Ngăn chặn gian lận thương mại điện tử

Thực tế cho thấy, hiện nay hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, khó lường. Ðáng quan tâm là tình trạng vi phạm trên môi trường thương mại điện tử (TMÐT) ngày càng phổ biến hơn.

Ông Huỳnh Vũ Phong, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Cà Mau, cho biết, công tác phòng chống mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng nhập lậu, hàng cấm trên địa bàn đã đạt kết quả nhất định. Trong 6 tháng đầu năm nay, các đội QLTT tiến hành kiểm tra 519 trường hợp, phát hiện 326 vụ vi phạm, xử lý 317 vụ; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 2 tỷ đồng. Trong đó, kiểm tra, xử lý việc kinh doanh hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ 17 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 700 triệu đồng.

Ông Phong cho biết thêm, các hình thức vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại trên môi trường điện tử chủ yếu là không thông báo với cơ quan quản lý Nhà nước trước khi bán hàng, hoặc sử dụng website TMÐT bán hàng mà không tuân thủ các quy định về thông tin trên website.

Các đối tượng lợi dụng các sàn TMÐT, trang mạng xã hội (MXH), ứng dụng bán hàng trực tuyến để quảng cáo, giới thiệu và bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng. Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng hoạt động TMÐT, mua sắm trên trang MXH, chuyển phát nhanh, bưu điện... để mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và công tác quản lý thu thuế. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là thuốc lá điếu nhập lậu, thuốc bảo vệ thực vật, thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, hàng điện tử, quần áo may sẵn, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Ðược sự chỉ đạo của Tổng cục QLTT, Cục QLTT tỉnh đã tiến hành rà soát, kiểm tra các website có dấu hiệu vi phạm pháp luật, phát hiện 1 tổ chức vi phạm pháp luật về hành vi không đăng ký website TMÐT bán hàng với Bộ Công thương. Ðoàn kiểm tra đã lập biên bản và xử lý theo quy định của pháp luật.

Ðội QLTT số 6 vừa kiểm tra đột xuất một hộ kinh doanh trên địa bàn Phường 8, TP Cà Mau, buôn bán hàng qua trang MXH. Tại thời điểm kiểm tra, hộ kinh doanh này không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Ðoàn kiểm tra nhận định, phần lớn hàng hóa tại cơ sở kinh doanh có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, một số mặt hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ. Ðoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ, niêm phong toàn bộ hàng hóa, thiết bị và tiến hành xử lý theo quy định.

Vừa qua, Ðội QLTT số 6 đã kiểm tra đột xuất một hộ kinh doanh trên địa bàn Phường 8, TP Cà Mau, buôn bán hàng qua trang MXH, tại đây phát hiện nhiều vi phạm.

Vừa qua, Ðội QLTT số 6 đã kiểm tra đột xuất một hộ kinh doanh trên địa bàn Phường 8, TP Cà Mau, buôn bán hàng qua trang MXH, tại đây phát hiện nhiều vi phạm.

Chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái vốn đã khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn. Bởi những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của TMÐT, việc mua bán trên các trang MXH, các ứng dụng TMÐT ngày càng phổ biến. Ðây là phương thức kinh doanh hiện đại, bên cạnh sự thuận tiện, giảm chi phí đi lại thì đang gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý vi phạm gian lận thương mại.

Hiện nay, nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng quy định của pháp luật đối với hoạt động TMÐT còn nhiều kẽ hở, chưa theo kịp thực tiễn, để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và buôn bán hàng giả; lợi dụng các dịch vụ chuyển phát nhanh để trốn thuế, kinh doanh, buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không có nguồn gốc hợp pháp, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng.

Thực tế dễ thấy nhất là nhiều giao dịch, thanh toán bằng nhiều hình thức rất phức tạp, các cơ sở, đối tượng thường không ghi địa chỉ hoạt động kinh doanh, che giấu thông tin thật. Do đó, khi phát hiện các đối tượng bán hàng có dấu hiệu vi phạm trên MXH, lực lượng chức năng rất khó xác định thông tin, địa chỉ bán hàng để kiểm tra, xử lý vi phạm. Ðặc biệt, với sự bùng nổ của hình thức bán hàng thông qua livestream hiện nay, sau khi khách hàng đặt mua hàng hóa thành công, người bán hàng có thể chuyển hàng trực tiếp từ nước ngoài về thẳng địa chỉ khách hàng mà không cần có kho hàng tại nơi hoạt động.

Quần áo may sẵn là một trong các mặt hàng vi phạm nhiều trên không gian mạng, hiện nay được ngành chức năng đặc biệt quan tâm, theo dõi.

Quần áo may sẵn là một trong các mặt hàng vi phạm nhiều trên không gian mạng, hiện nay được ngành chức năng đặc biệt quan tâm, theo dõi.

Trong khi đó, trang thiết bị phục vụ việc phát hiện dấu hiệu vi phạm ban đầu để có cơ sở pháp lý tạm giữ hàng hóa của lực lượng QLTT còn thiếu, hạn chế, nhất là trang thiết bị, phương tiện để truy vết các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả và hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên các ứng dụng TMÐT. Mặt khác, trình độ chuyên môn quản lý mạng của công chức QLTT hiện còn nhiều hạn chế, dẫn đến kết quả kiểm tra, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu tình hình hiện nay.

Theo quy định tại điểm a khoản 6 Ðiều 63 Nghị định số 98/2020/NÐ-CP của Chính phủ, hành vi lừa đảo khách hàng trên website TMÐT hoặc ứng dụng di động có thể bị xử phạt từ 40-50 triệu đồng, đồng thời đình chỉ hoạt động TMÐT từ 6-12 tháng đối với hành vi vi phạm.

Quy định đã có, song, việc kiểm tra hoạt động TMÐT như đã phân tích gặp không ít khó khăn. Người bán hàng trên sàn giao dịch TMÐT tìm mọi cách lách qua bộ lọc của sàn. Một số người cố tình bán hàng cấm không đưa rõ hình ảnh sản phẩm, đưa tên khác hoặc tạo nhiều tài khoản khác nhau để bán hàng... Vì vậy, để giải quyết triệt để tình trạng bán hàng giả, hàng nhái, hàng cấm trên các trang TMÐT, cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, tăng mức xử phạt, buộc các chủ sàn TMÐT phải có trách nhiệm với sản phẩm bày bán của mình.

Ông Huỳnh Vũ Phong cho biết, Cục QLTT tỉnh đã xây dựng kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch này đặt mục tiêu cụ thể hằng năm để đấu tranh ở thương mại truyền thống và cả không gian TMÐT. Trong quá trình thực thi công vụ sẽ kết hợp với các cơ quan chức năng trao đổi thường xuyên thông tin về hàng giả, hàng nhái và các loại hàng hóa vi phạm. Ðơn vị sẽ kết hợp các cơ quan chức năng để xử lý và ngăn chặn vi phạm. Mục tiêu là tạo môi trường lành mạnh cho doanh nghiệp chân chính và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.

Văn Ðum

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/ngan-chan-gian-lan-thuong-mai-dien-tu-a33500.html