Ngăn chặn những hình ảnh 'xấu' tại các điểm du lịch

Trong thời gian qua, các hoạt động du lịch ngày càng phát triển mạnh mẽ kéo theo xuất hiện ngày càng nhiều những câu chuyện, hình ảnh 'xấu' khi du khách trải nghiệm các dịch vụ du lịch ở Việt Nam. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Hình ảnh "xấu" trong du lịch

Vừa qua, trên mạng xã hội đã lan truyền một số clip với nội dung nam thanh niên cởi trần nhảy múa dưới vòi tắm tại một quán bar ở bãi biển Bãi Cháy (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh), qua đó đã ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, văn hóa du lịch. Điều đáng nói là chương trình này được biểu diễn ngay tại bãi biển, không giới hạn độ tuổi nên rất nhiều trẻ em cũng xem. Nên hình ảnh các vũ công ăn mặc hở hang trình diễn ngoài bãi biển khiến nhiều người bất bình và phản ứng dữ dội. Ngay sau đó, cơ quan chức năng của địa phương đã vào cuộc và xử phạt cơ sở kinh doanh 50 triệu đồng.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên mô hình các quán bar, pub… ở các bãi biển, ngoài trời có những hoạt động phản cảm và bị cơ quan chức năng xử phạt. Trước đó, năm 2023, một quán bar bãi biển ở thành phố Hạ Long cũng đã bị xử phạt do vũ công mặc trang phục không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Hay như vụ việc tại quán bar trên bờ biển Mỹ Khê, Đà Nẵng đã từng tổ chức cho các vũ công ăn mặc thiếu vải, trình diễn uốn éo các động tác phản cảm trên sân khấu trước đám đông reo hò, nhảy múa theo.

Hình ảnh biểu diễn nghệ thuật phản cảm tại các điểm du lịch (ảnh minh họa)

Hình ảnh biểu diễn nghệ thuật phản cảm tại các điểm du lịch (ảnh minh họa)

Đây chỉ là ví dụ một vài câu chuyện, hình ảnh "xấu" đã để lại ấn tượng không tốt trong lòng du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong thời kỳ công nghệ số phát triển mạnh mẽ, những hình ảnh, video, clip được đăng tải sẽ lan truyền rộng trên mạng xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của Việt Nam nói chung và các địa phương để xảy ra vụ việc nói riêng.

Dưới góc độ là một đơn vị cung cấp các dịch vụ du lịch cho du khách trong và ngoài nước, Giám đốc Aza travel Nguyễn Tiến Đạt cho rằng: "Những câu chuyện, hình ảnh phản cảm không hiếm gặp ở các điểm du lịch, đặc biệt các điểm du lịch lớn đang phát triển mạnh mẽ như Hạ Long, Đà Nẵng… Tuy chúng ta đã những quy định cụ thể, nhưng vẫn còn để xảy ra tình trạng nêu trên, phải thừa nhận một phần trách nhiệm không nhỏ của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý. Việc thanh tra, kiểm tra các điểm đến và điểm tham quan du lịch còn hạn chế, không thường xuyên; việc kiểm soát chất lượng dịch vụ, quản lý môi trường du lịch, cả về tự nhiên và xã hội chưa tốt; khi phát hiện vi phạm thì xử lý không nghiêm".

Còn theo PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ: "Để xây dựng hình ảnh cho du lịch Việt Nam thân thiện, trở thành điểm đến hấp dẫn, nhất là để du khách quốc tế sẽ quay trở lại nhiều vẫn đang là một hành trình gian nan. Bởi hiện nay, nhận thức của các cá nhân, tổ chức tham gia vào hoạt động kinh doanh du lịch vẫn chưa đúng đắn, họ đang quá chú trọng khai thác giá trị về mặt kinh tế, đặt lợi ích của cá nhân lên trên nên việc tận dụng mọi cách để thu hút khách, kiếm lợi nhuận nhanh là điều sẽ xảy ra. Nhưng nhìn ở góc độ phát triển du lịch bền vững, phù hợp với văn hóa xã hội, những hoạt động này về lâu dài sẽ tạo hình ảnh xấu cho các điểm đến du lịch, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh du lịch của địa phương nói riêng và cả nước nói chung".

