Ngăn chặn hàng kém chất lượng, gỡ khó cho sản xuất kính trong nước
Hàng loạt nhà máy sản xuất kính trong mước đang gặp khó khăn do việc bán phá giá từ các loại kính nhập khẩu. Vì vậy, nhiều người kỳ vọng Thông tư hướng dẫn quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng do Bộ Xây dựng vừa ban hành sẽ gỡ khó và tạo sức bật cho các nhà máy sản xuất kính trong nước…
Không ít thách thức đã và đang bủa vây, làm cho thị trường kính xây dựng trong nước đình trệ, nhiều nhà máy sản xuất phải tạm ngừng hoạt động.
LƯỢNG TIÊU THỤ GIẢM MẠNH
Nhìn lại thời gian gần đây, có thể thấy ngành kính xây dựng nước ta đang gặp khó khăn kép. Từ năm 2020 đến 2022, dưới tác động của đại dịch Covid -19, thị trường bất động sản đã rơi vào tình trạng đình trệ, hầu hết các dự án đều “bất động”. Khi đại dịch qua đi, hàng loạt dự án bất động sản lại gặp vướng mắc về pháp lý, phải tạm dừng, không thể triển khai, nguồn cung dự án mới rất hạn chế. Nhu cầu đối với các sản phẩm kính xây dựng theo đó cũng sụt giảm nghiêm trọng, rơi vào mức rất thấp, nhiều doanh nghiệp sản xuất kính trong nước cũng vì vậy mà lao đao.
Mặc dù đến nay, một số dự án bất động sản đã tái khởi động, thị trường bất động sản có dấu hiệu dần hồi phục, nhưng thị trường kính xây dựng vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do tình trạng hàng nhập khẩu trôi nổi về được bán phá giá, thấp hơn giá thành sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp cho biết hiện nay, lượng nhập khẩu các sản phẩm kính xây dựng khá lớn, chủng loại cũng rất đa dạng, bao gồm từ phôi kính xây dựng (kính xây dựng nguyên tấm) tới các loại kính xây dựng đã qua gia công (kính tôi nhiệt, kính dán, gương...) và các loại cấu kiện đã chế tạo sẵn có chứa vật liệu kính xây dựng (cửa sổ, cửa đi, mặt dựng...).
Tuy nhiên, việc hướng dẫn các chủ thể hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng tuân thủ đầy đủ các quy định quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng vẫn chưa được hoàn thiện. Từ đó, dẫn đến tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng, gây ra nguy cơ làm suy giảm chất lượng công trình xây dựng, trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân và tác động đến việc sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng trong nước, trong đó có ngành sản xuất kính trong nước.
Ngoài ra, chi phí nhiên liệu dầu chiếm hơn 40% tổng chi phí sản xuất nhưng nguồn cung khan hiếm, giá tăng cao, làm tăng chi phí sản xuất thêm 5%. Nguồn nguyên liệu chính như cát trắng silic, đá vôi gặp khó vì thủ tục cấp phép khai thác, một số nguyên liệu gồm soda, dolomit và hóa chất khác phải nhập khẩu, giá thành cao, gây nhiều khó khăn và tăng chi phí trong sản xuất…
Dữ liệu của Bộ Xây dựng chỉ rõ từ năm 2023 đến tháng 6/2024, đã có 3 dây chuyền phải dừng hoạt động sản xuất trên 6 tháng, gồm: Nhà máy Kính nổi- Bình Dương; Nhà máy kính nổi Chu Lai (Chu Lai, Quảng Nam) và Nhà máy kính nổi Tràng An (Ninh Bình). Nhiều nhà máy khác như Nhà máy kính Việt Nhật VFG, Kính Bình Dương VIFG... sản xuất kinh doanh không hiệu quả. Năm 2023, sản lượng tiêu thụ trên cả nước chỉ đạt khoảng 153 triệu m2, giảm 33% so với năm 2022.
Trước thực trạng này, Hiệp hội Kính xây dựng Việt Nam đã liên tiếp kiến nghị thúc đẩy hoạt động đầu tư xây dựng, có chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng cho doanh nghiệp. Cùng với đó, cần có sự kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu kính xây dựng; Xem xét hạn chế nhập khẩu kính xây dựng đã qua gia công, bằng biện pháp áp thuế theo phương thức tính thuế dựa trên trọng lượng nhập khẩu, tùy theo xuất xứ của hàng nhập khẩu... nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất kính trong nước.
TẠO SỨC BẬT CHO SẢN XUẤT KÍNH TRONG NƯỚC
Tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 10/7/2024 và Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/8/2024, Chính phủ cũng đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn và triển khai các biện pháp cụ thể về hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm vật liệu xây dựng, nhập khẩu, đặc biệt là gạch ốp lát, sứ vệ sinh và kính xây dựng, bảo đảm phù hợp với những quy định trong Tự do thương mại của WTO.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng cũng đã xây dựng và lấy ý kiến rộng rãi cho Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng. Ngày 01/11/2024, Thông tư đã được ban hành với nhiều nội dung mới (Thông tư số 10/2024/TT-BXD).
Theo quy định tại Thông tư, các sản phẩm vật liệu xây dựng, trong đó có kính xây dựng (thuộc nhóm 2) nhập khẩu về thị trường Việt Nam phải đảm bảo chất lượng và phù hợp với tiêu chuẩn của Việt Nam.
Cụ thể, Thông tư hướng dẫn quản lý hoạt động nhập khẩu, chất lượng hàng hóa, các thủ tục đối với vật liệu xây dựng nhập khẩu. Với loại hàng hóa kính nổi, những biện pháp quản lý đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ bao gồm: Kiểm tra nhà nước về chất lượng sau khi thông quan; Đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng trước khi thông quan; Căn cứ để kiểm tra nhà nước dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định; Cơ quan kiểm tra là sở Xây dựng.
Đặc biệt, khi đăng ký kiểm tra Nhà nước, phải xác định tên tổ chức chứng nhận hợp quy, tên tổ chức thử nghiệm thực hiện việc thử nghiệm, đánh giá chứng nhận chất lượng hàng hóa nhập khẩu trên bản đăng ký theo mẫu. Cơ quan kiểm tra xác nhận người nhập khẩu đã đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu trên bản đăng ký. Người nhập khẩu sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng hàng hóa do mình nhập khẩu.
Với những quy định của Thông tư hướng dẫn quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng theo hướng siết chặt hơn như trên, nhiều ý kiến cho rằng hoạt động, chất lượng, xuất xứ và giá cả của các loại kính nhập khẩu sẽ được quản lý một cách chặt chẽ và hiệu quả. Do đó, sẽ ngăn chặn hoặc ít nhất cũng hạn chế được các loại kính kém chất lượng, kính nhập giá rẻ, gây ảnh hưởng tới thị trường sản xuất kính trong nước.
Qua đó, góp phần gỡ khó và tạo sức bật cho các nhà máy sản xuất kính trong nước. Đồng thời, góp phần kiểm soát chất lượng vật liệu xây dựng cho các công trình, dự án bất động sản…