Ngăn chặn mầm dịch Covid-19 tại các chợ dân sinh
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànôịmới tại các chợ trên địa bàn Hà Nội ngày 6-6 cho thấy: Dù lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm phòng, chống dịch, vẫn còn nhiều người dân không đeo khẩu trang, thiếu ý thức giãn cách, đặc biệt tại chợ dân sinh, chợ 'cóc', chợ tạm.
Công an xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, kiểm tra và nhắc nhở người bán hàng tại chợ Vồi.
Tăng cường kiểm tra
Qua khảo sát tại các quận Ba Đình, Long Biên, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm…, nhìn chung chợ dân sinh đều hoạt động quy củ dưới sự giám sát của lực lượng chức năng. Việc phòng, chống dịch tại chợ được thực hiện nghiêm túc.
Tại phường Thành Công (quận Ba Đình), UBND phường đã bố trí lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát các chợ “cóc” thường lợi dụng khoảng trống giữa các khu tập thể để họp từ sáng sớm. Chủ tịch UBND phường Thành Công (quận Ba Đình) Ngô Ngọc Lâm cho biết, mặc dù công tác quản lý gặp nhiều khó khăn do lực lượng mỏng, UBND phường vẫn duy trì các tổ giám sát dịch bệnh từ cơ sở, vận động bà con từ bỏ thói quen đi chợ “cóc”, tập trung vào 1 khu chợ đã được quy hoạch trên địa bàn. Tại khu chợ trên, luôn có cồn rửa tay sát khuẩn, cán bộ y tế đo thân nhiệt.
Phó Chủ tịch UBND phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) Hoàng Thị Chiên cho biết, lực lượng chức năng phường thường xuyên ra quân, tổ chức 15 chốt trực tuyên truyền phòng, chống dịch, trong đó lập 2 chốt tại 2 điểm là chợ đầu mối Minh Khai, chợ tạm Văn Trì. Tại chợ tạm Văn Trì, phường có loa di động tại cổng chợ để tuyên truyền. Các tổ kiểm tra xử phạt duy trì chốt trực tại 2 điểm trên.
Ghi nhận tại huyện Thường Tín, hầu hết chợ bố trí điểm sát khuẩn, đo thân nhiệt tại cổng. Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, huyện yêu cầu các xã thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở người dân tuân thủ nghiêm công tác phòng, chống dịch.
Lực lượng chức năng phường Phúc Xá (quận Ba Đình) xử lý vi phạm phòng, chống dịch tại khu vực chợ Long Biên.
Tiếp tục xử lý nghiêm vi phạm
Bên cạnh những địa phương quản lý tốt hoạt động tại các chợ, vẫn còn một số nơi tồn tại chợ “cóc”, chợ tạm.
Cụ thể, tại ngã ba Tân Ấp - Nghĩa Dũng, phường Phúc Xá (quận Ba Đình), để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả, các lực lượng chức năng phường đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 14 triệu đồng đối với 7 tiểu thương buôn bán hoa quả do có hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, xử phạt 36 triệu đồng đối với 18 trường hợp không đeo khẩu trang.
Tại khu chung cư làng Việt kiều châu Âu, phường Mộ Lao (quận Hà Đông), mặc dù lực lượng chức năng đã căng dây để chống lấn chiếm vỉa hè, bán hàng rong nhưng các tiểu thương vẫn bày bán rau, hoa quả ở vỉa hè khi vắng bóng lực lượng tuần tra.
Lực lượng chức năng phường Phúc Xá (quận Ba Đình) xử lý vi phạm phòng, chống dịch tại khu vực chợ Long Biên.
Như Báo Hànôịmới đã phản ánh trước đây, tại ngã tư Tuệ Tĩnh – Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Hai Bà Trưng) vẫn tồn tại chợ bán hàng di động ngay dưới lòng đường mà chưa được giải quyết triệt để. Chị Lê Thu Trang, phố Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng) cho biết, dù dịch bệnh nhưng vẫn còn tình trạng mua bán hàng tràn lan dưới lòng đường ở hai tuyến phố này. “Đề nghị lực lượng chức năng sớm giải tỏa chợ tạm này để bảo đảm phòng dịch tốt nhất”, chị Trang phản ánh.
Khảo sát thực tế trên địa bàn phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), phóng viên nhận thấy tình trạng hàng ăn, quán vỉa hè cơ bản đã được giải quyết. Tuy nhiên, tại ngõ 89 Lạc Long Quân và quanh khu vực chợ Nghĩa Đô lại tái diễn tình trạng các hộ kinh doanh lơ là, không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch. Theo quan sát, để tiện cho việc mua bán, nhiều hộ đã bày hàng hóa tràn ra vỉa hè. Cùng với đó, người có xe thồ, bán hàng rong, khi không có lực lượng chức năng kiểm tra lại đổ về tụ họp.
Tại ngã tư Tuệ Tĩnh - Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Hai Bà Trưng) vẫn tồn tại chợ, bán hàng di động ngay dưới lòng đường mà chưa được giải quyết triệt để.
Trả lời về việc này, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) Chử Mạnh Hùng cho biết, qua kiểm tra, tổ công tác phòng, chống dịch đã xử phạt hành chính 16 trường hợp, số tiền 39,9 triệu đồng do không đeo khẩu trang và bán hàng rong vi phạm trật tự đô thị. Về việc các hộ kinh doanh lấn chiếm hè đường để bán hàng, lực lượng chức năng phường tiếp tục ra quân xử lý nghiêm vi phạm báo đã nêu.
Bên cạnh việc xử lý, giải tỏa chợ “cóc”, chợ tạm, các địa phương cũng tiếp tục tuần tra, duy trì việc xử lý vi phạm để bảo đảm phòng dịch. Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long cho biết, lực lượng Công an thường xuyên tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở người dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, không cho phép tập trung đông người. Từ ngày 1-5 đến nay, xử phạt 389 trường hợp không đeo khẩu trang, số tiền 584 triệu đồng và nhiều cơ sở kinh doanh không tạm dừng hoạt động theo quy định.
Nhằm góp phần hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, 100% cơ sở Đoàn, Đội huyện Hoài Đức đã thực hiện làm được 6.000 tấm chắn giọt bắn, tặng Trung tâm Y tế huyện, chương trình hỗ trợ phòng dịch của thành phố...; tuyên truyền các biện pháp phòng dịch và tặng hàng nghìn khẩu trang cho các tiểu thương tại các chợ dân sinh trên địa bàn huyện. Theo Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường, tính từ tháng 4-2021 đến nay, toàn huyện đã phát hiện, xử phạt 82 trường hợp vi phạm các biện pháp phòng dịch, tổng số 158 triệu đồng...
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.