXH.

Ghi nhận tại phường Thọ Xương (TP Bắc Giang), từ tháng 5 đến nay, toàn phường có 13 ca nhiễm SXH và xuất hiện 2 ổ dịch. Qua xác minh có 7 trường hợp nhiễm mầm bệnh từ nơi khác về, 5 bệnh nhân không xác định được nguồn lây và 1 ca bệnh thứ phát trong ổ dịch. Ông Hà Văn Phúc, Trạm trưởng Trạm Y tế phường cho biết: “So với năm 2022, năm nay số ca SXH tăng đột biến. Ngay sau khi phát hiện ca bệnh, chúng tôi tập trung khoanh vùng, tổ chức phun thuốc nên các ổ dịch đã kết thúc”.

Lạng Giang là địa phương có số ca mắc SXH cao nhất tỉnh với 114 trường hợp. Các ca bệnh rải rác ở tất cả các xã, thị trấn, chủ yếu là ca xâm nhập từ TP Hà Nội về. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, ngay khi phát sinh ca bệnh đầu tiên, Trung tâm đã phối hợp với trạm y tế các xã, thị trấn có dịch giám sát dịch tễ ca bệnh, véc tơ truyền bệnh SXH, tổ chức vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại khu vực có ổ dịch. Tổ chức tuyên truyền về bệnh SXH, các biện pháp phòng, chống; chủ động vệ sinh môi trường, thu gom phế thải.

Nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe

Nhận định về tình hình dịch thời gian tới, lãnh đạo CDC tỉnh cho hay, số ca bệnh hiện đang có xu hướng giảm. Khả năng bùng phát dịch lớn trên diện rộng không cao, vì hiện chưa phát hiện véc tơ truyền bệnh chính (Aedes Aegypti). Tuy nhiên, tại TP Hà Nội đang tăng nhanh số ca bệnh nên các sở, ngành, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền và giải pháp phòng, chống, không để dịch xâm nhập lại và bùng phát trên địa bàn.

Bệnh SXH đến nay chưa có vắc-xin phòng và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; lây truyền qua yếu tố trung gian là muỗi vằn. Vì vậy, người dân nên mắc màn khi ngủ để bảo vệ sức khỏe. Tích cực phối hợp với ngành y tế tổ chức phun hóa chất phòng, chống dịch tại nơi ở. Khi bị sốt chưa rõ nguyên nhân hoặc nghi SXH, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn; không tự ý điều trị tại nhà.

Bệnh SXH do muỗi vằn Aedes truyền bệnh. Để phân tích, giám sát nguồn lây, mới đây tổ công tác của Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng T.Ư kiểm tra, lấy mẫu điều tra ở đối tượng muỗi trưởng thành, bọ gậy. Qua kiểm tra thực tế tại hơn 30 hộ trên địa bàn phường Thọ Xương, tổ công tác nhận thấy, tại hầu hết các hộ đều có chum, vại chứa nước. Đây là điều kiện để muỗi sinh sôi, phát sinh mầm bệnh.

Tiến sĩ Bùi Lê Duy, Phó Trưởng khoa Côn trùng (Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng T.Ư) cho biết: “Để phòng ngừa SXH, nguyên tắc đầu tiên là phải diệt hết bọ gậy, không để các chum, vại chứa nước hoặc các chậu cây cảnh có nước.

Đặc điểm của muỗi SXH là hoạt động vào ban ngày nên để phòng muỗi vào nhà, người dân hạn chế mở cửa lúc sáng sớm. Hoặc lúc chập tối, muỗi có thói quen bay vào nhà tìm nơi trú ngụ, người dân cần đóng kín cửa, tránh để muỗi xâm nhập". Theo các bác sĩ, bệnh SXH đến nay chưa có vắc-xin phòng và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; lây truyền qua yếu tố trung gian là muỗi vằn.

Tỉnh Bắc Giang có lượng lớn người dân đang sinh sống, học tập, làm việc ở các tỉnh ngoài, đặc biệt là TP Hà Nội. Trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch sắp tới sẽ có đông người dân, học sinh, sinh viên trở về địa bàn. Để chủ động các biện pháp phòng dịch, Trung tâm Y tế TP Bắc Giang chỉ đạo các phường, xã tăng cường tuyên truyền; đồng thời thông báo người thân ở tỉnh ngoài về chủ động liên hệ, đến cơ sở y tế khi sốt chưa rõ nguyên nhân hoặc trở về từ vùng dịch.

Các tổ dân vận cộng đồng tiếp tục phát huy vai trò trong việc nắm bắt người từ nơi khác về địa phương, người có biểu hiện sốt, nghi ngờ SXH để báo cơ quan chức năng. Tại huyện Việt Yên, Trung tâm Y tế huyện tiếp tục phối hợp với Trạm Y tế các xã, thị trấn tổ chức giám sát các chỉ số muỗi và bọ gậy ngay sau khi phun hóa chất diệt muỗi từ 2-3 ngày để triển khai phương án phun hóa chất đợt 2 và 3 (phun đợt 2 cách đợt 1 từ 7 đến 10 ngày). Đồng thời củng cố đội, tổ phòng, chống dịch tại các tuyến; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc phòng, chống dịch SXH, sẵn sàng đáp ứng khi có dịch xảy ra.

Được biết, để chủ động phòng dịch bệnh, trong năm 2023, CDC tỉnh đã cấp hàng trăm lít hóa chất diệt côn trùng cho các huyện, TP. Tập huấn cho hàng trăm cán bộ về phòng, chống SXH. 10/10 huyện, TP chủ động phun hóa chất diệt côn trùng. Thời điểm này, ngành Y tế yêu cầu các cơ sở y tế đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe. Tăng cường giám sát, phát hiện điểm nguy cơ, chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị phục vụ công tác phòng dịch.

Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác đối với nguy cơ bùng dịch. Người dân nên mắc màn khi ngủ để bảo vệ sức khỏe. Tích cực phối hợp với ngành y tế tổ chức phun hóa chất phòng, chống dịch tại nơi ở. Khi bị sốt chưa rõ nguyên nhân hoặc nghi SXH, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết - Khôi Nguyên

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/suc-khoe/416772/ngan-chan-dich-sot-xuat-huyet-bung-phat.html