Hướng đến phát triển du lịch văn minh

Trước thực trạng đó, PGS.TS Phạm Hồng Long cho rằng, hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch và tạo ra các sản phẩm du lịch là cần thiết để thu hút du khách, song cần quan tâm đến sự phù hợp với văn hóa, nhất là ở nơi công cộng tập trung đông người, để đảm bảo phát triển du lịch văn minh, không làm ảnh hưởng đến giá trị văn hóa của người Việt.

Những hình ảnh du lịch đẹp được lan tỏa sẽ thu hút được lượng khách du lịch ổn định và lâu dài (ảnh minh họa)

Những hình ảnh du lịch đẹp được lan tỏa sẽ thu hút được lượng khách du lịch ổn định và lâu dài (ảnh minh họa)

"Vậy nên, các cơ quan quản lý ở địa phương cần phải tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cá nhân, tổ chức tham gia vào hoạt động kinh doanh du lịch để họ thấy được rõ tầm quan trọng của việc phát triển du lịch bền vững, phải cho họ hiểu rằng, du lịch không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, khơi gợi niềm tự hào của người dân ở địa phương. Nếu những hình ảnh du lịch đẹp được lan tỏa sẽ thu hút được lượng khách du lịch ổn định và lâu dài, qua đó, góp phần vừa phát triển kinh tế của địa phương, vừa phát triển du lịch trong nước. Cùng với đó, các cơ quan quản lý ở địa phương cũng cần phải tăng cường kiểm tra giám sát để có những biện pháp xử lý kịp thời hơn trong thời gian tới" – PGS.TS Phạm Hồng Long nói.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết: "Bên cạnh việc tăng cường nâng cao nhận thức của người dân trong việc xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch, thì cũng cần phải tăng cường nhận thức của chính cơ quan quản lý ở địa phương. Các cơ quan quản lý địa phương cần phải có sự nhìn nhận cao hơn về tầm quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh du lịch đẹp trong mắt bạn bè quốc tế để có những hành động quyết liệt đồng bộ và nghiêm túc hơn. Cần phải xem xét mức phạt cho hành vi đó có đủ răn đe hay không bởi nếu việc xử phạt hành chính so với mức lợi nhuận họ thu được không đáng là bao nhiêu thì không ai dám chắc sẽ họ sẽ không tái diễn vi phạm. Do vậy, cần phải có những hình thức xử lý răn đe hơn nếu họ tiếp tục vi phạm như: thu hồi giấy phép kinh doanh, mức phạt tiền nặng hơn… Tôi nghĩ rằng, điều đó sẽ dần dần ngăn chặn được những hình ảnh du lịch xấu tái diễn".

Qua đó, góp phần vừa phát triển kinh tế của địa phương, vừa phát triển du lịch nước (ảnh minh họa)

Qua đó, góp phần vừa phát triển kinh tế của địa phương, vừa phát triển du lịch nước (ảnh minh họa)

Trong khi đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần ban hành và thực thi các quy định chi tiết và cụ thể về những hành vi và hình ảnh bị cấm trong các hoạt động du lịch, giải trí, đảm bảo việc thực thi nghiêm túc các quy định này, không có sự dung túng hay nương nhẹ.

Bên cạnh đó, cũng có thể sử dụng công nghệ như camera giám sát, hệ thống báo cáo trực tuyến để theo dõi và phát hiện sớm các hành vi phản cảm. Phát triển các ứng dụng cho phép người dân và du khách báo cáo nhanh các hành vi phản cảm. Quan trọng hơn nữa là tăng cường các hoạt động giáo dục và tuyên truyền về giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục cho cộng đồng, doanh nghiệp và du khách, thực hiện các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc giữ gìn hình ảnh đẹp tại các điểm du lịch./.

Thương Nguyễn

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/ngan-chan-nhung-hinh-anh-xau-tai-cac-diem-du-lich-20240710110833878.htm